Khi một chú cừu trắng (như tôi) cũng phải đọc Cẩm nang nuôi tù

- Quảng Cáo -

Nguyên Sa -Luật Khoa|

Trong khoảng một tháng trước khi kỳ bầu cử diễn ra, tôi lúc nào cũng thấy bất an. Trên mạng, người ta bị phạt tiền vì những lời than vãn mà bất kỳ ai cũng có thể nói ra để giải tỏa. Những người làm báo độc lập bị bắt. Những nhà hoạt động ôn hòa nhất, bị bắt. Báo chí đồng lòng đưa tin về họ theo kiểu cho đáng đời cái bọn bày đặt có chính kiến bất đồng. Trên điện thoại toàn tin nhắn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Gọi điện thoại cũng không thoát.

Vài người bạn của tôi bị an ninh ập tới đưa đi bất ngờ vì một nghi ngờ vô căn cứ. Vài người bạn khác bị tịch thu máy tính chỉ vì tham gia vào một nhóm đọc sách về nhân quyền. Những người tự ứng cử mà tôi biết tới, hoặc bị an ninh theo dõi, hoặc bị bắt nạt trên mạng một cách có tổ chức.

Tôi không ngây thơ đến mức tin rằng mình đang có tự do ở Việt Nam, nhưng quả thực là chưa bao giờ tôi thấy việc phải vào đồn công an hay thậm chí đi tù vì nói điều mình nghĩ lại dễ dàng đến vậy. Tôi sống cả đời tin rằng mình là một con cừu trắng, hốt hoảng nhận ra rằng an ninh có thể xuất hiện bất thình lình trước nhà vào một buổi bình minh khi tôi mở cửa ra ngoài mua xôi.

Công an canh giữ trước nhà ông Trương Văn Dũng, một nhà hoạt động ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 28/2/2019. Nguồn: Sách “Cẩm nang nuôi tù”.
- Quảng Cáo -

Nếu chuyện đó xảy ra thì tôi phải làm sao?

An ninh là ai? Họ hạch sách những người dân quan tâm đến chính trị (nhưng mà vô hại) như tôi để làm gì?

Họ có thể làm gì tôi? Pháp luật có bảo vệ tôi không?

Tôi phải tự bảo vệ mình như thế nào?

Tôi nhận ra là mình chẳng biết gì cả. Một người bạn bảo rằng những câu hỏi mà tôi đang có, Đoan Trang trả lời hết trong cuốn “Cẩm nang nuôi tù” đấy.

Luật Khoa từng đăng bài viết giới thiệu cuốn “Cẩm nang nuôi tù”, gọi đó là cuốn cẩm nang mà “người Việt nào cũng cần”. Tôi chả tin. Ai đâu tự dưng lại đi đọc cẩm nang nuôi tù.

Trong một bài viết khác, tác giả, nhân viên của một tổ chức phi chính phủ, nói rằng cả bạn ấy cũng học được những điều có ích trong cuốn sách này, dù không phải nuôi ai trong tù cả. Tôi vẫn ừ thì biết thế.

Đến lúc này thì tôi đành chép miệng mở sách ra.

***

Bạn có phân biệt được công an, an ninh với cảnh sát không?

Đừng xấu hổ, tôi nghĩ không có giờ học giáo dục công dân nào ngày xưa dạy chuyện này. Đoan Trang trả lời câu hỏi này ở trang 27, theo một cách không thể dễ hiểu hơn.

“Công an là cách gọi chung. Khái niệm công an rộng hơn, bao trùm lên khái niệm an ninh và cảnh sát.”

Người tham gia biểu tình môi trường vào ngày 8/5/2016 bị đàn áp. Lực lượng bắt người không phải công an. Đây là một trong vô số ví dụ về bắt giữ tùy tiện tại Việt Nam. Ảnh từ sách “Cẩm nang nuôi tù”.

Chức năng của hai ngành an ninh và cảnh sát có khác nhau. Trong đó, cảnh sát thì “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm trong nước”. Còn an ninh có mục tiêu tối thượng là “bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng Cộng sản, tiêu diệt mọi biểu hiện đối lập, đối kháng với đảng Cộng sản (mà đảng gọi chung là ‘thế lực thù địch’, ‘phản động’).”

