Vị trí chủ tịch nước: Đầu tàu mà không phải đầu tàu

- Quảng Cáo -

Trịnh Hữu Long – Luật Khoa|

Ở Việt Nam, chức chủ tịch nước như một người lái tàu không được cầm vô lăng.

Trong nhiệm kỳ thủ tướng duy nhất của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc nổi tiếng với việc biến rất nhiều tỉnh, thành phố thành… “đầu tàu”. Khi thì “đầu tàu kinh tế”, lúc thì “đầu tàu phát triển”. Nay, chính ông trở thành đầu tàu khi nhận lãnh chức chủ tịch nước – vị trí mà về pháp lý là nguyên thủ quốc gia.

Nhưng cũng giống như rất nhiều đầu tàu mà ông đã gắn nhãn mác mấy năm qua, vị trí đầu tàu của ông thực ra không phải là đầu tàu. Ông sẽ ngồi làm việc ở tòa dinh thự Pháp cổ có tuổi đời hơn một trăm năm ở số 2 Hùng Vương, Hà Nội, nơi các vị toàn quyền Pháp và vị chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngồi, nhưng sẽ không có bao nhiêu quyền lực.

- Quảng Cáo -

“Tứ trụ” và chính thể đại nghị

Chủ tịch nước xưa nay thường nằm trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thường thôi, không phải lúc nào cũng vậy. Trường hợp cá biệt là Tôn Đức Thắng, người kế nhiệm Hồ Chí Minh từ năm 1969 đến năm 1981. Ông chỉ là ủy viên trung ương đảng.

Vị chủ tịch nước quyền lực nhất trong lịch sử chắc hẳn là Hồ Chí Minh, người nắm chức vụ này từ năm 1946 đến tận khi qua đời năm 1969, nghĩa là hơn 23 năm. Nhưng trong thời kỳ quyền lực nhất của mình, Hồ Chí Minh cũng nắm vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản, lại kiêm cả vị trí thủ tướng tới năm 1955. Từ 1955 đến 1960, ông thôi chức thủ tướng, nhưng nắm hai vị trí chủ tịch đảng lẫn tổng bí thư. Từ 1960 trở đi thì ông chỉ còn là chủ tịch đảng, chủ tịch nước, và với việc Lê Duẩn nổi lên và khuynh loát quyền lực, Hồ Chí Minh không còn là trung tâm của đời sống chính trị nữa. Kể từ đây, chủ tịch nước dần trở thành một vị trí nặng tính lễ nghi.

Tôn Đức Thắng, với việc không được bầu vào Bộ Chính trị, dĩ nhiên nắm chức chủ tịch nước mà không có ảnh hưởng gì nhiều. Người kế nhiệm ông, Võ Chí Công, mới lại là ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng khi đó, người ta không gọi là chủ tịch nước, mà là chủ tịch Hội đồng Nhà nước, một thiết chế nguyên thủ tập thể, tương tự cơ chế lãnh đạo tập thể của Hội đồng Bộ trưởng, vốn là sản phẩm vay mượn từ Liên Xô và Đông Âu rồi bê nguyên vào Hiến pháp 1980.

Có lẽ người sau đó, Lê Đức Anh (1992-1997), mới thực sự xác lập được vị thế đáng kể hơn cho vị trí chủ tịch nước, khi vị trí này trở lại là một chức vụ lãnh đạo cá nhân, thay vì tập thể. Với ảnh hưởng lớn từ thời còn là bộ trưởng quốc phòng, ông Lê Đức Anh đã cùng với Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt hình thành nên cái mà nhà báo Huy Đức gọi là “tam nhân phân quyền”. Thế “tứ trụ” lúc này chưa hình thành rõ rệt, mà phải đợi tới cuộc chuyển giao quyền lực năm 1997 mới thực sự được xác lập.

Từ trái qua: Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt. Ảnh: TTXVN/ Tất Định/ Wikimedia.

Nhưng gọi “tứ trụ” là chỉ trật tự quyền lực trong đảng là chính, còn vị trí chủ tịch nước, trong một chính thể đại nghị như Việt Nam, lại chỉ mang tính lễ nghi, hình thức chứ không có mấy thực quyền.

