Phú Nhuận – (VNTB) – Mỗi ngày các lực lượng chức năng đã ‘đi chợ hộ’ cho khoảng 20% số hộ dân có nhu cầu trên địa bàn TP.HCM.
Ông Phạm Đức Hải – phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM – cho biết qua 2 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nâng cao (ngày 23 và 24-8), mỗi ngày các lực lượng chức năng đã ‘đi chợ hộ’ cho khoảng 20% số hộ dân có nhu cầu trên địa bàn TP.HCM.
Như vậy đang có đến 80% hộ dân, giả dụ như họ không ‘tích trữ’ lương thực, thực phẩm thì hai ngày đó, họ phải ‘cầm hơi’ bằng cơm chan nước mắt kho quẹt, thậm chí với những nhà cạn bình gas cho bếp ăn, họ đành chịu trận luôn vì trong phần ‘đi chợ hộ’, không có mục về ‘đổi bình gas’.
Ông Phạm Đức Hải – Người phát ngôn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cung cấp con số ước lượng với báo chí, rằng trong 2 ngày 23 và 24-8, trên địa bàn quận huyện và thành phố Thủ Đức, ghi nhận có khoảng 138.000 hộ dân đăng ký đi chợ hộ trên tổng số 2 triệu hộ dân TP.HCM. Theo tiến độ thực hiện hiện nay, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai đi chợ hộ cho 1,7 triệu hộ dân và tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm cho trên 1 triệu hộ khó khăn đến hết ngày 6-9.
Trước đó, theo hướng dẫn của UBND TP.HCM, theo yêu cầu của Chính phủ về nâng cao các biện pháp giãn cách xã hội, người dân “ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 23-8 đến 6-9, phía chính quyền TP.HCM yêu cầu người dân không tự đi chợ. Tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần một lần. Còn với những người khó khăn sẽ nhận được các gói hỗ trợ thông qua các túi an sinh.
Tuy nhiên theo ghi nhận của báo chí, rất nhiều gia đình vẫn không biết được là họ cần liên hệ cụ thể ở đâu để nhờ ‘đi chợ hộ’; thậm chí không ít hoàn cảnh số tiền còn trong tài khoản điện thoại không đủ để thực hiện cuộc gọi, và người dân cũng không biết cậy nhờ ai để ‘mua hộ’ vì mặt hàng ‘thẻ cào di động trả trước’ lại nằm ngoài danh mục gọi là ‘hàng thiết yếu’.
Ngay cả ở những quận cho phép các shipper hoạt động cũng gặp hàng loạt rào cản trong lưu thông hàng hóa.
Mặc dù tin tức trên báo chí đăng rằng các hãng gọi xe đã thông báo shipper ở TP.HCM vẫn sẽ hoạt động trong địa bàn quận huyện không bị cấm, tuy nhiên tỉ lệ đơn hàng giao thành công rất thấp, do tài xế chưa đủ giấy đi đường theo quy định mới vốn liên tục thay đổi
Đại diện Grab, Gojek… cùng cho biết đã tạm ngưng cung cấp các dịch vụ đặt thực phẩm và giao hàng tại các khu vực tại thành phố Thủ Đức (gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũ) và các quận huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn. Còn với các khu vực khác, các dịch vụ này được giới hạn hoạt động theo phạm vi trong quận trong khung giờ từ 6g – 17g hằng ngày.
Ghi nhận của báo chí, giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm phản ánh cho biết đơn vị không thể cung cấp hàng đến các hệ thống dù xe có mã QR luồng xanh. Ngoài ra, chính quyền cũng chỉ cấp mẫu giấy 3A cho nhân viên giao hàng (như dạng shipper trong quận) và 3C cho nhân viên siêu thị đi đường (không thực hiện “3 tại chỗ”), còn lại tài xế chở hàng không được phát.
“Các đơn vị liên quan cần làm việc với nhau để hỗ trợ tháo gỡ, nếu không đơn vị không có hàng bán cho người dân, nhiều điểm sẽ phải ngưng hoạt động”, vị này kiến nghị. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp thực phẩm cho biết hiện nay vẫn chưa nhận đầy đủ giấy đi đường cho nhân viên.
Ách tắc đang mang đến nhiều hệ lụy như cú đổ domino.
Trong văn bản ngày 25-8 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng các bộ Công thương, Giao thông vận tải và chủ tịch UBND TP.HCM, 8 hiệp hội ngành hàng gồm chế biến và xuất khẩu thủy sản, cao su, nhựa, gỗ, rau quả, điều, hồ tiêu, ca cao… mong muốn được tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động đi lại cấp thiết của doanh nghiệp để duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Theo quy định của UBND TP.HCM, các nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu được Sở Công thương cấp giấy đi đường trên cơ sở hồ sơ đăng lý. Tuy vậy, các hiệp hội phản ánh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận được phản hồi từ Sở Công thương.
Lý do là Sở Công thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp), còn UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.
Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cho hay là đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan. Điều đáng nói là không phải tất cả doanh nghiệp đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Việc thay đổi liên tục quy trình đăng ký cấp giấy đi đường cũng khiến doanh nghiệp gặp khó. Theo quy định ban đầu, Sở Công thương cấp theo quy trình 5 bước, nhưng chỉ 1 ngày sau, việc này được giao cho cơ quan công an cấp cho các sở để cấp lại cho doanh nghiệp. Đến nay, do việc xử lý hồ sơ quá tải, Sở Công thương đề nghị chuyển một số nhóm doanh nghiệp cho các quận, huyện xử lý.
“Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng. Trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được”, đại diện các hiệp hội nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, 8 hiệp hội đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ, tăng cường thêm số lượng người xử lý hồ sơ, ứng dụng công nghệ để cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email để làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát, đến trụ sở Sở Công thương đóng dấu.
Để giảm tải cho các sở ban ngành, các hiệp hội cũng đề nghị được đảm nhận vai trò là đầu mối lập danh sách doanh nghiệp có nhu cầu để gửi tới Sở Công thương. Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký, quản lý người lao động. Doanh nghiệp không phải hội viên hiệp hội sẽ thực hiện thủ tục tại Sở Công thương và địa phương.