Tâm tư người trẻ về 30 tháng Tư (phần 2)

- Quảng Cáo -

Phạm Phú Khải – VOA

Trong cuộc trò chuyện này, tôi đã hỏi 6 bạn trẻ bốn câu: một, các bạn có nghĩ giới trẻ nên tìm hiểu về sự kiện lịch sử này không; hai, thái độ của các bạn ra sao trước những phức tạp của vấn đề gặp phải; ba, có nhu cầu hòa giải giữa người Việt với nhau không; bốn, đâu là bài học thích hợp đối với giới trẻ về tiến trình hòa giải cho dân tộc. Phần 1 đã đăng trả lời của hai câu hỏi đầu. Phần này sẽ tiếp tục với hai câu hỏi cuối.

***

Câu hỏi số 3: Vấn đề hòa giải thường được đặt ra vào dịp 30 tháng Tư hàng năm. Theo bạn thì người Việt có nhu cầu hòa giải với nhau không? Cho dầu nếu có nhu cầu thì có thể không, và bằng cách nào?

- Quảng Cáo -

Phần lớn cho rằng Việt Nam có nhu cầu hòa giải, dựa trên sự bình đẳng, và phải đến từ bên thắng cuộc, nhưng thực tế xảy ra thì vẫn là quan hệ kiểu “cai trị” và “bị trị”. Onyx cho rằng không thể có hòa giải gì khi một bên không muốn. Nguyễn biện luận rằng thiện chí phải đến từ phía cầm quyền. Thảo Nguyên thì biện luận rằng khi có tự do dân chủ thì vấn đề hòa giải sẽ được giải quyết. Nhất Tâm cũng chia sẻ quan niệm này, cho rằng sự thật và dân chủ mang tính hệ trọng.

Trung Nguyen: Chắc chắn là người Việt có nhu cầu hòa giải với nhau. Thù hận giữa đồng bào với nhau là một gánh nặng trong bản thân mỗi người, gây chia rẽ dân tộc. Một dân tộc chia rẽ là một dân tộc yếu và dễ bị ngoại bang như Trung Cộng lợi dụng như đã từng diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Bản thân đảng cộng sản cầm quyền đã luôn nêu ra khẩu hiệu “hòa hợp, hòa giải” cho thấy bản thân “phe thắng cuộc” cũng cần hòa giải, có điều họ có thực tâm “hòa hợp, hòa giải” hay không thì rõ ràng là chưa.

Đầu tiên, để bắt đầu tiến hành quá trình hòa giải thì sự thật cần phải được làm sáng tỏ và công nhận bởi tất cả các bên. Thế nhưng sách giáo khoa lịch sử, các bảo tàng lịch sử ở Việt Nam đều tuyên truyền một cách sai lạc rằng cuộc nội chiến là một cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, rằng Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quân ngụy quyền”, ác ôn,… Ông Võ Văn Kiệt khi còn sống đã gián tiếp phủ nhận tuyên truyền của đảng cộng sản cầm quyền khi thừa nhận vào ngày 30/4 có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn. Tại sao “chống Mỹ cứu nước” thành công mà hàng triệu người Việt lại buồn?

Tiếp đến, hòa giải cần phải dựa trên cơ sở bình đẳng chứ không phải dựa trên quan hệ “cai trị – bị trị” như hiện nay. Hiện tại thể chế chính trị Việt Nam cho phép một thiểu số cán bộ cao cấp là giai cấp thống trị, các đảng viên cộng sản cấp thấp và người dân là giai cấp bị trị. Hiến pháp hiện hành gọi “giai cấp thống trị” một cách mỹ miều là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Làm sao có thể có “hòa giải” giữa những người cai trị và những người bị trị? Những người bị trị chỉ có lựa chọn duy nhất là đóng thuế nuôi những người cai trị, chấp nhận để những người cai trị tước đoạt các quyền tự do của mình, tài sản của mình như đất đai, thậm chí cả mạng sống của mình như trong thảm án Đồng Tâm với cái chết cụ Lê Đình Kình.

