Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Sáng nay dạy lớp liên thông, tôi thử làm thật và có kết quả…
Phiếu báo giảng ghi học phần 30 tiết, 3 ngày, mỗi ngày 10 tiết. Nhưng lâu nay chỉ được phép đến lớp 2 ngày thứ bày, Chủ nhật. Tất nhiên, thông thường giảng viên phải ghi và ký khống đủ 3 ngày trên 2 cái phiếu do trường in sẵn. Dạy xong còn phải mất cả tiếng ngồi ghi và ký khống vào cái ma trận nhằng nhịt trên quyển sổ đầu bài do sở cấp nữa. Những lúc nhức đầu với cái ma trận ấy, tôi thường hỏi: “Đã 2 phiếu báo giảng, thêm sổ đầu bài nữa để làm gì?” Và được trả lời gọn lỏn: “Để phòng sở kiểm tra!”
Tất cả đều giả, chỉ có đối phó là thật! Nhưng để đối phó, người ta đã hành ông giáo như một con trâu cày trên thủ tục hành chính. Giả định, tôi chỉ dạy một buổi, ký khống giấy tờ xong rồi đi nhậu hay về nhà ngủ thì cũng đố ai biết!
Biết trong cái guồng máy ấy, không thể làm thật được 100% thì sáng nay cũng thử làm thật 10% xem sao? Tôi vượt 15 km đến cơ sở đào tạo sớm, trước 7h30 như thường lệ. Ngồi hành lang chờ 15 phút, không thấy bóng ai. Chẳng biết phòng nào mà tìm. Khoảng 20 phút sau có một học viên đến mời thầy vào lớp. Vào lớp thì chỉ thấy lèo tèo khoảng chục học viên trên sĩ số gấp 6, 7 lần theo danh sách. Bước vào cửa lớp thấy cái TV to tướng ở chình ình trên đầu, mặt quay ra sân (có lẽ là ai tối đó mở xem bóng đá, cả đám ngồi ngoài hành lang xem cho mát?). Tôi chào lớp rồi tự quay cái TV vào. Nhưng phòng học chỉ có một ổ cắm. Cắm TV thì khỏi cắm máy tính. Hết đường xoay xở. Bèn bắt máy gọi giảng viên chủ nhiệm lớp theo số điện thoại trên phiếu báo giảng. Chủ nhân không thèm nghe máy. Gọi điện về trường gặp phó phòng đào tạo. Phó phòng đào tạo hứa sẽ liên lạc với bên đối tác. Hứa cuội. Vì mất vài mươi phút cũng chẳng thấy tăm hơi. Thường học viên phải đi mua ổ cắm, nhưng tôi không cho, vì mọi chi phí đã nằm trong học phí. Học viên bắt máy gọi cho nhân viên phục vụ. Mất 15 phút cô nhân viên đến. Đây không phải là lần đầu. Lần nào cũng như lần nào. Thường buổi sáng đầu tiên đi dạy, có khi phải đợi đến 9 giờ mới bắt đầu dạy được! Lần này thì theo lệnh của Thủ tướng, tôi định bỏ về, vì không đảm bảo giờ giấc, trang thiết bị để dạy thật, học thật.
Tôi hỏi nhân viên: “Hiệu trưởng đâu?” Nhân viên lắc đầu: “Hiệu trưởng đi công tác”. Tôi hỏi tiếp: “Hiệu phó, Trưởng phòng Đào tạo đâu?” Lại lắc đầu. Tôi nói: “Chắc là thứ bảy, Chủ nhật nghỉ. Hợp đồng ký kết 45/55. Bên cơ sở đào tạo ăn 45% mà không phải làm gì sao? Tôi đi dạy thì các người phải có trách nhiệm phục vụ chứ?” Nhân viên không trả lời. Nghĩ đoạn, cô ta buông một câu: “Thầy nên nhớ thầy đi dạy thì cái máy của thầy phải có điện chứ?” Đến nước này thì tôi phải trợn mắt lên như Trương Phi: “Cô báo thằng Hiệu trưởng đến đây gặp tôi. Bảo nó giới thiệu cho tôi loại máy nào có pin xài luôn cả ngày không hết, tôi mua giá cao gấp đôi?”
Tôi lập biên bản hiện trạng và bắt ký vào. Cô ta ký xong xin mang về phòng để pho to gửi lãnh đạo. Đến 10 giờ chẳng thấy tăm hơi. Tôi bảo học viên lên văn phòng trên lầu lôi cổ cô ta xuống, trả biên bản cho tôi. Cô ta xuống, tay cầm biên bản, nhưng ghi thêm hai điều tố ngược tôi, rằng 1) tôi phản ánh không đúng, bằng chứng là khi cô ta đến TV đã quay mặt vào trong, 2) lâu nay không có giảng viên nào phản ánh, chỉ có mình tôi phản ánh, tức là tôi xuyên tạc. Tôi không thể không to tiếng: “Lớp còn sống nhăn cả đây chứ đã thủ tiêu hết nhân chứng đâu mà bảo tôi nói sai, xuyên tạc? Cái lý nào nói các giảng viên không phản ánh, chỉ một mình tôi phản ánh thì là tôi xuyên tạc? Tôi hình dung cô chơi trò này để báo cáo láo với lãnh đạo, đúng không?”
Cô ta im lặng định rút lui. Bất ngờ cô ta lên tiếng: “Thầy Trưởng phòng Đào tạo bảo thầy lên phòng gặp thầy ấy”. À thì ra đến 10 giờ, trưởng phòng mới đi làm. Tôi không thể nén giận được nữa và quát: “Thằng này trịch thượng, tưởng chức trưởng phòng to như núi, định triệu tập tôi hay sao?” Cô ta cúi đầu: “Dạ không phải. Là thầy Trưởng phòng mời”. Tôi lại càng không chịu nổi cả cái gọi là mời. Tôi nói: “Lên bảo nó xuống đây xem hiện trạng phòng ốc và tổ chức dạy học kiểu gì. Và nó phải gặp tôi chứ không phải tôi đi gặp nó. Chức năng của nó là phục vụ giảng dạy hay tôi phải đi hầu hạ nó?” Cô ta đứng như trời trồng. Tôi phải quát lần nữa: “Đi đi. Đừng bảo trường này bổ nhiệm một trưởng phòng bị què, không bước được chân đến phòng học!” Cô ta đi và mất hút con mẹ hàng lươn.
Cuối cùng, vì thương học trò tôi đành phải dạy cho hết buổi. Đây là chuyên đề cuối, nếu tôi bỏ về thì phải hoãn đến năm sau mới tốt nghiệp, vì lịch dạy của tôi kín mít không còn chỗ bù. Và lại nghĩ, cô nhân viên kia chỉ là con tép riu, nếu làm to chuyện thì con tốt bị mang ra thí trước. Trong khi Hiệu trưởng và bọn quản lý thì vẫn nhơn nhơn chỉ biết chia tiền. Cái biên bản hôm nay đành cất vậy!
Đấy. Thủ tướng xem một đội ngũ quản lý và phục vụ đào tạo như vây thì dạy thật, học thật, thi thật kiểu gì? Tôi hình dung “nhân tài thật” của ngài chỉ biết ngồi phòng lạnh, tay đếm tiền cực nhanh nhưng chân thì bị què, quản lý bằng cách bịa láo các loại giấy tờ hành chính để hành thầy cô giáo chứ không biết cái sự thật học hành và thi cử thế nào đâu!
Chu Mộng Long
#giáodụcvn #dạythật #họcthật