Thành Nam – Tiếng Dân
Đầu năm 2020, Vingroup rút khỏi thị trường bán lẻ Vinmart và sang năm 2021 cho chấm dứt sản xuất điện thoại và TV. Vậy còn Vinfast, liệu sống được bao lâu nữa? Vậy vấn đề chính ở đây là gì? (Từ trước tới nay, Vingroup chỉ có mỗi nguồn thu duy nhất là từ bất động sản).
Chúng ta cần đi ngược lại thời gian một chút: Bắt đầu từ năm 2005 đến 2015, đây là thời kỳ huy hoàng nhất đối với các doanh nghiệp làm bất động sản tại Việt Nam. Thời kỳ này các doanh nghiệp chỉ cần vẽ sơ đồ trên giấy thôi thì dân cũng đổ xô tới và đặt 100% tiền.
Vậy tại sao thời kỳ này dân lắm tiền thế? Đúng là thời kỳ này có một khối lượng tín dụng lớn từ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam, thông qua Chính phủ, sau đó được rót xuống các Tổng công ty và các tập đoàn lớn của Nhà nước. Nhưng sau đó bốc hơi hết.
Người viết bài này đã từng chứng kiến không dưới 5 người, họ còn rất trẻ, sau khi vào doanh nghiệp nhà nước làm được mấy năm, khi đã ổn định ở ghế trưởng phòng và chánh, phó giám đốc, thấy họ có đủ tiền mua hai, ba căn nhà ở phố một lúc.
Nhưng tình hình khác đi bắt đầu từ 2016. Nếu bạn tinh ý về vấn đề chính trị thì bạn sẽ thấy, bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa 12 của đảng CSVN, họ tập trung vào hai vấn đề chính:
1- Đưa tất cả những quan chức tham nhũng, những người có dây dưa đến đất cát và tài sản công, lên thớt để chặt.
2- Bật đèn xanh cho các tỉnh, làm thật nhiều cầu cống và đường xá nối với các huyện ngoại thành, nâng cấp huyện lên quận, nâng cấp quận lên thành phố trực thuộc tỉnh, cho chuyển đổi hàng loạt quỹ đất, (đất doanh nghiệp, đất nông nghiệp, sang đất nhà ở). Mục tiêu cuối cùng là thu thật nhiều tiền về cho ngân sách Nhà nước.
Hải Phòng là ngọn cờ đầu. Vừa qua, nhiệm kỳ 12 của thành ủy Hải phòng do ông Lê Văn Thành làm Bí thư, số tiền Hải phòng đã nộp ngân sách cho Trung ương là 240.000 tỷ VND. Số tiền này lớn gấp 4 lần nhiệm kỳ các bí thư trước đã làm, chả trách khi ông Thành chưa hết nhiệm kỳ, dân Hải Phòng đã biết ông chuẩn bị về Trung ương, làm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế.
Chưa hết, hôm vừa rồi xem TV, tôi thấy ông Thành mới ký một văn bản thông báo: Yêu cầu tất cả các bộ ngành và chính quyền các tỉnh, lập danh sách: Tất cả các tài sản công, bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, trung tâm thương mại… tất cả được gửi về văn phòng chính phủ, để Chính phủ lên phương án cổ phần hóa hoặc bán đấu giá.
Sau đó tôi lại thấy báo dân chí đăng tin: Thành phố HCM có văn bản đề nghị Chính phủ cho giữ lại 4 khách sạn tại quận Nhất, để Công ty Du lịch 100% nhà nước nắm giữ. Điều này cũng đang gợi lên, xung đột lợi ích giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Những thảm họa đen mà các tập đoàn BĐS Việt Nam đang phải đối mặt
1- Thị trường đầu vào: Chỉ từ 2016 đến nay, chủ trương của nhà nước sẽ bung ra một lượng quỹ đất (làm nhà ở) lớn gấp 4 lần lượng quỹ đất đô thị tại các tỉnh thành, tính từ năm 2015 đổ về trước, liệu doanh nghiệp của bạn có đủ tiền ôm nó không? Cứ cho là bạn đủ tiền đi, thì liệu bạn có bán hết nó trong giai đoạn hiện nay không? Nếu bạn sử dụng vốn vay trong giai đoạn hiện nay thì lại là một thảm họa.
2- Thị trường bán: Nếu nhìn ở góc độ kinh tế đối với người dân sống tại các đô thị của VN trong giai đoạn hiện nay đối với thị trường nhà ở, chúng ta có thể chia ra thành 3 nhóm:
10% giới giàu có và trung lưu: Những người này có thừa nhà trải dài từ nam ra bắc, nên những người này không có nhu cầu mua thêm (Trừ khi thị trường nhà đất có biến động và trượt giá nhanh).
50% người có thu nhập trung bình: Những người này đã có nhà ở nội đô từ trước, nhưng với thu nhập hiện nay, chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có tích lũy để mua thêm nhà, mặc dù hiện tại gia đình sinh hoạt hơi chật chội.
40% dân nghèo còn lại: Những người này lo chạy ăn từng bữa một, nên không bao giờ dám mơ tưởng đến vấn đề mua nhà.
Nói tóm lại: Tất cả các công ty bất động sản ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một vấn đề: Không có thị trường.
Vậy tất cả các công ty bất động sản nào hiện đang lắm giữ lượng hàng tồn kho nhiều, vay ngân hàng nhiều và phát hành trái phiếu nhiều, vấn đề phá sản chỉ là vấn đề thời gian.