Chỉ có thể chế chính trị dân chủ, đảm bảo quyền tự do và bình đẳng giữa những người Việt Nam với nhau thì khi đó mới có thể có hòa giải thực sự. Khi đó sự thật mới có thể được nói ra, và người Việt tha thứ cho nhau để cùng đi tới, cũng như Nam Phi đã làm được. Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Nam Phi đã phải làm hai chuyện, nói ra sự thật, công nhận sự thật, không phải để trả thù nhau mà để tha thứ cho nhau, không còn người da trắng cai trị và người da đen bị trị.

Nguyễn: Tôi tin rằng, đằng sau mỗi sự tổn thương là một (vài) nhu cầu chưa được giải bày.

Đó có thể là nhu cầu được nói, được lắng nghe, được chia sẻ, được đòi lại công lý. Cũng có thể là nhu cầu tìm hiểu sự thật lịch sử, thoát ly khỏi những gánh nặng và di sản để lại từ thế hệ cha ông. Tôi không rõ những điều trên có phải là “hòa giải” hay chăng, song tôi tin chắc rằng, chừng nào các nhu cầu (unspoken needs) này không được thỏa mãn, thì chừng đó các bên còn tiếp tục gây tổn thương cho nhau như những gì đã diễn ra 46 năm qua và có thể sẽ còn lâu hơn nữa.

Song, thực tế, chúng ta không thể nói đến chuyện hòa giải như một dạng nỗ lực tự thân của từng người trong xã hội. Hòa giải thế nào, khi mà có nhiều ngành nghề, và nhất là tại các cơ quan công quyền, vẫn đang tuyển dụng theo cái cách xét lý lịch ba đời. Hòa giải thế nào, khi sách lịch sử không thừa nhận rạch ròi bản chất của cuộc chiến 1954-1975. Hòa giải thế nào, khi mỗi ngày 30 tháng Tư, khắp Việt Nam lại cờ hoa ăn mừng kỷ niệm ngày “chiến thắng”.

Thiện chí hòa giải phải bắt đầu từ thái độ của “bên thắng cuộc”.

Đặng Quân: Suốt 46 năm qua, mỗi khi đến tháng 4, nhiều người lại nói đến việc hòa giải giữa người Việt cộng hòa và cộng sản, làm sao để chung tiếng nói thống nhất, xóa bỏ mọi thù hận, giải tỏa những sóng gió trong tâm hồn và bắt tay nhau giữa người Việt cộng hòa và cộng sản, trong nước và hải ngoại. Nhu cầu đó là có, nhưng tôi không tin nó sẽ thành hiện thực; và nếu có sẽ mất một thời gian dài nữa cho khi các thế hệ sống trước và trong biến cố 1975 đã qua đi, hoặc cho đến khi cộng sản không còn nắm quyền tại Việt Nam thì may ra.

Tại sao tôi có ánh nhìn bi quan như thế? Trước hết là những mất mát, đau thương trong và sau biến cố 1975 quá lớn. Và nó kéo dài không chỉ từ biến cố 1975, mà nó là cả quá trình từ khi cộng sản cướp chính quyền từ thập niên 40 ngoài miền Bắc. Các thành phần trí thức, người có Đạo, các đảng phái đối lập từ miền Bắc đã gánh gồng chạy vào miền Nam vì họ đã chứng kiến cuộc thủ tiêu, những sự tinh quái biến báo đủ đường của cộng sản và những người di cư đó hiểu đủ để biết rằng không thể sống với thứ ý thức hệ nguy hiểm này.

