Như để nhấn mạnh phản đối đưa ra trước đây, hôm 17 tháng Ba, Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc làm xói mòn nền dân chủ ở Hong Kong, ngay trước các cuộc họp ở Alaska, là cuộc họp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc và Hoa Kỳ kể từ khi Tổng Thống Biden nhậm chức.
Về mặt ngoại giao, thời điểm đưa ra quyết định trừng phạt rõ ràng là có chủ đích, cho thấy chính quyền Biden không ngần ngại đối đầu với Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố, sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với một loạt các quan chức, bao gồm cả Wang Chen một thành viên của Bộ Chính Trị 25 người của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, liên quan đến một vấn đề mà Bắc Kinh đã nhiều lần nói là vấn đề chính trị nội bộ. Các biện pháp trừng phạt trước đó do chính quyền Trump áp đặt đã cấm các quan chức này đến Hoa Kỳ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ.
Ngoại Trưởng Antony J. Blinken, người đang công du Nhật Bản và Nam Hàn cùng với Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd J. Austin, cho biết quyết định này là phản ứng đối lại nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong bằng cách viết lại luật bầu cử của đặc khu này và áp đặt các thay đổi thông qua cơ quan lập pháp bị nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản.
Ông nói thêm rằng Anh Quốc đã tuyên bố những sửa đổi luật bầu cử là vi phạm thỏa thuận để trả lại chủ quyền của thuộc địa cũ của Anh cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ông Wang Chen là người đã dẫn đầu các sửa đổi lập pháp được thông qua vào tuần trước, cho đến nay là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị nhắm đến.
Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến 14 phó chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc – cơ quan vừa kết thúc cuộc họp thường niên tại Bắc Kinh – và các quan chức từ bộ phận an ninh quốc gia của lực lượng Cảnh Sát Hong Kong, Văn Phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao, và Văn Phòng Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Zhao Lijian, hôm thứ Tư 17 tháng Ba nói rằng việc trừng phạt liên quan đến Hong Kong “phơi bày ý đồ thâm độc của Hoa Kỳ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”
Ông Blinken và các quan chức chính quyền Hoa Kỳ khác đã tìm cách làm nổi bật cách hành xử gần đây của Trung Quốc đối với một số vấn đề không chỉ liên quan đến Hoa Kỳ mà cả với các quốc gia khác.
Khi bắt đầu cuộc họp với ngoại trưởng Nam Hàn hôm thứ Tư 17 tháng Ba, Ngoại Trưởng Blinken đã đề cập đến Trung Quốc cùng với Myanmar, Bắc Hàn và các quốc gia khác, nơi ông cho rằng các chính phủ cầm quyền đang đe dọa nền dân chủ và ổn định.
Ông Blinken nói với Ngoại Trưởng Nam Hàn Chung Eui-yong: “Trung Quốc đang sử dụng sự ép buộc và gây hấn để làm xói mòn quyền tự trị ở Hong Kong một cách có hệ thống, phá hoại nền dân chủ ở Đài Loan, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng và khẳng định các yêu sách hàng hải, vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông...”
Bên cạnh đó, một trong những cố vấn cấp cao của ông Biden về châu Á, ông Kurt M. Campbell, nói với The Sydney Morning Herald rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không được cải thiện cho đến khi Bắc Kinh nhượng bộ trong cuộc chiến gây áp lực kinh tế chống lại Úc.
Những nhận xét này như vậy đã làm hài lòng các đồng minh truyền thống của Mỹ và khuấy động sự tức giận ở Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Biden, Jake Sullivan và Ngoại Trưởng Blinken gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Yang Jiechi và Wang Yi, tại Alaska vào thứ Năm 18 tháng Ba.
(Theo The New York Times)