Thư ngỏ của những nhà giáo, nhà khoa học gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

- Quảng Cáo -

Thái Hạo

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Chúng tôi là những giáo chức, giảng viên, nhà khoa học hiện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu nhưng luôn trăn trở với nền giáo dục nước nhà, nhất là trong bối cảnh công cuộc Đổi mới căn bản toàn diện của ngành lại đang diễn ra giữa cơn đại dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ trên mọi mặt đối với những quyết sách và công tác triển khai ở mọi cấp học.

Thưa Bộ trưởng, giữa bối cảnh ấy, vừa qua, ngày 9/8/2021 nữ giảng viên Trần Thị Thơ (trưởng bộ môn, Khoa Tiếng Anh, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) đã bị nhà trường, ở một địa phương có truyền thống cởi mở, phóng khoáng về tư tưởng, sa thải vì một phát ngôn bày tỏ quan điểm và tình cảm đối với đồng bào khi hệ thống an sinh xã hội của đất nước chưa được hoàn thiện, khiến người dân phải chạy dịch hàng ngàn cây số trên những chiếc xe máy đầy hiểm nguy và bất trắc.

- Quảng Cáo -

Quyết định sa thải này đã khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và bất an bởi nó không những tác động trực tiếp vào cá nhân cô giáo Trần Thị Thơ, vi phạm quyền tự do biểu đạt của công dân, mà – do đó – còn hệ trọng hơn, gián tiếp đe dọa đến cả nền giáo dục và tự do học thuật của bậc đại học. Nó đặc biệt mỉa mai sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “cần nhìn thẳng vào sự thật” (https://tienphong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-phai-nhin…), phải “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật” (http://baochinhphu.vn/…/Phai-nghi-that-noi…/432785.vgp).

Khi chủ trương tự chủ đại học đang được khẩn trương tiến hành, khi việc chấn hưng nền học vấn của nước nhà đang được khẩn trương thực hiện thì một hành xử thiếu cân nhắc, thiếu tính toán như thế đối với tiếng nói và tình cảm của một nhà giáo – nhà khoa học chính là đang đi ngược lại với tinh thần và ý chí của toàn ngành giáo dục. Mặt khác, sa thải cô Trần Thị Thơ về mặt khách quan là dung dưỡng và thậm chí khuyến khích việc làm vô đạo: trò tố cáo thầy!

Chúng tôi cho rằng sau sự kiện này tinh thần tự chủ, tự quyết, tinh thần sáng tạo và nghiên cứu độc lập của giới trí thức đại học sẽ bị ảnh hưởng một cách sâu sắc, toàn diện; thậm chí có thể chặn đứng mọi khát vọng và động lực của tất cả các nhà giáo đang hăm hở trên con đường đóng góp cho nền Sư phạm và học thuật của Việt Nam ta.

Đại học chính là đền thiêng của tri thức, là não bộ của đất nước, là linh hồn của xã hội. Đại học chỉ có thể lành mạnh, tráng kiện và tỏa sáng khi mà nhà giáo, nhà khoa học được tôn trọng và được độc lập suy nghĩ; họ phải được bảo vệ khỏi những áp lực phi học thuật, khi đó một nền đại học hiện đại, tiên tiến mới có thể được đảm bảo.

Hơn nữa, trong thời điểm Cũ – Mới chuyển giao rất nhạy cảm của công cuộc Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục để bắt tay vào thực hiện Chương trình 2018, một chương trình chủ trương giao quyền tự chủ và tự quyết chuyên môn cho nhà giáo một cách mạnh mẽ, có tính cách mạng thì sự kiện thô bạo ở trường Đại học Duy Tân một lần nữa đã gây nên những hoang mang và có nguy cơ chặn đứng nỗ lực cũng như lòng tự tin của hàng vạn giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân của ta. Điều ấy là hết sức nguy hại đối với tương lai của cuộc Đổi mới.

Nhìn thấy trước tất cả những hậu quả trầm trọng và ghê gớm của quyết định sa thải nói trên đối với nền giáo dục và khoa học Việt Nam, bằng trách nhiệm của mình, chúng tôi quyết định gửi đến Bộ trưởng lá thư này với mong muốn sẽ nhận được tiếng nói của ông – một tiếng nói đại diện cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, để bảo vệ sự tự chủ và tự do cũng như quyền của nhà giáo – nhà khoa học Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, ngay trong thời điểm này, một chỉ đạo của Bộ chủ quản sẽ ảnh hưởng có tính quyết định đến hướng đi của nền giáo dục nước nhà: vận động về phía của ánh sáng tri thức, nhân văn và phát triển con người hay sẽ phải tiếp tục loay hoay trong những vướng mắc trầm kha như suốt mấy thập kỷ qua.

