Quân ta đánh quân mình?

- Quảng Cáo -

Nguyen Khan

Dịch cúm Tây Ban Nha (H1N1) năm 1918 bùng phát khi chiến tranh thế giới thứ I chuẩn bị kết thúc. Đại dịch cướp đi sinh mạng trên dưới 50 triệu người trên toàn thế giới, trong đó số người trẻ tử vong rất cao, được cho là do quân ta đánh quân mình.

Đại dịch tấn công vào các đơn vị quân đội cả hai bên bờ chiến tuyến. Quân đội gồm số đông binh sĩ trẻ, ở tập trung nên dịch lây nhiễm rất nhanh, vị trí đóng quân thường xa các bệnh viện và các trung tâm y tế lớn nên không đủ điều kiện chữa trị tốt cho số đông binh sĩ khiến tỷ lệ tử vong tăng cao. Hơn nữa, chiến tranh không cho phép quân đội giãn cách, không cho phép họ công bố tình hình dịch bệnh và số thương vong vì bí mật quân sự… Những nước tham chiến hai bên bờ Đại Tây Dương cũng ém nhẹm thông tin dịch bệnh của nước mình để tránh tai mắt đối phương. Đó là một trong những nguyên nhân chính làm dịch bùng phát mạnh, gây tử vong lớn.

Sở dĩ có hiện tượng quân ta đánh quân mình là vì, theo các nhà nghiên cứu, do virus H1N1 tấn công vào tuổi trẻ, sức đề kháng của tuổi trẻ rất mạnh nên hệ miễn dịch không chỉ tấn công virus mà tấn công loạn xạ vào nhau gây sốt cao, tử vong cấp tính hàng loạt.

- Quảng Cáo -

Dịch bệnh tại Việt Nam hiện nay cũng đang có hiện tượng quân ta đánh quân mình, nhưng không phải do hệ miễn dịch cơ thể đánh loạn xạ vào virus và vào nhau, mà ban phòng chống dịch bệnh, tức hệ miễn dịch của chính quyền, phản ứng quá mạnh và quá nhạy, đánh cả virus, cả hầu bao và bao tử của chính mình.

Có cảm giác tình hình dịch bệnh tại Việt Nam “hiền” hơn Âu Mỹ. Tuy hôm qua số ca nhiễm tại TPHCM tăng cao bất thường, 667ca, song không phải tất cả những ca nhiễm đều thành bệnh, không phải tất cả những ca bệnh đều thành “xi cà que”, và cũng không phải tất cả những ca xi cà que đều “ngủm củ tỏi”, tác hại của nó chỉ như bệnh cúm mùa H1N1, số ca bệnh nặng không nhiều, TPHCM chưa có ai tử vong.

Xem ra, sau hơn một năm dịch bùng phát trên thế giới và Việt Nam, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam chỉ là con số lẻ của con số tử vong vì ung thư tại Việt Nam, và số ca tử vong vì cúm Tàu gần hai năm qua không bằng số tử vong vì tai nạn giao thông trong một tháng.

Cho nên, suy cho cùng :

– Vì lãnh đạo Việt Nam quyết liệt dập dịch để ổn định kinh tế, chính trị, xã hội…

– Vì sĩ diện của một nước tự hào chống dịch giỏi.

– Vì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng phản bác báo chí Mỹ, vì họ cho rằng Việt Nam gặp may chứ chẳng phải tài giỏi chống dịch.

– Vì dân Việt Nam nhìn thấy cảnh dịch bệnh gây chết chóc kinh hoàng nhiều nơi trên thế giới, mới đây là cảnh chết khủng khiếp hai bên bờ Sông Hằng Ấn Độ, nên hơi bị sợ…

Vì những lẽ ấy nên cả nhà nước và nhân dân Việt Nam đều có những phản ứng thái quá với dịch bệnh, chẳng khác gì hệ miễn dịch phản ứng thái quá, đánh cả phe virus H1N1 lẫn phe ta khiến ta chết nhiều hơn, nhanh hơn trong đại dịch Tây Ban Nha 1918.

