Bên trong những con số đẹp là nền kinh tế rỗng ruột

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Vốn tích lũy là dòng tiền đầu tư trong doanh nghiệp dùng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận hành doanh nghiệp. Như vậy tổng vốn tích lũy của nền kinh tế là tổng vốn của các loại doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong quốc gia đó.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì trong những năm gần đây, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI chiếm khoảng 22-24% tổng vốn tích lũy của Việt Nam nhưng chiếm tới 70% tổng xuất khẩu, đặc biệt năm 2020 thì FDI chiếm 71,7% tăng tỷ lệ so với những năm trước đó. Được biết trong khối FDI ấy, hết trên 90% hàng xuất khẩu là những mặt hàng công nghệ như: máy tính, hàng điện thoại, điện tử, và các loại máy móc khác có chứa hàm lượng chất xám cao.

Năm 2020, khối FDI xuất khẩu đạt 202,4 tỷ đô và khối này nhập khẩu 167,8 tỷ đô. Như vậy thặng dư thương mại của khối FDI là 34,6 tỷ đô. Khối FDI có vốn ít mà xuất khẩu nhiều và thặng dư thương mại lớn. Vì sao? Vì sản phẩm của họ làm ra đến 90% là sản phẩm công nghệ, những sản phẩm này có giá trị kinh tế lớn (một chiếc điện thoại Samsung giá trị bằng 2 tấn gạo ngon). Được biết, năm 2020 Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ đô, tính ra khối doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu 13,5 tỷ đô. Doanh nghiệp Việt Nam vốn lớn mà làm ra giá trị nhỏ, FDI vốn nhỏ mà làm ra giá trị lớn. Nền kinh tế Việt Nam yếu kém là đây.

- Quảng Cáo -

Tăng trưởng hoàn toàn khác với phát triển. Tăng trưởng chỉ là con số thông kê, còn phát triển là xét về tiềm lực của nền kinh tế đất nước. Hiện nay sản phẩm công nghệ nằm trong tay FDI thì có thể nói tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam rất yếu dù con số tăng trưởng khá cao. Để nền kinh tế chuyển từ yếu sang mạnh thì phải đi qua 2 bước: thứ nhất xây dựng thị trường nguyên liệu nội địa đủ mạnh; thứ nhì là tiếp nhận quá trình chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp quốc nội. Nguyên liệu ta tự túc, công nghệ ta tự chủ thì đất nước sẽ phát triển. Có thể ví thị trường nguyên liệu như nền móng, công nghệ là ngôi nhà. Nếu vừa có thị trường nguyên liệu mạnh vừa có công nghệ để biến nguyên liệu thành những sản phẩm có giá trị kinh tế cao thì khi đó nền kinh tế mới thực sự có nội lực.

Nếu giả sử như Việt Nam xây dựng tốt thị trường nguyên liệu, thì khi đó FDI sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất ra hàng hóa rồi xuất khẩu thì ít nhất nền kinh tế Việt Nam cũng đã tiến được bước đầu tiên trên con đường đến thế vững mạnh. Tuy nhiên thực tế thì thị trường nguyên liệu của Việt Nam đang nằm hoàn toàn trong tay ông Bạn Vàng Trung Cộng. Như vậy nền kinh tế Việt Nam như một ngôi nhà không móng.

Nền kinh tế Việt Nam đang là nơi để các FDI mượn đất, họ dùng điện và lao động rẻ, họ dùng đất nước này làm nơi thải chất ô nhiễm để gia công nguyên liệu của nước ngoài và xuất đi nước khác để hưởng những khoản ưu đãi thuế mà do chính phủ Việt Nam đã đàm phán và kí hiệp định với các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU. Cuối cùng thì Việt Nam hưởng gì từ FDI? Công nghệ ư? Không, vì ĐCS đã không làm gì để tiếp nhận công nghệ. Hưởng lợi nhuận từ FDI ư? Không, thặng dư thương mại 34,6 tỷ đô là vẫn ở trong túi FDI, Việt Nam chỉ hưởng phần nhỏ trong 34,6 tỷ đô ấy dưới dạng thuế được đóng bằng tiền VNĐ. Còn lại, ô nhiễm thì Việt Nam tự xử lí.

Năm 2020, Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ 62,9 tỉ đô la, trong khi đó lại thâm hụt rất lớn trong quan hệ thương mại với Trung Cộng và Hàn Quốc. Với Trung Cộng thâm hụt 35,4 tỉ đô, với Hàn Quốc là 27,5 tỉ đô. Nói tóm lại là kinh tế Việt Nam đã kiếm được tiền từ Mỹ và chuyển nó cho Tàu và Hàn. Điều này cho thấy Việt Nam nền kinh tế trống rỗng, tiền vào nhiều và thoát ra cũng nhiều. Ấy là chưa nói số tiền thặng dư thương mại 34,6 tỷ đô hằng năm nằm trong túi các FDI. Số tiền này mang danh nghĩa là ở Việt Nam nhưng nó không thuộc về người Việt Nam.

Được biết nước Tầu cung cấp cho Việt Nam thị trường nguyên liệu từ thượng vàng đến hạ cám, còn Hàn và Nhật là thị trường nguyên liệu cho Việt Nam chủ yếu là “thượng vàng” với các loại linh kiện đòi hỏi công nghệ cao như chip điện tử hay những linh kiện chứ bí mật công nghệ mà Hàn và Nhật không muốn làm ở quốc gia khác. Những linh kiện thuộc loại kỹ thuật cao được các doanh nghiệp Nhật và Hàn nhập từ quốc gia của họ sang Việt Nam lắp ráp và xuất đi các thị trường lớn như EU và Mỹ.

Tỷ số Ngoại thương/GDP nó thể hiện nền kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài nhiều hay ít. Nền kinh tế phụ thuộc nước ngoài càng nhiều thì càng dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới hoặc kinh tế khu vực biến động. Theo bài “Quan hệ thương mại Trung – Mỹ và một số nước châu Á” được đăng trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì tỷ lệ này của Việt Nam là 181% riêng phần phụ thuộc trung cộng đã là 45%, trong khi đó Mỹ chỉ có 20%, Trung Cộng 28% và Úc là 37%. Như vậy chỉ cần Mỹ hay Trung Cộng trừng phạt thì nền kinh tế Việt Nam sẽ dẫn tới sụp đổ nhanh chóng. Nguyên nhân vì đâu nên nỗi? Vì nội lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước quá kém so với FDI nên điều đó kéo theo tỷ lệ Ngoại thương/GDP cao như vậy.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế rỗng ruột, để giải được bài toán này e ĐCS không có khả năng!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.thesaigontimes.vn/…/xuat-nhap-khau-2020…

https://www.thesaigontimes.vn/…/quan-he-thuong-mai…

https://vneconomy.vn/nam-2020-viet-nam-xuat-sieu-ky-luc…

https://vneconomy.vn/phu-thuoc-vao-xuat-khau-cua-khoi-fdi…

#nềnkinhtếvn #đầutưFDI

- Quảng Cáo -