Bạn cũng cần biết là toàn bộ công an “được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của đảng Cộng sản Việt Nam” (Điều 4 Luật Công an Nhân dân).

Nhưng tại sao tôi lại phải lo rằng mình bị bắt? Tôi có làm gì sai đâu?

Có một quan niệm sai phổ biến ở câu hỏi phía trên. Đoan Trang giải thích, trong quan hệ với công an, việc đúng hay sai không phải do bạn, mà là công an quyết định. Tác giả liệt kê ra một số động lực của phía an ninh, từ bảo vệ chế độ cho đến muốn được cấp trên khen thưởng; nhưng cô cũng thừa nhận những lý do để ai đó bị bắt là bất nhất.

Ta thấy rõ rằng trong những thời điểm quan trọng như bầu cử hay đại hội đảng, một lời than vãn vô thưởng vô phạt cũng có thể trở thành biểu hiện đối kháng với đảng, chưa nói đến những lời chỉ trích. Mà bạn biết đấy, những việc mà chính quyền làm thì đâu phải lúc nào cũng đáng khen. Nếu bạn chỉ có ý chê họ trong đầu thôi thì rủi ro gặp an ninh cũng đã xuất hiện rồi. Vậy hóa ra là, mọi công dân, chỉ cần biết suy nghĩ, đều nên chuẩn bị tinh thần để gặp họ.

Đoan Trang trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam vào ngày 5/6/2011. Ảnh: Lân Thắng.

An ninh có thể làm gì?

Nếu tử tế, họ sẽ gửi giấy mời làm việc. Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân chấp hành. Bạn có thể không đến mà không cần giải thích. Những người “thật thà” đến làm việc theo giấy mời thực chất là giúp cơ quan điều tra có thêm chứng cứ để khởi tố mình.

Họ cũng có thể gửi giấy triệu tập, giấy này thì có tính chất bắt buộc thi hành. Nhưng theo luật, công an chỉ có thể triệu tập một người có liên quan đến một vụ án nào đó, và chỉ triệu tập được khi vụ án đã được khởi tố rồi. Việc gửi giấy triệu tập người dân đến làm việc một cách tùy tiện là trái pháp luật.

Khổ nỗi, tác giả nhấn mạnh, an ninh lại không làm việc theo pháp luật. Chuyện này có thể khó tin với nhiều người, và nó cũng khó chứng minh. Nhưng từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cũng đã thấy cách mà an ninh thường làm để được “gặp” ai đó là ập đến, đưa đi một cách bất ngờ. Nói chung là không tử tế lắm.

Vậy phải làm gì khi đối mặt với an ninh?

Khi đã gặp được người cần gặp, họ sẽ dùng mọi biện pháp để đạt được mục đích, từ dỗ dành cho đến đe dọa, sách nhiễu, khủng bố cả bạn và cả những người liên quan. Họ được dạy để thành thục bốn kỹ năng gọi là “trấn-phân-cô-kéo” (tức là trấn áp, phân rã, cô lập, lôi kéo, xem trang 72). Bạn sẽ cần đọc kỹ các hướng dẫn trong sách và thực hành theo để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nói gì, nghe gì, quan sát gì, viết gì, ký hay không ký vào biên bản gì, tất cả đều được tác giả viết rõ trong chương II – “Khi sự khủng khiếp bắt đầu”.

Có vài điểm mà Đoan Trang lưu ý chúng ta về mặt tinh thần:

  • Đừng sợ hãi. Hãy tin rằng mình và người thân của mình làm điều đúng, bởi vì nói ra cái sai, mưu cầu công lý là việc nên làm. Những người ngăn chặn điều đó mới đang làm sai.
  • Tỉnh táo, cảnh giác, nhưng đừng phí sức để gây sự, cự cãi với an ninh. Họ sẽ làm tất cả những gì có thể làm để đạt mục đích.
  • Cần tỏ rõ cho công an thấy rằng bạn bình tĩnh, hiểu luật và có ý thức dùng luật để bảo vệ mình và người thân. Thái độ và hành động đó của bạn có thể khiến công an chùn tay phần nào (phần nào thôi, chứ đừng mong công an sẽ sợ bạn).
  • Hãy coi đó là một trải nghiệm. Chẳng ai muốn dính líu vào những chuyện phiền phức và đầy đau khổ này, nhưng nếu buộc phải thế, hãy cố gắng chấp nhận và coi đó là cơ hội để bạn chứng kiến, quan sát, đánh giá thông tin, để học luật và chính trị, để hiểu xã hội và hiểu đời.

