Đông Đô (VNTB)|
Từ điển tiếng Việt định nghĩa, ‘bôi bác’ là động từ. Khi là khẩu ngữ, ý muốn nêu cái xấu của người khác ra cho mọi người thấy, nhằm hạ thấp: bôi bác nhau!
‘Bôi bác chế độ’ là khẩu ngữ mà người ta có thể cảm thán khi đọc bài báo thể hiện dạng phóng sự ảnh, với đoạn tóm tắt mở đầu: “Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3 km nhưng cuộc sống người dân tại hai bờ sông Hồng tạm bợ với những dãy lụp xụp”.
Bài báo viết: “Nằm sát rìa sông Hồng, khu trọ Phúc Xá (Ba Đình) với những mái nhà lợp ngói xi măng cũ kỹ đã có từ hơn 20 năm nay. Các dãy trọ dài, nối nhau với hàng chục phòng. Đây được biết đến là khu trọ của những người dân ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm sống với mức thu nhập từ thấp. Hầu hết là người lao động làm việc trong chợ đêm Long Biên như bán hàng, bốc vác, kéo xe…
(…) Người dân xóm Phao, gần 30 chục hộ, sống san sát nhau ngay cạnh phía bờ sông. Đến nay sinh hoạt của họ vẫn không có điện, nước”.
Bài báo mang đến cho người đọc cảm giác dường như các nhà báo đang mỉa mai những nhà quản lý của một thủ đô đáng sống, và hơn thế, vì lẽ nào một Hà Nội xã hội chủ nghĩa từ thập niên 50 của thế kỷ trước, đến nay lại vẫn còn những người nghèo khốn đến như vậy?
Bài báo không thể có thật, vì Hà Nội là nơi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trải bước đường thăng tiến chính trị, với những cột mốc chức vụ tạm kể như sau: tháng 8/1996 – 02/1998: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng Ban cán sự Ðại học và trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Tháng 12/1997 – 01/2021: Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII. Tháng 02/1998 – 01/2000: Phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Ðảng. Tháng 8/1999 – 4/2001: Tham gia Thường trực Bộ Chính trị. Tháng 3/1998 – 8/2006: Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (3/1998 – 11/2001); Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Ðảng (11/2001 – 8/2006). Tháng 01/2000 – 6/2006: Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII,XIII, XIV (…)
Bài báo đã bôi bác chế độ, vì một trong những tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư khóa XIII, là “Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương”.
“Nằm sát rìa sông Hồng, khu trọ Phúc Xá (Ba Đình) với những mái nhà lợp ngói xi măng cũ kỹ đã có từ hơn 20 năm nay. Các dãy trọ dài, nối nhau với hàng chục phòng. Đây được biết đến là khu trọ của những người dân ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm sống với mức thu nhập từ thấp. Hầu hết là người lao động làm việc trong chợ đêm Long Biên như bán hàng, bốc vác, kéo xe…” – Bài báo viết, và qua đó cho thấy không chỉ bôi bác chế độ, mà còn bôi bác ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Phú Trọng.
“Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng đồng chí luôn là người gần gũi, sống nhân văn, nghĩa tình với bà con nơi cư trú; luôn quan tâm sâu sát các công việc của phường, quan tâm các gia đình chính sách, hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình đồng chí có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào hoạt động của phường; liên tục là Gia đình văn hóa tiêu biểu; các thành viên trong gia đình đều là những đảng viên tích cực, những công dân gương mẫu, có lối sống giản dị, trong sáng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của thành phố, quận, phường, tổ dân phố; luôn được bà con trong phường kính trọng” – trích bài báo “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được cử tri nơi cư trú tín nhiệm cao, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV”, đăng trên tờ Nhân Dân ngày 30-03-2021.
Nếu bài báo trên tờ Zing không là “bôi bác chế độ”, thì hóa ra ngay ở thủ đô – trung tâm chính trị quốc gia, vẫn có nơi mà mặt trời chưa bao giờ chiếu rọi đến…/.
#nguyễnphútrọng #chếđộcsvn