Tiếp đến là ảnh hưởng từ ý thức hệ cộng sản vốn tự tôn và độc tôn, không hề có chuyện chấp nhận nhau. Đối với người cộng sản chỉ có triệt tiêu bất cứ ai dám cản đường tiến của họ. Họ sẵn sàng dùng mục đích biện minh cho phương tiện… Sau Đức quốc xã thì chính cộng sản là những kẻ diệt chủng không ghê tay. Những Pôn Pốt, Mao, Stalin… đã cho cả thế giới chứng kiến một thứ ý thức hệ hoang tưởng, chưa hề được kiểm chứng, thử nghiệm trong lịch sử. Nó chỉ là những giả định của Max và những kẻ cuồng tín theo nó mà thôi. Lịch sử đã chứng minh ý thức hệ này là quái thai của thời đại; và những kẻ áp đặt ý thức hệ hoang tưởng này lên các dân tộc khốn khổ, chúng là những kẻ ác vì dám đem cả dân tộc làm vật thí nghiệm cho một ý thức hệ chưa hề được thừa nhận là mang lại tốt lành gì cho người dân.

Thứ đến là lòng tự tôn sắt đá của người cộng sản. Họ không hề thực lòng muốn hòa giải theo kiểu đồng phẩm giá. Người cộng sản chỉ muốn hòa giải trong tư cách họ là kẻ thắng cuộc. Bằng chứng là sau năm 1975, thay vì rộng lượng tập trung vào các khoa học, kỹ nghệ, phát triển kinh tế có sẵn ở miền Nam; thay vì xóa bỏ thù hận, nhẹ tay với những người cầm súng dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, thì trái lại, phe cộng sản đã chụp mũ cho chế độ cũ mọi thứ xấu xa cần loại trừ, gán cho những người miền Nam là tàn dư chế độ cũ. Người cộng sản đã đẩy toàn dân miền Nam về lại con số không bằng cách ly tán các gia đình mà theo họ là ngụy quân, ngụy quyền. Bắt đi cải tạo cả triệu người thuộc chế độ cũ. Các gia đình quan chức, lính cộng hòa bị bắt đi kinh tế mới để nhà cửa lại cho cán bộ cộng sản chiếm ở. Người cộng sản bắt đổi tiền nhiều lần, đánh tư sản để gom vàng của các nhà giàu ở miền Nam… Họ đưa cả nước về lại cái thời kinh tế hợp tác xã hệt trong “trại súc vật”; đã thế còn bế quan tỏa cảng đày đọa người dân cả nước trong đau thương đói khổ, khiến hàng triệu người vượt biên, chết mất xác hàng trăm ngàn người ngoài đại dương. Biết bao thảm cảnh hải tặc cướp bóc hãm hiếp, bão biển, hư tàu trôi dạt, rồi nào là trại tị nạn… Những ký ức tàn độc của phe miền Bắc đó không dễ xóa nhòa trong ký ức của các nạn nhân cộng sản.

Chính thái độ xem nhau như kẻ thù của những người cộng sản khiến cho dân tộc mất đi cơ hội hòa giải mà lẽ ra ngay từ những năm sau 75, người cộng sản phải làm; họ đã bỏ lỡ… Tuy là hiện tại chính người cộng sản vẫn kêu gào hòa giải, đoàn kết dân tộc, nhưng mọi thứ chỉ theo kiểu xin cho. Bên thua phải xin được hòa giải, và bên thắng cho phép hòa giải. Như thế thì làm sao có được lòng tin để tiến đến cuộc hòa giải thật sự?

Onyx: Mình nghĩ điều này giống như việc trị liệu các cặp đôi (couple therapy) vậy. Cho rằng thế hệ chúng mình là thế hệ sau, giống như con cái của hệ quả một cuộc hôn nhân tan vỡ – chiến tranh Việt Nam, thì dù chúng mình có muốn bố mẹ hòa giải với nhau đi chăng nữa, chỉ cần một phía (bố hoặc mẹ) không muốn nói chuyện với người còn lại, thì việc hòa giải sẽ không xảy ra. Tương tự trong câu chuyện về ngày 30 tháng Tư.

