Trước những đe doạ qua các vụ xử phạt, tôi dặn lòng sẽ không viết bất cứ điều gì về dịch, thậm chí bịt mắt, bịt tai đến vô cảm luôn. Bởi đã nói ra thì ắt có sơ suất hay sẽ bị chụp mũ. Tai hoạ về dịch covid chưa thấy đã phải mắc dịch về cái lỗ mồm. Nhưng tôi phải viết. Viết vì lương tâm và trách nhiệm.
Ngày Mỹ và châu Âu bùng phát đại dịch, truyền thông đưa tin rất nhiều người chết do sự yếu kém của chính phủ tư bản, tôi muốn gọi con tôi về, nhưng nó bảo không, rằng ở bên đó yên tâm hơn, vì y tế bên đó rất tốt. Nó nói, điều quan trọng là cơ sở hạ tầng của y tế chứ không phải các biện pháp nhất thời. Và nó quyết không về, coi như chấp nhận “bị bỏ lại đằng sau”.
Tháng 9 năm ngoài, nó bị mắc Covid, nhưng chỉ hai ngày chăm sóc tại gia là khỏi hẳn. Khi vợ chồng tôi biết thì sự đã rồi, hết lo nhưng vẫn khắc khoải, trong khi vợ chồng nó thì vẫn hồn nhiên, chẳng chút lo âu khi sống chung với đại dịch.
Với tình trạng Sài Gòn, Thủ Đức, Bình Dương hiện nay, tôi chưa bao giờ trách Chính phủ một câu. Chính phủ đã nỗ lực và làm hết mình, bằng tất cả các biện pháp, từ ngăn chặn dịch đến cứu đói cho dân.
Tôi chỉ suy tư về cái yếu kém đã trường kỳ của hạ tầng cơ sở y tế. Bình thường các bệnh viện đã quá tải, không đủ giường, trang thiết bị thiếu thốn lạc hậu. Ba tôi lên cơn hen, chết oan chỉ vì bình oxy cạn, gào mãi mà không có ai thay. Nỗi đau đớn ấy luôn nhức nhối trong trái tim tôi suốt 10 năm nay.
Bây giờ đại dịch diễn ra, đã bao giờ những người có trách nhiệm nhìn ra yếu kém của cơ sở hạ tầng y tế chưa? Ngay từ đầu tôi đã viết, rằng nếu không ngăn được dịch ở ta, người chết hàng loạt sẽ không chỉ vì cúm mà vì những bệnh thông thường khác khi bệnh viện quá tải đến mức không thể khắc phục kịp.
Đừng nói ta nghèo hay vì những lý do khác. Khi lấy hàng vạn hecta đất xây sân golf, chùa chiền, tượng đài… hàng ngàn tỷ để ăn chơi, cúng tế và ngắm nghía, ai cũng tự hào vận nước đang lên sánh ngang với cường quốc năm châu, nhưng nói đến y tế và giáo dục thì biện bạch đủ loại khó khăn. Sao không nghĩ đến ưu tiên số tiền hàng ngàn ngàn tỷ ấy chi cho trường học và bệnh viện trước, trong khi trên văn bản giấy tờ luôn xem đó là quốc sách hàng đầu?
Nếu ta có nhiều giường bệnh như Mỹ và châu Âu, thừa chỗ cho người bệnh tự tin chữa bệnh, kể cả là “cường quốc vaccine” như người ta đã cho ta chứ không phải ta tự nổ cho kêu thì đại dịch cũng chẳng đáng lo như con tôi ở nước ngoài đang hồn nhiên sống chung với dịch?
Tôi chỉ suy tư thế. Còn những gì ngoài phạm vi hiểu biết, tôi không dám viết. Mong những người có trách nhiệm suy tư như tôi đã suy tư. Tôi hình dung đại dịch còn kéo dài. Các biện pháp hiện nay chỉ là nhất thời…
Chu Mộng Long