Ví dụ như, một bác sĩ từ Đồng Nai về Phan Thiết làm việc, chẳng may nhiễm cúm Tàu, lây cho 4 người trong gia đình. Chỉ bấy nhiêu thôi mà hệ “miễn dịch” tỉnh Bình Thuận cực kỳ dũng mãnh, phản ứng quyết liệt với virus, đánh loạn xạ cả dịch bệnh, cả bao tử và hầu bao hàng loạt người, vì giãn cách TP Phan Thiết và huyện Tuy Phong, truy vết F1,F2… Tập trung cách ly v.v… Không thể làm ăn bình thường, chưa rõ Virus Vũ Hán chết được bao nhiêu, chết được hết không, nhưng rất rõ là số người bị teo dạ dày và bị lép hầu bao là không hề nhỏ.

Nhưng không phải chỉ có tỉnh Bình Thuận làm vậy, đây là chủ trương chung của nhà nước được áp dụng trên toàn quốc. Chẳng hạn Ninh Thuận, khi một con virus vừa mới ngo ngoe tại Bình Thuận, thì hệ miễn dịch của tỉnh Ninh Thuận đã phản ứng quyết liệt khi nghe tin F1 Bình Thuận đến bệnh viện mắt Ninh Thuận khám mắt. Sự độc đáo của hệ miễn dịch công quyền Việt Nam là phản ứng với cả F1,F2… Chứ không phải chỉ phản ứng với F0 như hệ miễn dịch của cơ thể.

Câu hỏi đặt ra là, nếu virus không còn “ngoan ngoãn” lây nhiễm theo quy luật FO, F1,F2 v.v… Để hệ miễn dịch chính quyền truy vết bắt giữ, ngăn chặn và tiêu diệt, mà nó đã luồn lách lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn gốc, không biết đường đi nước bước của nó, cứ như nó từ lỗ nẽ chui lên, thì hệ thống miễn dịch của chính quyền sẽ đối phó ra sao ? Đang lo cho TPHCM có dấu hiệu rơi vào tình cảnh này.

Dĩ nhiên có thể chính quyền sẽ tiếp tục giãn cách vì không đủ và không thể tiêm vaccine 70% dân số trong ngắn hạn. Mà giãn cách và giãn cách vô thời hạn thì khác nào quân ta đánh quân mình, Không chết vì dịch thì cũng chết vì nghèo đói.

Tỉ như Đà Nẵng chẳng hạn, giãn cách dập xong đợt dịch này, chưa hoàn hồn thì con virus khác lai ngo ngoe, lại giãn cách, phong tỏa. Không lẽ cứ hết lược này đến lần khác phong tỏa giãn cách, vì cứ ba lần giãn cách gần kề là ba lần cháy túi, ba lần cháy túi gần nhau khác gì một lần cháy nhà.

Với tình hình dịch bệnh đang diễn ra cho thấy, khả năng các tỉnh bùng phát dịch như Sài Gòn là rất thấp, nhưng lâu lâu virus ngo ngoe một ca như Bình Thuận là không thể tránh, có thể tần suất ngo ngoe của virus sẽ dày hơn, thường xuyên hơn, rộng khắp hơn, nên nếu hệ miễn dịch của chính quyền vẫn giữ nguyên cách đánh như lâu nay thì e rằng không còn phù hợp, vì không lẽ quân ta cứ đánh mãi quân mình.

Cho nên, đã đến lúc hệ miễn dịch của chính quyền phải phản ứng theo hướng Sống Chung Với Dịch để không làm hại quân mình. Hãy quan sát hệ miễn dịch của loài dơi phản ứng với virus để tìm ra đối sách.

Sở dĩ các loài virus chọn loài dơi làm vật ký chủ là vì hệ miễn dịch của dơi phản ứng chừng mực với virus, chỉ vừa đủ giữ cho virus không hại được dơi, không phản ứng quyết liệt một mất một còn với virus như hệ miễn dịch của cơ thể người. Bởi một khi chiến đấu một mất một còn thì không thể sống chung hòa bình, phải chấp nhận thương vong, và không phải bất cứ lúc nào, bất cứ cơ thể nào cũng có thể tiêu diệt được virus.

Sống Chung Với Dịch, chỉ còn cách đó, nhưng sống chung thế nào với ôn dịch là chuyện không dễ, cần trí tuệ của nhà nước và sự chung tay của toàn dân./.

#coronavirus #chốngdịch

- Quảng Cáo -