Tam Nguyen Quy
Đến nay, công thức từ kinh nghiệm của các nước trong lúc chờ cho tới khi đạt tỉ lệ tiêm vắc xin an toàn là: biện pháp y tế mạnh đi kèm chính sách hỗ trợ xã hội hiệu quả.
Theo đó, chính sách y tế đối phó với cúm Tàu không thể hiệu quả nếu thiếu chính sách xã hội trong vai trò bình ổn.
Chính sách y tế ở đây bao gồm can thiệp y tế và phi y tế như phong tỏa, hạn chế đi lại, đeo khẩu trang, xét nghiệm, truy vết, và cách ly. Đơn giản vì các chính sách này dù rất quan trọng để kiểm soát sự lây lan của dịch khi không có đủ vắc xin, chúng chắn chắn tạo ra chi phí cho cá nhân người dân và doanh nghiệp.
Những tổn thất này sẽ tỉ lệ nghịch với mức sẵn lòng tuân thủ cũng như sự ủng hộ chính trị đối với các biện pháp y tế, khi dịch bệnh kéo dài và khó kiểm soát. Để bù đắp cho các chi phí này và duy trì sự tuân thủ, chính sách xã hội thực chất và hiệu quả tức thời đóng vai trò rất quan trọng.
Hai vế chính sách này luôn phải đủ mạnh và cân bằng, nếu không sự bất tuân các biện pháp y tế do bế tắc về sinh tồn sẽ khiến các biện pháp y tế sụp đổ. Ngược lại, chính sách y tế không đủ mạnh để buộc người dân giữ khoảng cách dù được hỗ trợ sinh kế đầy đủ, cũng dẫn tới dịch lây lan mạnh không thể kiểm soát.
Kinh nghiệm này được đúc kết ở 4 nước Brazil, Đức, Ấn Độ và Mỹ trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9/2020, trong đó chỉ có Đức là đạt được kết quả tốt khi cân đối được hai vế chính sách này. Còn lại 3 nước hoặc là quá chú trọng hỗ trợ xã hội nhưng lơi lỏng hoặc không cưỡng chế được người dân ở nhà hay thực hiện biện pháp an toàn (Mỹ, Brazil) thì hệ thống y tế sụp đổ và các biện pháp y tế cũng mất tác dụng.
Ngược lại, khi chính quyền cưỡng ép người dân tuân thủ biện pháp y tế nhưng bỏ qua hoặc không thực hiện hiệu quả vế thứ hai: hỗ trợ xã hội, thì sự bất tuân sẽ dâng cao vì người dân phải tồn tại để sống. Kết quả là tác dụng phong tỏa hay giãn cách sẽ rất hạn chế và phải kéo dài, để lại nhiều hệ lụy sâu sắc về mặt xã hội (Ấn Độ).
Việc kiểm soát hành vi của các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức chỉ có tác dụng trong thời gian phong tỏa ngắn, khi ngưỡng chịu đựng của họ, đặc biệt những người phụ thuộc vào đường phố để sinh nhai, vẫn có thể chấp nhận được.
Đây chính là giai đoạn 2020 ở Việt Nam. Nhưng một khi phong tỏa kéo dài, và khả năng kiểm soát bệnh vẫn không rõ ràng thì chính sách xã hội có vai trò quyết định, nó giúp bình ổn, cho phép người dân tồn tại ngay tại chỗ và đồng hành với chính quyền trong việc duy trì tuân thủ biện pháp y tế. Các chính sách này bao gồm: bảo hiểm thất nghiệp, hoãn nợ, cấp phát tiền mặt, thực phẩm miễn phí, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, bảo vệ người lao động, hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp…
Việt Nam năm 2020 đã không chú ý nhiều đến chính sách hỗ trợ xã hội vì đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Nhưng tình hình lần này đã khác. Việc tiếp tục duy trì phong tỏa ngày càng trở nên thách thức khi người dân không có điều kiện cơ bản để ở yên trong nhà. Giữ khoảng cách trở thành điều thứ yếu trước nhu cầu bức bách phải sống và tồn tại. Có thực mới vực được đạo, nên không thể trách họ thiếu ý thức như một số ý kiến.
Khi chính quyền công bố kéo dài phong tỏa tới tháng 9 mà không đi kèm với những chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực, thì những hạn định đưa ra xem như không có ý nghĩa. Cần áp dụng ngay những hỗ trợ xã hội, đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân, giúp họ tồn tại để tuân thủ, thay vì cứ đưa ra các cột mốc để liên tục phá vỡ.
Bài học từ Đức:
– Xác định lại tất cả chương trình chính sách hỗ trợ covid hiện có
– Loại bỏ mọi rào cản hành chính thủ tục liên quan đến việc triển khai các chương trình chính sách này, mục tiêu là đưa hỗ trợ đến tay người dân bất kể là hiện kim hay hiện vật, đặc biệt nhắm tới các nhóm thiệt thòi, và doanh nghiệp vừa và nhỏ, một cách nhanh nhất và thuận lợi nhất.
– Qui vai trò lãnh đạo về một mối, một người duy nhất để điều phối và cho phép bỏ qua mọi qui trình thủ tục rườm rà, thậm chí là luật định vốn chỉ phù hợp trong điều kiện bình thường.
P.S: do Đức là nước có nền hành chính công rất mạnh và hiệu quả nên việc thực thi hầu như suôn sẻ. Nhưng điều đó không làm thay đổi vai trò của chính sách an sinh trong điều kiện như hiện nay. /.
Nguồn: Fb.Vu Kim Hanh