***

Khi viết cuốn sách này, Đoan Trang ý thức được rằng nó sẽ bị chính quyền căm ghét. Cô cũng hiểu rằng nhiều người sẽ nghi ngờ những điều cô viết. Trong môi trường bưng bít thông tin của Việt Nam, việc kiểm chứng những thông tin trong sách gần như là bất khả. Chưa kể, có những sự thật đơn giản là không thể tin nổi – nhất là đối với những độc giả “là người may mắn chưa bao giờ dính líu tới pháp luật”. Như tôi.

Từ trái qua: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh, Cấn Thị Thêu, Phạm Chí Dũng, Trịnh Bá Phương, sáu trong số những nhà hoạt động bị chính quyền bắt giữ trong thời gian gần đây. Đồ họa: Luật Khoa. Ảnh: Thịnh Nguyễn, RFI, Facebook nhân vật.

Tôi cũng từng nghĩ như bạn, rằng góp ý ôn hòa thôi thì có bị làm sao đâu nào. Cho đến khi những người bạn ôn hòa nhất của tôi cũng gặp nạn. Cho đến khi tôi thấm thía rằng cánh tay của lực lượng an ninh “còn Đảng còn mình” không những có thể, mà còn có động lực để bịt miệng tôi bất kỳ lúc nào. Những người đã bị bắt, họ cũng chỉ bắt đầu bằng mong muốn được biết sự thật, được nói sự thật, như tôi. Việc tôi cảm thấy rằng họ khác mình là đúng theo ý mà chính quyền muốn tôi nghĩ.

Tôi cũng đã từng như bạn, thấy tựa đề “Cẩm nang nuôi tù” thì nhăn mặt nghĩ là nó không dành cho mình (nếu không thì ai lại đi đặt tựa đề cuốn sách đuổi độc giả đi như thế). Cho đến khi tôi hiểu ra rằng những người có thân nhân vướng vòng lao lý chẳng có bất kỳ một sự chuẩn bị hay trợ giúp nào. Với họ, cuốn sách này hẳn là một cái phao cứu sinh.

Còn với vấn đề là những kỹ năng mà tôi cần, như làm việc với an ninh ra sao, rốt cuộc cũng chỉ có trong mỗi một cuốn sách mà tựa đề có chữ “tù” này, thì tôi nghĩ mình cần chấp nhận một vài sự thật.

Một là nhà tù gần với (những người như) tôi hơn tôi vẫn nghĩ.

Hai là có gì đó rất sai trong xã hội thông tin xung quanh tôi. Một khi tôi đã không đồng ý với chính quyền thì những thứ mà tôi cần chẳng thể tìm thấy ở đâu, hoặc nếu có, thì tôi phải đọc lén đọc lút nếu không muốn bị bắt.

Người viết cuốn sách rất có ích này thì đã bị bắt, không tin tức đến nay đã 33 tuần. Những cái sai mà tôi nhìn thấy, tôi phải tự xắn tay áo lên mà sửa chữa.

Nếu bạn đã đọc đến tận đây, tôi hy vọng rằng bạn cũng sẽ click vào link này để tải sách về, mở ra, và đọc ít nhất là lời nói đầu. Tôi nghĩ tốt nhất là nên để chính Đoan Trang thuyết phục bạn rằng, tự trang bị kiến thức cho mình là cách để bạn cảm thấy bớt sợ hãi, và là cách để mỗi người tự chủ cuộc đời của chính mình.

“Đại đa số người dân Việt Nam, khi chưa có chuyện phải dính líu đến pháp luật, thì rất ít hiểu về các khái niệm sau đây và cũng rất ngại tìm hiểu. Đã toàn từ Hán-Việt, lại còn là các từ chuyên môn, nên có khi nghĩ đến chúng, người ta đã thấy mệt mỏi rồi.

Nhưng khi có người thân vướng vòng lao lý, tìm hiểu luật pháp là một trong những việc bạn bắt buộc phải làm. Vì vậy, mong bạn cố gắng lên.”

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần./.

#cẩmnangnuôitù #phạmđoantrang

- Quảng Cáo -