Hay và hên

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan

Trong cõi đời này, lắm lúc hay không bằng hên, cái giỏi cũng cần cái may… Nên có câu “Ông Thời đi khỏi Ông Giỏi cũng bằng không”.

Trong tác phẩm “chiến tranh và hòa bình”, đại văn hào Nga Lev Stoltoy nói về đại đế Napoleon của Pháp, rằng tài giỏi như Napoleon là cùng, song khi Napoleon bị đày ra đảo thì chẳng biết tài năng của ông để ở đâu ?

Cũng như khi tờ báo nổi tiếng New York Times của Mỹ “ngứa miệng” chọt lét Việt Nam chống dịch giỏi nhờ may mắn, ngay lập tức phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ nhận định trên. Thực ra chuyện giới truyền thông xỏ xiên nhau không có gì là lạ, chỉ là ta có thật sự gặp hên, và có tận dụng cái hên đó để làm nên lịch sử, hay vì cái hên ấy đâm chủ quan làm hỏng thành quả. Như lúc này đây, nếu hên mà nhanh chóng ngăn chặn được dịch thì sợ gì mà không chọn hên ?

- Quảng Cáo -

Như nói ở trên, cái hên luôn là yếu tố may mắn đáng kể dẫn đến những thành quả khó tin. Tín đồ túc cầu giáo là những người hiểu rất rõ cái hên này, bao phen nín thở cũng vì cái hên… Bởi không có gì giải thích nổi việc có nhiều cơ hội mà các ngôi sao đá banh ra ngoài khó hơn đá vào lưới, vậy mà họ cứ thay nhau đá ra ngoài, đá trúng xà ngang cột dọc, để thua đội kém hơn mình một cách tức tưởi.

Triều đại thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “có duyên” với việc chống dịch, bởi trong cả ba lần thế giới bùng dịch kinh hoàng, Phó Đam vẫn “tà tà” truy vết cách ly F0, F1, F2… Vậy mà virus Vũ Hán bó tay không làm gì được. Thủ tướng Phúc còn tuyên bố vừa phòng dịch vừa bảo đảm tăng trưởng, và có vẻ như ông đã làm được như vậy thật, đến nỗi ông khoái chí nổ “nếu cột điện bên Mỹ biết đi sẽ về Việt Nam”. Không biết có phải vì câu nói này làm tờ New York Times chọt lét, hay câu nói của Phó Đam tự hào về cái tài chống dịch của Việt Nam khiến tờ báo ấy ngứa miệng ?

Chỉ biết 18h tối hôm nay TPHCM bắt đầu lệnh giới nghiêm (từ 18h- 6h hàng ngày), sau hai tuần lễ áp dụng lệnh giãn cách theo chỉ thị 16CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng là hai tuần TPHCM phát động thi đua giảm FO thất bại, số ca nhiễm cứ tăng mạnh hàng ngày, đỉnh dịch chưa ló dạng, dù người có lạc quan đến mấy cũng khó có thể tin dịch bệnh chấm dứt trong tương lai gần.

Có người đặt vấn đề, ngày xưa thủ tướng Phúc ẩu thật, thay vì giãn cách xã hội những nơi nào dịch xuất hiện có nguy cơ lan rộng, ông Phúc đã ra lệnh giãn cách xã hội trên toàn nước, làm không ít người ngỡ ngàng, sợ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Ngày nay khi chính phủ giãn cách xã hội theo hướng có chọn lọc, chỉ giãn cách những nơi có nguy cơ… Song nhờ đó người ta mới thấy rõ lợi ích của hai loại giãn cách, giãn cách chọn lọc gây ra giấy phép con, thông hành test âm tính… Làm gãy đổ chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh và kinh tế, giúp một thiểu số lợi ích nhóm đục nước béo cò.

Giãn cách toàn nước không nẩy sinh giấy phép con cấm chợ ngăn sông, không dành lợi ích độc quyền phân phối hàng hóa cho các siêu thị và Bách Hóa Xanh, không gây thảm cảnh hàng ngàn người lao động cùng đường phải tháo chạy khỏi TPHCM bằng xe gắn máy qua ngõ Bình Phước, Đắc Nông… Một cuộc vượt thoát khỏi “vùng đất chết” trong thiếu đói, cùng cực, trước đó không lâu nơi này từng là tương lai tươi sáng của họ. Hình như lệnh giãn cách xã hội trên toàn quốc của thủ tướng Phúc “Hên” hơn lệnh giãn cách chọn lọc của thủ tướng Phạm Minh Chính.

Như vậy cái cần chính phủ điều chỉnh lúc này là bãi bỏ các giấy phép con để kết nối lại chuỗi cung ứng là mạch sống của người dân. Bãi bỏ thế độc quyền của các siêu thị và Bách Hóa Xanh, vì đây là những không gian kín giúp virus lây nhiễm mạnh hơn, trao nhiệm vụ cho các tổ chức xã hội quần chúng công lập đi vận động giúp người thiếu đói, phân phối gói cứu trợ 26 ngàn tỷ của chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và nhóm cá nhân làm từ thiện…

Và thủ tướng mới cũng cần thêm một chút “cái hên” của thủ tướng Phúc…/.

- Quảng Cáo -