Khánh Hòa (VNTB)
Chi phí cho các bữa ăn, tiêu dùng hàng thiết yếu trong gia đình thời gian gần đây tăng lên đáng kể, do nhiều mặt hàng cùng tăng giá.
Mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% đang ngày càng khó
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê cho rằng dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2021 tăng 0,29%, thấp nhất trong 20 năm, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021 không đơn giản, bởi Mỹ và nhiều nước tung ra các gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới lại tăng mạnh.
Để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 4% trong năm nay, phía Tổng cục Thống kê đề xuất không nên điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, đồng thời không dồn tăng giá các mặt hàng này vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao…
Tiền tiếp tục được bơm vào thị trường
Ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng – Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận xét thời gian qua ở Việt Nam việc cung tiền đưa vào nền kinh tế quá nhiều khiến giá hàng loạt tài sản tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản. Thậm chí ở Việt Nam, cung tiền trước khi đại dịch xảy ra cũng luôn cao với tăng trưởng tín dụng hằng năm ở mức 18 – 19%, và chỉ hạ thấp khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp chậm lại trong năm 2020 với mức tăng trên 12%.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nói chung ở mức thấp so với giai đoạn trước đây cho thấy lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất không theo kịp lượng cung tiền. Điều đó cũng đẩy giá hàng hóa đi lên. Ngoài ra quá trình hồi phục kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới, sẽ kích hoạt tình hình lạm phát diễn ra nhanh hơn.
Năm 2020 là năm mà việc bơm tiền xảy ra trên khắp thế giới, và Việt Nam không ngoại lệ. Việc chính sách tiền nới lỏng và tiền rẻ tiếp tục được duy trì là điều hiển nhiên để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng việc nó có tiếp tục nới lỏng thêm, rẻ thêm hay không là câu chuyện khác, phụ thuộc vào khả năng tăng của lạm phát.
Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định là việc lạm phát tăng không ngạc nhiên, bởi nó phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế. Nhưng nếu nó tăng nhiều hơn trong tương quan tăng trưởng kinh tế thì lại là câu chuyện khác.
Xu hướng lạm phát mới quan trọng
Ông Quách Mạnh Hào, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital), đặt vấn đề là nếu mặt bằng lãi suất không giảm hoặc tăng lên, định giá của gửi tiết kiệm sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi định giá của chứng khoán sẽ kém hấp dẫn hơn. Và đó chính là vấn đề tại sao xu hướng lạm phát là quan trọng, chứ không phải vì nó quá cao.
Theo ông Quách Mạnh Hào thì chính sách tiền tệ và tài khóa là chất xúc tác cho nền kinh tế trong năm 2020 có thể sẽ trở nên thận trọng hơn trong năm nay 2021, chủ yếu là do lãi suất quá thấp, sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản.
Hơn nữa, chính sách nới lỏng hiện tại không thực sự bao trùm nền kinh tế, mà thực sự chỉ giúp cho đối tượng là các doanh nghiệp lớn. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người nghèo vẫn khó khăn do mất thị trường, mất việc làm.
“Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không thực sự phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro nợ xấu sẽ ra tăng trong những năm tiếp theo, trong hệ thống ngân hàng” – ông Quách Mạnh Hào cảnh báo.