Báo cáo về huyết khối và vaccine AstraZeneca có đáng lo không?

- Quảng Cáo -

Reuters – VOA

Cơ quan giám sát dược phẩm châu Âu đang duyệt xét một số báo cáo về tình trạng xuất huyết, cục máu đông và tiểu cầu thấp trong số những người được tiêm vaccine ngừa COVID của AstraZeneca.

Cơ quan Thuốc men châu Âu (EMA) cho hay tới nay chưa phát hiện được mối liên hệ nhân quả nào giữa vaccine với các sự cố vừa kể. Tổ chức Y tế Thế giới cũng nói không có liên hệ nào được chứng minh và mọi người chớ hoảng loạn.

Ít nhất 13 nước thành viên EU trong đó có Đức, Pháp, Ý đã ngưng dùng vaccine này trong khi chờ đợi kết quả cuộc điều tra của EMA.

- Quảng Cáo -

Sau đây là những gì chúng ta biết được cho tới nay:

Chuyện gì đã xảy ra?

Hơn 45 triệu liều vaccine các loại đã được tiêm chủng trên toàn EU và Khu vực Kinh tế châu Âu kể từ khi tiêm chủng bắt đầu cách đây gần 3 tháng.

EMA đang điều tra báo cáo về 30 trường hợp rối loạn máu bất thường trong số 5 triệu người được tiêm vaccine AstraZeneca tại EU.

Chú trọng và quan tâm chính của EMA là những ca có các cục máu đông trên đầu, một trường hợp hiếm nhưng khó trị được gọi là huyết khối tĩnh mạch não (CVT).

Tính tới đầu tuần này, tại Đức có bảy người tuổi từ 20 đến 50 được chẩn đoán bị CVT, 16 ngày sau khi họ được tiêm vaccine AstraZeneca, theo Viện Paul Ehrlich (PEI) có thẩm quyền về vaccine trên toàn quốc. Dựa vào tỉ lệ CVT được báo cáo trong dân số, PEI nói cứ 1,6 triệu người thì có 1 ca.

Các nước khác và AstraZeneca nói gì?

Anh đã triển khai hơn 11 triệu liều vaccine AstraZeneca và báo cáo về các cục máu đông không nhiều hơn con số xảy ra bình thường. Các nhà ban hành qui định thuốc men của Anh kêu gọi người dân tiếp tục nhận vaccine, trong đó có vaccine AstraZeneca.

Canada nói các chuyên gia y tế đảm bảo là tất cả vaccine sử dụng tại nước này đều an toàn, kể cả AstraZeneca.

AstraZeneca ngày 14/3 tuyên bố duyệt xét dữ liệu an toàn của hơn 17 triệu người được tiêm chủng vaccine của công ty tại Anh và Liên hiệp châu Âu cho thấy không có bằng chứng về tăng nguy cơ những cục máu đông.

EMA đang điều tra những gì?

Các nhà điều tra EMA đang kiểm tra xem tần số của những sự cố này có cao hơn trong số dân được tiêm chủng so với tỉ lệ bình thường hay không.

Tần số bình thường được rút ra từ thống kê y tế công cộng hay hồ sơ bảo hiểm. Điều này sẽ được phối hợp với phân tích y học từng trường hợp và nội dung từ tài liệu khoa học.

Người đứng đầu theo dõi an toàn của EMA, ông Peter Arlett, cho biết các trường hợp CVT báo cáo không nhiều nên cơ quan sẽ chủ yếu dựa vào việc phân tích từng ca một, hơn là vào dữ liệu thống kê rải rác.

Một phát ngôn viên của thẩm quyền vaccine Đức, một phần trong cuộc điều tra, nói EMA sẽ không phán quyết về quan hệ nhân quả giữa vaccine với các trường hợp máu đông.

Thay vào đó, EMA sẽ đánh giá về khả năng gia tăng nguy cơ về tình trạng này và cân đo lợi-hại với việc chống COVID-19 và việc giảm căng thẳng cho hệ thống y tế.

Chẳng hạn như vaccine của Pfizer và Moderna có liên hệ tới nguy cơ gia tăng phản ứng dị ứng nguy hiểm, nhưng các vaccine này vẫn được khuyến nghị nên dùng vì lợi nhiều hơn hại, mà phản ứng phụ có thể chữa trị được.

Các nhà ban hành qui định nói hiện nay họ vẫn mạnh mẽ tin là vaccine này mang lại lợi ích nhiều hơn rủi ro.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy những gì?

AstraZeneca và các nhà ban hành qui định châu Âu cho biết những rối loạn về cục máu đông không xuất hiện trong những cuộc thử nghiệm trên người.

Theo dõi an toàn sau khi vaccine được chấp thuận là quan trọng vì những phản ứng phụ cực hiếm, hay những phản ứng chỉ ảnh hưởng đến một số nhỏ dân số, gần như không thể nào nhận ra được trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng, theo PEI.

Trước đây có vaccine nào gây lo ngại về an toàn?

Tại Nhật, một khuyến cáo của chính phủ về việc sử dụng vaccine ngừa virus papilloma (HPV) trên người để ngừa ung thư cổ tử cung đã bị đình chỉ kể từ tháng 6/2013 vì các cáo buộc về một hội chứng đau nhức. Việc này khiến cho WHO chỉ trích.

Một cuộc nghiên cứu được đăng trên tạp chí Sức khoẻ Công cộng Lancet năm ngoái kết luận là việc tiếp tục đình chỉ vaccine có thể dẫn tới hàng ngàn ca tử vong vì ung thư trong những thập niên tới.

Tại Ukraine, sự mất tin tưởng sâu rộng về vaccine đã khiến cho sởi trở thành bệnh dịch. Việc chần chừ sử dụng vaccine tại nước này xuất phát từ tham nhũng và dân mất lòng tin vào nhà cầm quyền, nhưng cũng bắt nguồn từ việc đình chỉ tạm thời của chính phủ vào năm 2008, khi một thiếu niên 17 tuổi tử vong không lâu sau khi được tiêm vaccine ngừa bệnh sởi-rubella.

- Quảng Cáo -