Phần lớn những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình tan vỡ thường sẽ cố gắng tự hiểu chuyện gì đã xảy ra với tiền thế hệ và tự tạo ra sự kết thúc (closure) của các sự kiện đó trong tâm trí họ. Bằng cách này hoặc cách khác như việc nghĩ bố là người sai, hoặc mẹ là người nên mở lời xin lỗi. Có lẽ Việt Nam Cộng Hòa nên đợi lời xin lỗi, hoặc Miền Bắc Việt Nam nên ngỏ lời làm hòa. Dù hai bên có làm vậy hay không, những thế hệ sau như chúng mình đều đã tự chọn màn hạ màn cho câu chuyện của họ.

Một số chọn nghe theo câu chuyện của bố về mẹ, một số chọn nghe theo câu chuyện của mẹ về bố do tính gắn bó của họ với bố hoặc mẹ nhiều hơn. Người sinh ra ở miền Bắc không được tiếp xúc với những người sinh ra tại Việt Nam Cộng Hòa sẽ chọn nghe theo những gì sử sách của bên thắng cuộc nói và ngược lại. Số còn lại chọn khoan dung vì trong câu chuyện có nhiều khúc mắc vì có lẽ họ hiểu rằng không phải người nào, lớn như bố mẹ hay ông bà, cũng sẵn sàng đối mặt với những cảm xúc đau thương hay những điều sai trái họ đã làm.

Dù cảm xúc và lí lẽ của cả hai bên đều có lí, mình chấp nhận rằng không ai hoàn toàn biết về toàn bộ sự thật và vì vậy nên mình chấp nhận một hạ màn cho câu chuyện của thế hệ trước trong đầu của mình. Như một cuộc hội thoại thấu cảm giữa hai bên mà chưa bao giờ từng xảy ra hay sẽ xảy ra cho tới khi cả hai phía đều sẵn sàng.

Thảo Nguyên: Theo tôi, cần đặt ra vấn đề lớn hơn là làm cách nào để Việt Nam có được một nền tự do thực sự. Bởi vì khi Việt Nam tự do thực sự, nhân quyền được tôn trọng thì lúc đó mọi vấn đề lịch sử sẽ được giải quyết, trong đó có vấn đề hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Việt Nam.

Nhất Tâm: Mọi người thường nói hòa giải mà ít nói đến điều kiện tiên quyết của sự hòa giải phải bắt đầu từ SỰ THẬT và NIỀM TIN. Trong khi chế độ Cộng Sản đang tồn tại dựa trên sự dối trá thì vấn đề hòa giải rất có thể chỉ là ảo tưởng. Theo tôi người Việt không cần sự hòa giải, chúng ta chỉ cần nhu cầu biết SỰ THẬT một cách công khai. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam thực sự có chế độ dân chủ.

Câu hỏi 4: Tiến trình hòa giải có dễ dàng hơn cho giới trẻ Việt Nam sinh sau 30 tháng Tư năm 1975? Đâu là bài học hòa giải thích hợp của các dân tộc khác mà giới trẻ Việt có thể tìm hiểu để chuẩn bị tinh thần cho tiến trình này?

Tiến trình hòa giải rõ ràng là dễ dàng hơn đối với người trẻ, nhưng đảng cầm quyền cần thực tâm “hòa hợp hòa giải” với nhân dân Việt Nam bằng việc tiến hành dân chủ hóa, theo Trung Nguyen. Nguyễn biện luận rằng phía cầm quyền cần tôn trọng sự thật trong tiến trình hòa giải. Onyx cho rằng giới trẻ sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các cảm xúc mãnh liệt, nên dễ dàng hơn. Nhất Tâm, Thảo Nguyên, Đặng Quân đều nghĩ rằng giới trẻ không cần hòa giải mà cần sự thật, tự do và dân chủ.