Chúng tôi, những nhà giáo, nhà khoa học có tên dưới đây khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng sớm có tiếng nói đối với sự kiện sa thải cô giáo Trần Thị Thơ để lập lại tôn nghiêm và sự lành mạnh trong Ngành, đặng kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho nước Việt Nam ta, một tương lai sẽ chỉ được bắt đầu từ trong giáo dục.

Xin kính chúc ông nhiều sức khỏe để chèo lái con thuyền Giáo dục nước nhà tiến ra biển lớn tri thức và danh dự!

Ngày 17 tháng 8 năm 2021

Ký tên

  1. Nguyễn Quang A, TSKH, cựu Trưởng Khoa Công nghệ thông tin ĐHSP Hà Nội
  2. Nguyễn Hồng Anh, Th.S, giảng viên, TPHCM
  3. Nguyễn Hoàng Ánh, PGS TS, cựu giảng viên Đại học Ngoại thương, Hà Nội
  4. Vũ Thị Bích, hiệu trưởng trường Tiếng Việt Doanh nhân Tín Hà, TP HCM
  5. Nguyễn Quang Bình, nguyên nhà giáo, TP HCM
  6. Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn Hà Nội
  7. Hoàng Tuấn Công, nhà nghiên cứu, Thanh Hóa
  8. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
  9. Nguyễn Văn Gia, giáo viên tiếng Anh đã nghỉ hưu, Đà Nẵng
  10. Đỗ Đăng Giu, Cựu Giám đốc Nghiên Cứu, Đại học Paris XI
  11. Lê Minh Hà, cựu giáo viên Văn trường PTTH Amsterdam Hà Nội
  12. Phạm Hồng Hải, TS, Khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH&NV TP HCM
  13. Nguyễn Đức Hiệp, Nhà khoa học khí quyển và môi trường, Australia
  14. Nguyễn Trọng Hiền, Jet Propulsion Laboratory, California Institute of Technology, Pasadena, CA, Hoa Kỳ
  15. La Khắc Hoà, PGS TS Văn học, nguyên giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội
  16. Nguyễn Thị Từ Huy, TS, giảng viên, Sài Gòn
  17. Hoàng Hưng, nguyên giáo viên dạy giỏi văn toàn miền Bắc, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân, TP HCM
  18. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 tại TP HCM
  19. Nguyễn Lương Hải Khôi, nghiên cứu viên Đại học Oregon, Hoa Kỳ
  20. Đặng Ngọc Lệ, PGS TS, Hội Ngôn ngữ học TP HCM
  21. Phạm Thị Ly, TS, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực 2016-2021
  22. Mai Xuân Lý, Viện Vật Lý, Viện Hàn lâm Khoa học, Ba Lan
  23. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An
  24. Nguyễn Đình Nguyên, TS Y khoa, Australia
  25. Phan Thị Hoàng Oanh, TS Hoá học, GVC ĐH Sư phạm TP HCM (đã hưu trí)
  26. Bùi Trân Phượng, TS, Thành viên Hội đồng Trường ĐH Thái Bình Dương
  27. Trần Hữu Quang, PGS TS Xã hội học, Sài Gòn
  28. Hoàng Văn Quang, TS, Hà Nội
  29. Đặng Văn Sinh, cựu giáo viên Văn THPT, Hải Dương
  30. Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Sử, Trường KHXH & NV, ĐHQGHN
  31. Trần Đức Anh Sơn, TS (Fulbrighter AY 2015 – 2016), Đà Nẵng
  32. Trần Đình Sử, GS TS Văn học, nguyên giảng dạy tại ĐHSP Hà Nội
  33. Ngô Thị Xuân Thảo, giáo viên tiếng Anh, Đà Lạt
  34. Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu vật liệu, Manchester, Anh Quốc
  35. Đào Tiến Thi, nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, Hà Nội
  36. Đỗ Ngọc Thống, PGS TS, nhà giáo, Hà Nội
  37. Nguyễn Lê Tiến, Dr Ing, Hoa Kỳ
  38. Đào Quốc Toàn, nguyên giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Quy Nhơn
  39. Nguyễn Đức Toản, Kỹ sư, TP HCM
  40. Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý, nguyên chuyên viên Viện Tâm lý Giáo dục, Sài Gòn
  41. Dương Tú, nhà nghiên cứu, Đại học Purdue, Hoa Kỳ
  42. Hà Dương Tuấn, Chuyên gia Công nghệ Thông tin, sống tại Pháp, đã về hưu
  43. Hoàng Phong Tuấn, TS, ĐHSP TP HCM
  44. Lường Tú Tuấn, nguyên giáo viên Ngữ văn, Thanh Hóa
  45. Hà Dương Tường, nhà giáo về hưu, Pháp
  46. Nguyễn Thanh Văn, nhà giáo, TP HCM
  47. Phạm Xuân Yêm, GS Vật lý, Paris

#côgiáoTrầnThịThơ #bộtrưởngnguyễnkimsơn

- Quảng Cáo -