Lễ nghi là sao?

Thể chế đại nghị có đặc trưng là người đứng đầu nhà nước (nguyên thủ) không phải là người đứng đầu nội các. Điển hình là ở hầu hết các nước châu Âu, người đứng đầu nội các là thủ tướng, cũng đồng thời là lãnh đạo phe đa số trong nghị viện; còn người đứng đầu nhà nước là tổng thống hoặc vua, nữ hoàng. Ta thấy ở Đức, Bỉ, Đan Mạch, Anh đều có thủ tướng là nhà lãnh đạo chính trị trung tâm, chứ không phải tổng thống hay vua, nữ hoàng.

Việt Nam cũng tương tự. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, theo Hiến pháp là “người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Tuy vậy, người đứng đầu bộ máy hành chính quốc gia lại là thủ tướng, người có thực quyền rất rộng lớn như tôi đã phân tích ở bài “Thủ tướng chính phủ quyền lực như thế nào?”.

Hiến pháp trao cho chủ tịch nước một nhóm quyền hạn nghe thì có vẻ không đến nỗi ít ỏi, nhưng thực tế thì quả là ít ỏi. Các quyền đó bao gồm công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; có một ít quyền khá giống với quyền phủ quyết đối với pháp lệnh; có khá nhiều quyền liên quan đến việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh cao nhất trong chính quyền; và, trên hết, đó là quyền thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

Nghe thống lĩnh các lực lượng vũ trang thì quả là to tát, vì có súng trong tay. Nhưng các lực lượng vũ trang Việt Nam chưa bao giờ nằm trong tay chủ tịch nước, nó nằm ở Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Bí thư Quân ủy Trung ương thời gian gần đây bao giờ cũng là tổng bí thư, phó bí thư là bộ trưởng quốc phòng. Chủ tịch nước chỉ là ủy viên thường vụ. Duy chỉ có tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là làm tới bí thư Quân ủy Trung ương.

Bởi vậy nên chủ tịch nước không có súng. Tiền cũng không, vì quyền hành với ngân sách quốc gia lại nằm ở thủ tướng. Quyền hành của chủ tịch nước, do vậy, nằm chủ yếu ở việc ký các quyết định thăng cấp trong quân đội, quyết định khen thưởng, quyết định liên quan đến quốc tịch, quyết định liên quan đến đặc xá, các quyết định liên quan đến lễ tân ngoại giao, v.v.

Quyền hạn vốn đã ít ỏi, các chủ tịch nước Việt Nam từ sau Hồ Chí Minh lại chưa bao giờ thực thi hết quyền hạn của mình trong những vấn đề gai góc, chẳng hạn như quyền cách chức một số vị trí cấp cao trong chính quyền và quân đội, hay quyền phủ quyết với pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dù đã chuyển từ chế độ nguyên thủ tập thể (Hội đồng Nhà nước) sang chế độ nguyên thủ cá nhân, chủ tịch nước vẫn chỉ là người thay mặt một tập thể để công bố quyết định, chứ không có quyền hạn chủ động rộng rãi như thủ tướng.

Có lẽ quyền lực thực sự của vị trí chủ tịch nước lại nằm ở việc người nắm giữ nó có chân trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nếu không chen được vào hai cơ quan này thì chủ tịch nước thực sự chỉ là bù nhìn thuần túy. Vậy nên, khi xét đến quyền lực thực sự của một lãnh đạo chính trị Việt Nam, người ta không thể chỉ xét đến quyền lực theo pháp luật, mà quan trọng hơn là phải xét đến quyền lực trong đảng và sức ảnh hưởng cá nhân của người đó.

Ông Nguyễn Xuân Phúc đã trao danh hiệu đầu tàu cho rất nhiều tỉnh, thành mà có lẽ chính bản thân lãnh đạo các tỉnh, thành đó cũng chẳng hiểu họ làm đầu tàu ở chỗ nào. Nay thì chính ông lại rơi vào một vị trí mà chính danh ngôn thuận là đầu tàu, nhưng lại cũng chẳng phải là đầu tàu./.

#chếđộcsvn #nguyễnxuânphúc #chủtịchnước

- Quảng Cáo -