Khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đáp máy bay vào Sài Gòn, ông đi nhiều nơi, nhận thấy việc tiếp quản Sài Gòn và các thành phố gần như nguyên vẹn, đời sống ổn định, khu công nghiệp Biên Hòa hiện đại, nền kinh tế thị trường nhộn nhịp.
Đáng ra, nếu Tổng Bí thư quyết định Sài Gòn vẫn giữ nguyên mô hình, các quan hệ trong nước và quốc tế đã tạo lập, các thành phần kinh tế… để từ đó thúc đẩy nền kinh tế cả nước thì tình hình đã khác. Nhưng tại Hội nghị trù bị lần thứ 24 tháng 8-1975, đa số lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản đề nghị áp dụng mô hình XHCN miền Bắc lên cả nước. Kết quả là một nghị quyết chính thức ban hành chủ trương cải tạo và xóa bỏ nền kinh tế đa thành phần ở miền Nam. Để thực hiện chủ trương, việc trước tiên quan trọng nhất là tập trung giam giữ mà cộng sản gọi là cải tạo con người trong bộ máy chính quyền vừa sụp đổ.
Từ đây, một hướng đi đã đưa nhân dân miền Nam và cả dân tộc vào chặng đường đói nghèo và khủng hoảng trầm trọng.
Cải tạo có trọng điểm
Đối với những sĩ quan, binh lính quân đội và cảnh sát trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, Ủy ban quân quản Sài Gòn và các tỉnh thành kêu gọi tất cả ra trình diện, khai lý lịch để phân loại. Chủ trương lúc này là: “Việc tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền và các đối tượng phản động ra trình diện học tập cải tạo thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước, có tác dụng phân hóa hàng ngũ bọn phản động, cô lập bọn đầu sỏ ngoan cố, đập tan luận điệu tuyên truyền chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân”. Đúng là ngay sau khi chiếm miền Nam, không có trả thù gây đổ máu, nhưng kêu gọi trình diện cũng không phải là chính sách khoan hồng, bởi việc trả thù diễn ra theo một cách khác.
Kêu gọi trình diện là “cái bẫy” để Ủy ban quân quản các cấp nắm được đối tượng. Ở chức vụ thấp và những cộng tác bình thường thì tập trung học tập tại chỗ thời gian ngắn. Nặng hơn, bị tập trung cải tạo dài hạn trong điều kiện khắt khe. Qua trình diện, hơn 300.000 đối tượng cần tập trung cải tạo lâu dài được xác định (cũng có con số khác ước tính cao hơn, Đảng Cộng sản đưa ra con số công khai là 200.000 người).
Những nhà tù sẵn có được mở rộng quy mô và tăng thêm tính kiến cố, cùng với việc thành lập hàng loạt trại giam tại nhiều vùng rừng núi xa xôi ở các tỉnh phía Bắc, hoàn toàn cách ly với bên ngoài trong nhiều năm liền. Tù nhân bị đối xử mất hết quyền công dân, chưa nói đến nhân quyền hay quyền tối thiểu của tù binh chiến tranh. Họ phải lao động ở các công trường, trong các trại cải tạo với sinh hoạt tối thiểu, hạn chế một cách khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, chăm sóc y tế hầu như không có. Về tư tưởng, họ phải học tập lý luận Marx-Lenin cũng như đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản.
Cách đối xử của chính quyền mới bề ngoài là hoàn toàn nhân đạo, thực ra che giấu những tàn nhẫn, mất nhân tính và trái với Công ước Genève quy định về đối xử không phân biệt với tù binh chiến tranh ở bất cứ phía nào. Nhiều người bị cải tạo trên 10 năm và cũng không ít người bị cải tạo trên 20 năm. Những trường hợp chết, kể cả bị tra tấn trong thời gian giam giữ cải tạo đều bị liệt vào mất tích, gia đình không được hồi báo rõ ràng, càng không thể tìm thấy hài cốt. Những người sống sót hết hạn được về địa phương, trong tình trạng quản chế tại gia và tiếp tục bị theo dõi. Hàng trăm ngàn người bị tước đoạt quyền được sống cả cuộc đời hay phần lớn cuộc đời.
Theo sau họ, nạn bị phân biệt lý lịch dẫn đến gia đình, nhất là thế hệ con cái bị đối xử một cách bất bình đẳng về mặt xã hội. Sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, hầu hết họ đã làm hồ sơ xin đến định cư tại Hoa Kỳ theo các chương trình nhân đạo ODP và chương trình bổ sung HR. Về cuộc cải tạo này, một luật sư đã nhận định: “Không có thời đại nào có cuộc trả thù khủng khiếp như thời kỳ cộng sản thống nhất đất nước”.
Trung Tướng Đặng Quốc Bảo trong quân đội cộng sản ngay sau năm 1975 cũng cho rằng hành xử như thế chỉ: “Mất một cơ hội hòa hợp bằng vàng! Mất đứt một khối nhân lực, chất xám!”