Song Chi – VOA
Đọc báo chí chính thống VN đưa tin, bài, kỷ niệm 96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 – 21.6.2021), mới sực nhớ ra hôm nay là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Wikipedia viết về sự ra đời của ngày này:
“…Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 5 tháng 2 năm 1985 lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21 tháng 6 năm 2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”
Chỉ cần đọc qua là đủ thấy vai trò của báo chí dưới chế độ độc tài toàn trị ở VN nó ra sao, được đảng cộng sản thành lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ là “một trong những công cụ sắc bén” của đảng, còn mỗi nhà báo, thì được đảng cho là “một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng”, hay nói như ông Hồ Chí Minh “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” v.v…
Báo chí chính thống vì vậy luôn luôn phải đi đúng hướng dưới sự chỉ đạo, giám sát của đảng.
Cũng theo Wikipedia:
“Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tính đến năm 2015, cả nước Việt Nam có 858 cơ quan báo chí in. Trong đó có: 199 cơ quan báo in chiếm 24% (86 báo trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và 659 tạp chí chiếm 76% (522 tạp chí trung ương, các bộ, ngành, trường đại học và viện nghiên cứu; 137 tạp chí địa phương); 105 cơ quan báo điện tử (Trong đó có: 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập), 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài”.
Ai cũng biết, dù có một số lượng báo chí nhiều và một đội ngũ nhà báo đông đảo như vậy, nhưng VN hoàn toàn không có tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Dù đã thống nhất đất nước và độc quyền lãnh đạo suốt 46 năm qua, hiện tại cũng không có bất cứ một sự đe dọa nào có thể gọi là lật đổ được chế độ, nhưng VN vẫn không hề có chút tiến bộ nào trong lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do báo chí. VN luôn luôn xếp cuối bảng về Chỉ số Tự do Báo chí (Press Freedom Index) trên thế giới, do tổ chức phi chính phủ Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders) xếp hạng hàng năm, ví dụ như hạng 176/180 (quốc gia) năm 2019, 175/180 trong 2 năm 2020 và 2021. VN cũng bị tổ chức này xếp vào danh sách 20 nước là kẻ thù của tự do báo chí trên mạng (“RSF unveils 20/2020 list of press freedom’s digital predators, RFS)
Và là một trong những quốc gia có số tù nhân là nhà báo, blogger bị bỏ tù nhiều nhất, chỉ vì họ dám nói lên sự thật về hiện trạng đất nước. Bây giờ thì không chỉ viết, mà chỉ cần chia sẻ thông tin chính xác trên facebook cũng có thể bị bắt vào tù.
Từ khi internet ra đời, đội ngũ nhà báo tự do hay nhà báo “ngoài luồng” ở VN cũng xuất hiện ngày càng đông đảo. Chính những nhà báo tự do này đã góp phần đưa thông tin đa chiều, vạch ra nhiều sự thật mà đảng và nhà nước muốn bưng bít, che giấu, khai trí cho người dân. Chính họ là những nhà báo đúng nghĩa mặc dù nhiều người trong số họ không hề được đào tạo là nhà báo, họ chỉ là những công dân bình thường phẫn nộ trước những điều bất công, phi lý, trong xã hội mà ghi lại, bằng bất cứ phương tiện gì từ gõ bàn phím, thu audio, quay video bằng điện thoại v.v…
Danh sách những nhà báo tự do, nhà báo công dân phải vào tù ngày càng nhiều, từ blogger Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, blogger Anh Ba Saigon tức Phan Thanh Hải của CLB Tự Do, nhà báo-blogger Trương Duy Nhất-chủ blog Một góc nhìn khác, nhà báo-blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang Anh Ba Sàm, blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, các nhà báo của Hội nhà báo Độc Lập như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, nhà báo tự do Lê Anh Hùng bị đưa vào BV Tâm thần cưỡng bức điều trị, blogger Bà Đầm Xòe tức nhà văn Phạm Thành, nhà báo Phạm Đoan Trang-người thành lập trang web Luật Khoa tạp chí và là người đại diện của Nhà xuất bản Tự Do, ba thành viên của nhóm Báo Sạch là nhà báo Nguyễn Thanh Nhã, Nguyễn Phước Trung Bảo và Đoàn Kiên Giang, ba mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt vì đưa tin về vụ Đồng Tâm v.v…
Trong số này, có người đã ra tù, có người bị trục xuất sang Mỹ, có người đang phải chấp hành những bản án phi lý phi nhân đến hàng chục năm tù, có người vẫn chưa được xét xử.
