Việc rất nhiều fan bóng đá Việt tấn công, sỉ nhục trọng tài sau trận đấu với UAE cho thấy một bản chất xấu xí không thể bào chữa. Bản chất đó có từ đâu? Chắc chắn những người này biện minh, rằng đó là lòng yêu nước!
Tuyên giáo thì vẫn tuyên ngôn; yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Nhưng gần đây, đã từng xuất hiện thêm một tuyên ngôn khác: yêu nước gắn liền với yêu bóng đá. Không ngẫu nhiên mà chỉ cần hai trận thắng, đội bóng đá quốc gia đã được trích thưởng 8 tỷ đồng. Trong khi cả triệu người trên tuyến đầu chống dịch chưa chắc đã mơ được số tiền thưởng nóng như vậy, nếu không nói phải vật vã tìm nguồn quyên góp các loại quỹ như quyên góp từ thiện!
Trong nhà trường, nội dung “yêu nước gắn liền với căm thù giặc” gần như lặp đi lặp lại trong hầu hết các bài ngữ văn và lịch sử. Nội dung ấy thấm trong máu thịt của các thế hệ từ sau cách mạng. Cho nên, từ khi trỗi dậy phong trào bóng đá như một bình diện của chủ nghĩa yêu nước, hiển nhiên các đối thủ của đội tuyển Việt Nam đều có thể là giặc. Có thể hình dung tuyến đầu là các cầu thủ, đứng sau là các fan với tinh thần chiến đấu đến cùng. Trước trận đấu hừng hực khí thế chiến đấu. Sau trận đấu là đi bão ăn mừng chiến thắng, bất chấp tai nạn chết người. Đến mức năm trước, dân Nghệ An còn hồn nhiên giả trang, đóng vai Bác Hồ với niềm tự hào “Bác cùng chúng cháu… đi bão”! Đúng là bóng đá như… chiến tranh!
Trước trận đấu với UAE, có nhà thơ, nhà giáo xứ Nghệ, tên là Thạch Quỳ, còn xem quẻ, như Khổng Minh bói Dịch trước khi đánh trận. Quẻ báo tin thắng trận! Nhiều nhà văn, nhà báo, trong đó có cả giáo sư tiến sỹ, share lại bằng tất cả sự hả hê với chiến thắng ảo ấy. Khi ấy, tôi đã hình dung, nếu tuyển Việt Nam thua, xem chừng UAE là kẻ thù không đội trời chung.
Và sự thật là thua. Nhưng máu háo thắng sẽ làm cho các fan không thể chấp nhận thua. Sử gia từng xem thất bại trong chiến tranh là những cuộc tổng diễn tập, nhưng với các fan bây giờ thì nâng lên tầm cao mới: đổ lỗi do trọng tài! Trong cuộc thua này, nhiều fan đã muốn ăn gan uống máu trọng tài!
Bóng đá, trong quy ước quốc tế, dẫu thắng thua đều là bạn. Thể thao là hoạt động hội nhập. Nhưng với nhiều người Việt, thể thao là trận đánh với ranh giới địch/ta rõ ràng. Ta tốt/địch xấu, ta thiện/địch ác, đúng như các bài học ngữ văn và lịch sử trong sách giáo khoa. Nếu không có luật quốc tế, dễ chừng nhiều người say máu “giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ…”
Tôi tra lại 5 phẩm chất mà Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đưa ra trong Chương trình cải cách, toàn mơ hồ. Chỉ có phẩm chất yêu nước (được đưa lên hàng đầu), coi như đã được định nghĩa từ trước: “yêu nước gắn liền với căm thù giặc”. Đời đời sống trong nỗi căm thù như vậy, không biết rồi người Việt sẽ chơi với ai khi nhìn đâu cũng thấy giặc.
Trong khi, về phẩm chất tối thiểu, chỉ cần một từ “Tự trọng”, nghĩa đầy đủ là biết tôn trọng mình để được người khác tôn trọng, thì không bao giờ được nhắc tới. Dạy bọn trẻ cứ dày mặt ra bất chấp tất cả thì sẽ sống được trong mọi hoàn cảnh hay sao?
Chu Mộng Long
#giáodụcvn #bòđỏbóngđá