Ngó ra thế giới, Ấn Độ đang bị dịch nặng. Người chết như ngả rạ. Theo báo chí, một trong những nguyên nhân là chính quyền và dân chúng coi thường dịch, cứ hiên ngang liều mạng tổ chức lễ hội truyền thống tắm sông Hằng. Bất chấp tất cả, kiểu thái độ “lễ hội hay là chết”. Cả triệu người cửi trần, đầu trần, mũi mồm tênh hênh tơ hơ không có lấy một mẩu khẩu trang, chen vai sát cánh mà dịch cô vít nó tha mới lạ.
Không phải chỉ Ấn Độ. Tuy xứ ta với cơn dịch này đã ít nhiều tỉnh táo hơn, quyết liệt hơn, ít liều hơn, mưu mẹo hơn, cả đầu bạc lẫn đầu đen bớt kiêu hãnh hơn, nhưng cần phải nói thêm, vẫn coi trời bằng vung. Cứ nhìn biển người hôm giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 ở Phú Thọ thì rõ. Nhẽ ra phải hạn chế, tém dẹp, làm có tính tượng trưng thôi thì lại công khai thách thức con vi rút, thậm chí cả ông chủ tịch nước còn hiên ngang dẫn đầu đám đông liều mạng. Chả khác gì điếc không sợ súng. Cũng may cho con Lạc cháu Hồng là nó chưa để lại hậu quả như Ấn Độ.
Chính vì vậy, có lẽ ta nên ủng hộ ông thị trưởng Nguyễn Thành Phong về việc thu hẹp, ngưng, hủy các cuộc tụ tập đông người nhân dịp lễ 30.4 ở Sài Gòn. Dẹp bắn pháo hoa, dẹp những cuộc gặp gỡ này nọ. Hay ho gì làm mồi cho con COVID-19. Mà ngay cả việc mít tinh kỷ niệm 46 năm ngày “giải phóng, thống nhất đất nước” sau cuộc chiến tranh 21 năm huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, theo tôi cũng nên bỏ. Năm “lẻ”, 46 năm, chứ có phải 45 năm hoặc 50 năm đâu mà lôi ra, nhất là với một quá khứ còn gây nhiều chấn thương trong lòng người.
Dịch bệnh, đừng có đùa. Nổi tiếng ở nước Mỹ và thế giới như lễ trao giải Oscar hằng năm, tưởng không thể thay đổi, mà họ còn hạn chế tối đa, còn làm trực tuyến được, thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ cỡ vùng miền.
Bài học Ấn Độ liệu đã đủ làm thay đổi nếp nhăn não của những người thích kiêu hãnh trong căn bệnh hình thức đã thành mạn tính./.
Thông cào
#nguycơlâynhiễmcovid-19 #30tháng4