Trung Nguyen: Người Việt sinh sau 30/4/1975 do không còn trực tiếp trải nghiệm chiến tranh nên sẽ dễ dàng bỏ qua quá khứ, chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt, mở lòng với cả những người lớn tuổi ở cả hai bên. Tuy nhiên, hãy nhìn sang Miến Điện, khi giới quân phiệt muốn lặp lại chế độ độc tài, giới trẻ đã vùng lên biểu tình đòi dân chủ. Khi nhà cầm quyền tắm máu nhân dân thì một số người đã cầm đến vũ khí và khởi nghĩa vũ trang. Miến Điện đang đứng trước nguy cơ rơi vào nội chiến giữa nhà cầm quyền độc tài và người dân, nhất là thế hệ trẻ khao khát tự do dân chủ.

Cho nên tôi vẫn mong các lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền hãy chủ động và sáng suốt chuyển sang thể chế dân chủ như nhà cầm quyền da trắng ở Nam Phi đã làm được. Mâu thuẫn lớn nhất trong lòng xã hội Việt Nam hiện tại không phải là giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc” của ngày 30/4/1975 nữa. Mâu thuẫn lớn nhất trong lòng dân tộc hiện tại là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị là đảng cộng sản cầm quyền và giai cấp bị trị là toàn thể người dân Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cần thực tâm “hòa hợp hòa giải” với nhân dân Việt Nam bằng việc tiến hành dân chủ hóa.

Việc níu kéo chế độ độc đảng toàn trị chỉ gây ra tham nhũng, bất công xã hội rộng khắp, thù hận giữa người dân và nhà cầm quyền, và sẽ đẩy dân tộc đến những thảm cảnh không lường trước được trong tương lai cho cả đảng cầm quyền và người dân.

Nguyễn: Chắc chắn. Việc gần đây bộ sách giáo khoa lịch sử Việt Nam dần bỏ những cụm từ như “Ngụy quân Ngụy quyền”, hay giới báo chí quốc doanh bắt đầu đăng những tin bài thảo luận chuyện “thừa nhận Việt Nam Cộng hòa”, hẳn là một chỉ dấu tích cực để có thể mở ra tiến trình hòa giải. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thiện chí phải bắt đầu ở phía chính quyền, từ việc tháo dỡ những khung chính sách và pháp lý mang tính phân biệt đối xử với các gia đình có gốc gác Việt Nam Cộng hòa, cho đến việc điều chỉnh lại nội dung lịch sử theo đúng sự thật, cũng như loại bỏ những nội dung tuyên truyền vốn khoét sâu các rạn nứt trong lòng xã hội bấy lâu.

Nhất Tâm: Có thể những thế hệ sinh sau 1975 không trực tiếp trải qua những đau thương, mất mát trong cuộc chiến sẽ dễ dàng hơn trong tiến trình hòa giải. Có rất nhiều bài học tương tự về hòa giải trên thế giới, đơn cử như cuộc nội chiến của Mỹ thường xuyên được đưa ra làm ví dụ. Tuy nhiên, trước khi đến được tiến trình đó cần phải xác định rõ về bản chất cuộc chiến và phải có sự đồng thuận chung về tên gọi. Đó là cuộc “chiến tranh chống Mỹ -Ngụy” như nhà cầm quyền hiện nay tuyên truyền hay là “cuộc nội chiến Bắc Nam”? Để có một tên gọi đúng với bản chất của cuộc chiến thì cần phải có sự minh bạch, trả lại lịch sử về đúng với sự thật của nó trước khi đề cập đến vấn đề khác.

Onyx: Khi bị buộc phải đối mặt với những gì mình đã gây ra hay tổn thương mình đã chịu, có lẽ thế hệ trước sẽ khó để ngồi lại và cùng trò chuyện mà không gây thêm những tổn thương mới.

