Tại sao loài người phát minh ra giấy viết, ra mực in, ra cây viết ngày xưa và computer hiện nay???
Bởi vì nhân loại cần sách, nhân loại cần người viết sách.
Sách cho ta biết lịch sử loài người, dân tộc, cụ thể là cho ta biết các thế hệ trước ta một ngàn năm, bốn ngàn năm, lâu hơn nữa đã nghĩ gì, đã trải qua các sự kiện gì, giải quyết (hành xử) ra sao và trong các giai đoạn đó, thời khắc đó nhân vật nào làm chủ lịch sử, nhân vật đó đúng hay sai, là minh quân hay bạo chúa?
Sách cho ta biết lịch sử La mã đã từng có bạo chúa Nero, đế quốc Hung Nô có bạo chúa Attila, nhà Tần ở Trung Quốc có bạo chúa Tần Thủy Hoàng, Đức quốc xã có bạo chúa Hiller, thời điểm xuất hiện chủ nghĩa cộng sản có bạo chúa Staline, Mao Trạch Đông v.v.
Hổ chết còn để lại da, những bạo chúa cỡ nhân loại bị găm vào lịch sử nhân loại, những bạo chúa cỡ quốc gia bị găm vào lịch sử quốc gia. Ở nội hàm này ta còn cụm từ “ bị găm vào sử-sách”. Lịch sử chính là những cuốn sách tiền nhân để lại.
Nhiều bạo chúa đã giết người viết, đốt sách của họ nhưng không thể đốt hết. Sách là con chữ, là trí nhớ. Khi nó là sách nó hữu hình, khi nó bị đốt thành tro nó vô hình…
Lịch sử phải do số đông nhân dân làm ra. Có nhiều người mới lên cầm quyền nói ra điều này nhưng khi cầm quyền quá lâu đã tìm mọi biện pháp, mọi công cụ cản trờ điều này. Vì tham vọng chính trị hoặc kinh tế, hoặc quyền lực cá nhân họ đùa bỡn với lịch sử. Họ tin rằng thể chế dựa vào họng súng và nhà tù sẽ vĩnh viễn trao cho họ quyền sinh, quyền sát hoặc có kẻ nghĩ rằng bất kể họ hành xử thế nào, khi họ chết là hết…
Không phải thế! Hổ chết còn để lại da. Lịch sử không bao giờ dừng lại ở thời khắc họ tồn tại. Nếu thế thì đã không có cái gọi là “lịch sử”.
Ở Việt nam ta, một trăm năm sau, một nghìn năm sau trên các giảng đường, các thầy, cô giáo sẽ nói:
– Hôm nay chúng ta cùng nghiên cứu về lịch sử thế kỷ 20, giai đoạn nước ta xuất hiện học thuyết của Mác và đảng cộng sản Việt Nam áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên quốc gia. Các nhân vật chóp bu trong hệ thống cầm quyền giai đoạn này là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn… và Nguyễn Phú Trọng. Riêng về nhân vật Nguyễn Phú Trọng sau bài ta trao đổi hôm nay các em tham khảo thêm tác phẩm “ Nguyễn Phú Trọng, thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo” của nhà văn đương thời Phạm Chí Thành, bút danh “Bà đầm xòe”
Dù có, dù không có Địa ngục nhưng còn sống ở thế gian mong không còn nhà cầm quyền nào đùa bỡn với lịch sử, khiến người cầm bút phải viết ra những cuốn sách như … Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo”