Thiên Hạ Luận – Trân Văn
Câu chuyện ông Đoàn Ngọc Hải (cựu Phó Chủ tịch quận 1, TP.HCM, sau khi từ chức, dành toàn bộ thời gian cho việc hỗ trợ và vận động hỗ trợ người nghèo) đem Huân chương Lao động hạng Ba tặng lại cho một trong hai người người đã góp tiền mua xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân nghèo vốn đã râm ran cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội từ tuần trước cho đến tuần này…
Có những cơ quan truyền thông chính thức như tờ Đại Đoàn Kết, cậy cả luật sư dùng luật này, luật kia để phân tích về lý và tình xem điều đó đúng hay sai, cuối cùng kết luận, đại loại… không thể rao bán hoặc dùng huân – huy chương làm vật để đổi chác vì làm như thế là tầm thường hóa những giá trị vô giá, đáng trân trọng, tự hào. Tuy nhiên không hứa hẹn chỉ tặng, cho vì mục đích nhân đạo thì có thể chấp nhận được (1)…
Cũng có những cơ quan truyền thông chính thức như tờ Lao Động tập hợp ý kiến của độc giả để nhấn mạnh khuynh hướng ủng hộ ông Hải. Song song với việc khái quát về chuyện có nhiều người chỉ trích bởi tặng lại huân chương là bất thường, thiếu tôn trọng huân chương của nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín nhà nước, thậm chí là vi phạm quy định, tờ Lao Động giới thiệu một số ý kiến của những cá nhân có tên, có tuổi, phân tích hết sức cụ thể, phản bác khuynh hướng qui chụp ông Hải mua bán – trao đổi huân chương, đồng thời nhấn mạnh, điều ông Hải đã làm (tặng lại huân chương) là vì người nghèo, có lợi cho người nghèo (2)…
Trên mạng xã hội, có những facebooker như Đào Tuấn thắc mắc: Sao lại gạch đá ông Hải?!. Tuấn ngạc nghiên… không thể hiểu tại sao gạch đá lại nhắm vào anh Hải khi anh ấy tặng lại tấm huân chương của anh ấy cho người đã trao tặng tới 850 củ khoai để mua xe cứu thương phục vụ người nghèo! Tuấn mơ… ở xứ mình, tấm huân chương nào cũng có thể đổi ra tiền bạc giúp người khác, thay vì chất đống trong nhà kiểu ba ông Phúc Lộc Thọ trong văn Nguyễn Huy Thiệp – được lồng kính trang trọng nhưng mặt kính thì đầy vết cứt ruồi và trong thực tế dường như… giờ, huân chương chỉ có tác dụng để đưa vào điếu văn mà thôi!
Tuấn lưu ý… anh Hải đã tự nguyện “cúng dường” cho người nghèo rồi, đối với anh ấy, tiền bạc giờ là vật ngoại thân chứ đâu còn là đích đến. Huống hồ một ngày sau khi anh Hải tặng lại huân chương, anh Dũng “Lò vôi” cũng đòi trả lại các loại giấy khen, bằng khen của Bình Thuận, “chỉ xin giữ lại quyết định xử phạt để làm… kỷ niệm”. Trước có trends chia tay đòi quà, giờ lại chuyện không vui thì bố… không thèm. Không đơn giản chỉ là giận lẫy kiểu con nít mà còn khoái trí rất sửu nhi… Theo Tuấn… viên gạch, hòn đá mà các cụ cầm trên tay, vì thế, đừng ném vào anh Hải. Anh ấy chẳng tội lỗi gì hết, ngoại trừ giúp đỡ người khác cũng là một cái tội (3).
Đúng là tuần vừa qua và tuần này, chuyện khen thưởng ở Việt Nam phát sinh thêm nhiều tình tiết dở khóc, dở cười. Ngoài chuyện ông Hải tặng lại huân chương cho người góp tiền, giúp ông mua xe cứu thương vận chuyển người nghèo, còn có chuyện ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “Lò vôi”) đòi trả lại tất cả giấy khen vì đã ủng hộ 1,6 tỉ làm đường ở Tánh Linh, sau khi tỉnh Bình Thuận yêu cầu TP.HCM xem xét xử phạt vợ ông Dũng đưa ra những ý kiến sai sự thật về việc bao che cho… “Thần y” Võ Hoàng Yên (4)…
Chẳng phải đến bây giờ các phần thưởng cao quý như huân chương, huy chương và các danh hiệu cao quý như Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động mới phải cõng, vác cả bi lẫn hài. Trên thực tế, càng ngày càng nhiều cá nhân, tập thể nhận những phần thưởng cao quý, danh hiệu cao quý sau đó vỡ nợ, phá sản, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị tống giam vì đủ loại sai phạm nghiêm trọng. Đó cũng là lý do mà một số thân hữu của Đào Tuấn như Hồng Quân Nguyễn, Nguyệt Hoa, Hung Duy… nhất trí rất cao… cần bổ sung thêm, ngoài chuyện có thêm thứ để kể trong điếu văn, những thứ… cao quý ấy còn giúp… giảm án!
Giữa những ý kiến bất bình trước việc nhân danh sự… cao quý để chỉ trích lên án ông Hải, Trần Kẽm tâm tình như vầy: Ông Trời của các nước khác như thế nào thì mình không biết vì chưa bao giờ được… “đi nhờ” sang trời Tây, trời Đông… Còn ở nước Nam Trời phú thằng bất lương. Trời thương thằng bất nghĩa. Trời rỉa của người nghèo. Trời kèo của người đói. Trời trói tay, đọa đày người siêng năng. Trời bẻ răng, bắt giam người nói đúng. Trời dung túng thằng làm sai. Trời phát tài cho thằng cướp, trộm. Trời thăng chức cho thằng gian. Trời phong quan cho thằng tham. Trời phong học vị, học hàm cho thằng ngu… Trần Kẽm chú thích thêm, rằng chữ “trời” thì Trời bắt viết hoa. Còn “nhân dân” ta Trời bảo viết thường! Nhân dân ta thật đáng thương và bị xem thường mọi nhẽ!
Đó có phải là lý do cao quý ngả nghiêng, lẽ ra phải như một loại chuẩn mực thì lại trở thành yếu tố tạo ra thị phi, không có ai đủ tư cách phân định thật – giả, đúng sai?
Chú thích
(1) http://daidoanket.vn/ong-doan-ngoc-hai-tang-lai-huan-chuong-dung-hay-sai-559567.html
(3) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/4007037559318796