Vậy nên giả sử, khi thế hệ trước không còn nữa, lúc đó thế hệ sau soi xét và bàn luận về những câu chuyện trong quá khứ sẽ dễ được tiếp nhận bởi đôi bên hơn. Vì khi này những người trong câu chuyện không còn, việc ghi nhận lỗi hay hàn gắn vết thương sẽ không còn có chủ thể.

Khi các chủ thể còn tồn tại thì việc ghi nhận lỗi sẽ được dịch thành “đổ lỗi” và việc hàn gắn vết thương có lẽ sẽ được muốn hiểu thành “bồi thường”. Có thể với những người không trong cuộc, là thế hệ sinh sau năm 1975, vai trò người đứng ngoài sẽ quan trọng hơn hết vì chúng mình không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các cảm xúc mãnh liệt hay những diễn thoại của hai chủ thể trong câu chuyện. Khi đó chúng mình sẽ được viết lại lịch sử theo cách nhìn của thế hệ sau, thu thập câu chuyện một cách bao quát và đa chiều hơn.

Đặng Quân: Tiến trình hòa giải có thể sẽ hơi dễ dàng hơn cho giới trẻ Việt Nam sinh sau năm 1975. Tuy nhiên, hòa giải là hòa giải giữa hai đối thủ, giữa những người ngày xưa từng cầm súng đối mặt nhau trên chiến trường. Còn bây giờ, có chăng là hòa giải giữa lớp con cháu những người cựu thù chăng? Giới trẻ sau năm 1975 có gì để hòa giải đây? Nên tôi nghĩ thay vì tập trung giới trẻ vào việc hòa giải mà họ không hề có ý thức hoặc nhu cầu cần hòa giải; thì nên tập trung giới trẻ vào việc rút tỉa bài học từ quá khứ giúp cho công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền, tự do và công lý, công bằng thực sự trong thời hiện tại. Để giới trẻ nhận biết rằng họ không nên quá hiền lành để bị nhà cầm quyền bắt nạt nữa. Họ cũng không nên làm lơ vận mệnh bản thân và trao tất cả sự quyết định chính trị vào tay những người khác nữa. Giới trẻ cần học và hiểu lịch sử hầu không tin tưởng vào những thông tin một chiều, phó mặc cho nhà cầm quyền đùa giỡn với quá khứ bằng những thông tin dối trá, lươn lẹo gạt gẫm người trẻ.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nói lên một sự hòa giải lớn giữa các thế hệ già trẻ, bảo thủ và cấp tiến, cộng sản và dân chủ nếu có biến cố nào đấy, tựa biến cố năm 1975, nếu xảy ra ở Việt Nam một lần nữa. Khi đó thực sự rất cần đến những người trẻ có hiểu biết kỹ lưỡng về chính trị, về dân chủ và tự do, để người trẻ biết cùng nhau xây dựng một xã hội mới. Để bước qua những khác biệt và hướng đến tương lai. Muốn thế, giới trẻ trong nước và hải ngoại cần có tấm lòng bao dung, chưa có những rạn nứt sâu xa, để cùng nắm tay nhau mở ra một tương lai chính trị mới cho Việt Nam.

Thảo Nguyên: Tôi cho rằng, vấn đề hoà giải không phải là một chủ đề xa lạ, nhưng sẽ không được giới trẻ Việt Nam ưu tiên và quan tâm. Bởi sự kiện 30 tháng Tư năm 1975 đã là quá khứ, hơn nữa, chúng tôi không hề tham dự vào sự kiện này. Nếu có nhắc lại sự kiện này, chỉ là nhắc lại những bài học về sự thành công và thất bại. Tôi cho rằng, giới trẻ hiện nay nên hành động, suy nghĩ độc lập, dũng cảm, biết đột phá, và cố gắng làm mọi thứ để mang lại tự do thực sự cho người dân Việt Nam. Lúc đó, vấn đề hoà giải dân tộc sẽ tự được giải quyết chứ chúng ta không cần phải lật lại lịch sử để giải quyết vấn đề hoà giải.

- Quảng Cáo -