Làm báo trong một xã hội độc tài như VN là luôn phải đối diện với những thiệt thòi, nguy hiểm như vậy.
Nhưng thật ra thì nghề báo nói chung có bao giờ là dễ dàng?
Nhất là trong thời đại ngày nay, người làm báo chân chính dù ở bất cứ đâu trên thế giới, ngoài việc phải đương đầu với sức mạnh của quyền lực chính trị và cám dỗ danh vọng, tiền bạc, còn phải đối diện với những thử thách mới: làm sao để đưa tin khách quan, trung thực, không bị tác động bởi truyền thông thiên lệch cho tới tình trạng tin giả (fake news), thuyết âm mưu (Conspiracy theory) tràn lan khắp nơi…
Ngay cả những quốc gia tự do dân chủ hàng đầu như Hoa Kỳ, hay các nước phương Tây, chúng ta cũng có thể thấy báo chí truyền thông dòng chính cho tới các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter…không phải bao giờ cũng khách quan, trung lập, mỗi tờ báo có khuynh hướng chính trị rõ ràng, ủng hộ đảng phái nào đã đành, mà Facebook, Twitter cũng bị tác động bởi những xu hướng, phong trào chính trị đang phổ biến hiện thời, từ political correctness, identity politics, diversity, cancel culture…
Còn với người Việt, trong hay ngoài nước, mấy năm qua chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng đáng buồn là rất nhiều người, từ cựu thuyền nhân, người tỵ nạn chính trị ở Mỹ cho tới người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội, cựu tù nhân lương tâm…trong nước, từng lên tiếng mạnh mẽ chống lại chế độ độc tài VN, nhưng lại đi ngược lại những nguyên tắc của một người làm báo trung thực, có tâm lý sùng bái lãnh tụ, ủng hộ những quan điểm, xu hướng phản dân chủ, phản nhân quyền, tin và viết những thông tin không đúng về chính trường Mỹ, kể cả tích cực chia sẻ fake news…Cũng trong mấy năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự chia rẽ gay gắt của cộng đồng người Việt trong hay ngoài nước vì những quan điểm khác nhau đối với chính trị Mỹ, chính trị thế giới. Hậu quả là phong trào dân chủ VN, vốn đã yếu ớt, èo uột, xem như chìm hẳn.
Điều đó một lần nữa cho thấy làm báo, dù làm báo tự do, tự nguyện, không chịu sự chi phối của bất cứ một tổ chức, đảng phái nào, nhưng cũng không phải dễ mà giữ cho cái nhìn được sáng suốt, tỉnh táo, cân bằng, khách quan. Không ai có thể nói trước rằng mình sẽ không sai lầm, lúc này hay lúc khác. Nhưng nếu mỗi người cầm bút chúng ta tuân thủ những nguyên tắc để đánh giá, nhận định mọi việc theo những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại tiến bộ là ủng hộ dân chủ, nhân quyền, ủng hộ việc bảo vệ, xiển dương những giá trị, nhân phẩm tốt đẹp của con người, chống lại mọi chế độ, tổ chức, cá nhân độc tài, chống lại mọi phát ngôn, hành vi có tính thù hằn, kích động chia rẽ, gây bạo lực, hoặc xả thêm “rác “độc vào xã hội…thì có lẽ việc nhìn lại mình, việc phản tỉnh sẽ dễ dàng hơn.