Cánh Cò – RFA
Trong đại dịch Covid-19 niềm hy vọng ngăn chặn bước tiến của con virus duy nhất là trông cậy vào vaccine. Nước Mỹ vẫn là người đi đầu vì có quá nhiều nhà khoa học trong hệ thống y khoa, các công ty dược phẩm nổi tiếng đa số đến từ Mỹ và lần này nước Mỹ may mắn tìm và sản xuất vaccine nhanh hơn dự kiến rất nhiều nhờ vào sự tận tụy của các cơ quan chống dịch như CDC / FDA hay ACIP. Các công ty dược phẩm đã nhanh chóng được phê duyệt sau khi chứng minh những quy trình nghiêm ngặt.
5 quy trình không thể thiếu đối với việc sản xuất vaccine tại Mỹ cũng như hầu hết các nước EU đó là:
1. Nghiên Cứu. Được xây dựng dựa trên các nghiên cứu về virus Corona khác.
2. Nhóm làm việc Đánh giá an toàn khoa học từ các Tiểu bang / đánh giá độ an toàn và hiệu quả. (Oregon, Washington, California, Nevada)
3. Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1: Vaccine có an toàn không? Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2: Vaccine có tác dụng không? Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3: Vaccine có an toàn VÀ có tác dụng không? Các giai đoạn nghiên cứu lâm sàng được thực hiện gối đầu lên nhau.
4. Đánh giá của FDA đã xem xét các dữ liệu và cấp Giấy Phép Sử Dụng Khẩn Cấp (EUA) để sử dụng vaccine này.
– Đồng thời còn có Đánh Giá của Ủy Ban Cố Vấn về Thực Hành Tiêm Chủng (ACIP) khuyến cáo những ai nên tiêm vaccine này.
5. Pfizer và Moderna sau khi tiến hành các bước và được chấp thuận mới tiến hành việc chế tạo vaccine.
Biết qua những thủ tục an toàn tuy rườm rà nhưng cần thiết này chúng ta mới có khái niệm về một liều lượng vaccine khi tiêm vào cơ thể sẽ có tác dụng nhất định như thế nào và tác dụng ấy được các nhóm nhà khoa học chuyên nghiệp tiến hành ra sao. Vaccine là loại thuốc chủng luôn có hai mặt: tích cực và tiêu cực bởi nó được lấy từ chính con virus gây bệnh mà thí nghiệm cũng như làm giảm độc lực của chúng trước khi tiến hành chế tạo vaccine nên những biến chứng nguy hiểm của nó nếu không nghiên cứu lâm sàng một cách nghiêm túc sẽ cho ra những hệ quả nguy hiểm và khó đoán định.
Việt Nam vừa công bố đã thành công trước một loại vaccine mới và yêu cầu Thủ tướng nhanh chóng cấp phép để tiến hành việc tiêm chủng. Vấn đề được đặt ra: Thủ tướng biết gì về vaccine mà cấp phép?
Người dân tuy kiến thức về tiêm chủng còn sơ sài vẫn mang máng biết được sự sai trái trong tờ đơn gửi Thủ tướng này. Đáng ra Công ty Nanogen phải tiến hành các bước trước những hội đồng uy tín do Bộ Y Tế chịu trách nhiệm đề cử thì công ty lại giao cho một hội đồng có tên “Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học”
Liệu cái “Hội đồng đạo đức” tuy phẩm hạnh cấp quốc gia này có trang bị đủ kiến thức để đánh giá các bước nghiên cứu hay chỉ là một dạng “hồng hơn chuyên” hay “ngạo nghễ” mà Việt Nam hiện rất thích sử dụng trong các biến cố, kể cả biến cố y tế dịch bệnh.
Người dân đã thấm đòn sản phẩm Made in China và không ai chịu chấp nhận vaccine Sinopharm. Dù nghi ngờ nhưng chúng ta phải thừa nhận Trung Quốc thừa nhân tài hơn Việt Nam rất nhiều nhưng cái mà họ thiếu là uy tín. Từ chính trị tới kinh tế và bây giờ là y tế, cái thiếu thốn nghiêm trọng ấy làm cho bất cứ sản phẩm nào của tàu cũng bị săm soi huống chi là Việt Nam, vốn nổi tiếng có một hệ thống y tế tiêm chủng toàn những điều tệ hại và cũng là nơi có con số Giáo sư Tiến sĩ chợ trời cao ngất ngưỡng thì hỏi sao người dân không tin tưởng vào tín nhiệm mà một công ty cố tâm dàn xếp.
Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen, trong đơn “Xin cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin Nanocovax, gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến hiện thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.
Nghe kết quả nghiên cứu này người có một chút kiến thức cũng phải che miệng cười về quả “tạc đạn” mà ông Hồ Nhân mang từ Mỹ về. Con số 120 ngàn đồng /liều mà ông đưa ra dụ chính phủ khiến người ta nhớ lại vụ kiện của tập đoàn đa quốc gia Roche tố cáo Nanogen vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và siêu vi C năm 2010. Thời điểm đó, ông Nhân khẳng định mình không vi phạm quyền được bảo hộ trí tuệ sản phẩm của Roche. Trong khi đó, với cùng chức năng điều trị nhưng thuốc tiêm Pegnano của Nanogen có giá bán chỉ bằng 1/3 giá thuốc nhập.
Có lẽ công ty Nanogen nóng lòng muốn mang vaccine ra thị trường sau khi có tin Chủ tịch hạ viện Nhật, ông Ashima Tadamori khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ để tất cả người dân được tiêm vaccine Covid-19. Nếu ra muộn thì vốn liếng kể cả tiếng tăm mà công ty nóng lòng muốn có sẽ cuốn theo chiếu gió, nhất là cái Hội đồng Đạo Đức rồi đây sẽ không biết làm gì cho hết thời gian nhàn rỗi.
Dù sao thì cũng nên cho Nanogen một điểm A về nỗ lực tìm ra vaccine chống Covid-19, chỉ một lỗi nho nhỏ nhưng sơ đẳng làm cho công ty này rơi tự do: đánh giá sự hiểu biết của người dân quá thấp và vì vậy không ai chấp nhận một hành vi đặt cái cày trước con trâu.