MẸ GIỜ NHƯ DÒNG SÔNG ĐÃ CẠN. CÁC CON XA MẸ DẦN, CÀNG NGÀY CÀNG XA” là câu tâm sự với con trai út du học và ở lại bên kia đại dương trên trang cá nhân của Nguyễn Thúy Hạnh, nữ TNLT bị bắt tháng trước.
Một số người từng ở tù có thể phải chịu đựng một hiện tượng sinh học lạ. Vào một tối mùa đông nào đó bỗng cảm giác trong đầu như bốc lửa. Nhiệt lượng do nỗi nhớ tự do, nhớ người thân ngoài đời tích tụ đâu đó trong cơ thể, tạo nên một độ nóng như nhiệt của dung nham trong lòng núi trước khi nổ tung, phun trào lên mặt đất. Có cảm giác trái tim vẫn đập hàng giờ nếu nó nhảy ra khỏi lồng ngực. Thời khắc ấy người tù có kinh nghiệm cần phải dội vài gáo nước lạnh lên đầu (tất nhiên trong tù chỉ có nước lạnh) để giảm nhiệt, giảm bứt rứt dù nhiệt độ trong buồng giam xuống gần 0 độ bách phân.
Hiện tượng sinh học này xảy ra theo một chu kỳ bí ẩn nào đó và chỉ xảy ra với những ai sống nội tâm. Nội tâm ấy phải dạt dào tình yêu thương, đau đớn vì thế sự
Nghĩ về Nguyễn Thúy Hạnh lại nhớ đến hiện tượng lạ lùng này.
Tin và tin rằng đã hoặc sẽ xảy ra với một người như Nguyễn Thúy Hạnh.
Với người khác trái tim đã rời lồng ngực kia chỉ cần đi xuyên qua bức tường ngăn cách Nhà tù và Tự do. Tất cả đã có sẵn sau bức tường đá; nhưng với Nguyễn Thúy Hạnh nó phải đi xuyên qua bức tường trước rồi mới xuyên qua Thái bình dương. Cuộc đời Nguyễn Thúy Hạnh đã đi xuyên qua nhiều khổ đau từ bé thơ. Thay cho những khổ đau từ bé thơ là những khổ đau vì anh em, bạn bè bị khủng bố, bị tù đày ở thời hiện tại.
Đêm nay, tôi đã nằm xuống giường rồi phải vùng dậy. Cũng bị giày vò bởi tình máu mủ như Nguyễn Thúy Hạnh, nhưng bức tường đá kia đã sau lưng, tôi chỉ cần vượt qua Thái Bình Dương để đến với con trai tôi. Nhưng với Nguyễn Thúy Hạnh… Nguyễn Thúy Hạnh phải đi xuyên qua bức tường nhà tù trước đã. Tám năm, 10 năm, 12 năm… Trái tim nào đa cảm cũng yếu mềm. Liệu Nguyễn Thúy Hạnh có vượt qua?
Không biết đến tháng, năm nào người mẹ ấy mới gặp được con trai yêu quý của mình?. Sao câu nói MẸ GIỜ NHƯ DÒNG SÔNG ĐÃ CẠN ……” khiến tôi bị ám ảnh?