Phạm Lê Đoan – (VNTB) – Người miền Nam hay nhắc như một câu cửa miệng, ‘thì ông Thiệu nói rồi mà…’.
Trong phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và ngày 16-3-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Đây là những ngày cuối cùng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, chúng ta bàn giao những gì tốt đẹp nhất cho những đồng chí nhận nhiệm vụ mới”.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.
Hai tuần lễ tới đây, ở ngay nhiệm kỳ của Quốc hội đương nhiệm khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ rời ghế Thủ tướng để ngồi ngay vào ghế Chủ tịch nước cho nhiệm kỳ XV còn ở thì tương lai của Quốc hội. Chính điều này nên mới có phát biểu “Đây là những ngày cuối cùng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, chúng ta bàn giao những gì tốt đẹp nhất cho những đồng chí nhận nhiệm vụ mới”.
Nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm đúng như câu phát biểu đã được báo chí ghi nhận: “Chúng ta bàn giao những gì tốt đẹp nhất cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới”, thì có lẽ một trong vô số điều “không tốt đẹp” sẽ được ông Nguyễn Xuân Phúc giải quyết rốt ráo ngay trong tuần lễ tới đây liên quan đến vụ hủy diệt môi trường của Formosa.
Đó là câu chuyện của 5 năm sau sự cố môi trường biển Formosa, chỉ riêng với tỉnh Quảng Trị, hiện có hàng trăm tấn hải sản tồn kho, hôi thối chưa được tiêu huỷ.
Ghi nhận tại cơ sở nước mắm Khiêm Trọng của ông Bùi Xuân Khiêm, 63 tuổi, trú thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ông Khiêm kể sau khi cái được gọi là “sự cố môi trường biển” xảy ra, cơ quan chức năng địa phương đã đến cơ sở sản xuất của ông để kiểm tra, đo đếm, lập biên bản hải sản tồn kho. Sau đó, ông còn dự thêm gần chục cuộc họp nữa. Thế nhưng, việc quan trọng nhất là tiêu huỷ hải sản tồn kho và đền bù cho gia đình ông, đến nay chưa được cơ quan chức năng thực hiện.
Tổng công suất kho chứa của ông Khiêm là 100 tấn hải sản, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng và tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Vậy nhưng, do sự cố môi trường biển Formosa, 5 năm qua, ông đã mất đi gần một nửa diện tích kho để chứa 44,4 tấn hải sản tồn kho, hư hỏng.
“Người ta thấy cơ sở mình còn hải sản tồn kho nên họ lo sợ mình dùng thứ đó để sản xuất nước mắm. Vì vậy, khách hàng không dám mua khiến gia đình tôi không thể tiếp tục sản xuất, mất thu nhập, công nhân nghỉ việc” – ông Khiêm bức xúc nói.
Tại cơ sở nước mắm Huỳnh Kế của bà Lê Thị Huỳnh, 60 tuổi, trú khu phố An Du Đông 2, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, còn tồn kho 252,6 tấn mắm chợp và 17 tấn ruốc đặc, lỏng. Hàng tồn kho đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bâu đen đặc khiến cuộc sống gia đình bà và hàng xóm đảo lộn.
Bà Huỳnh cho biết, gia đình bà sản xuất nước nắm đã 30 năm, hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, đóng góp cho địa phương rất nhiều, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động. Trước khi xảy ra “sự cố môi trường biển” do Formosa gây ra, mỗi năm gia đình bà có thu nhập khoảng 500 triệu đồng.
Thế nhưng, 5 năm nay, bà Huỳnh phải giảm công suất của cơ sở, chỉ hoạt động cầm chừng, thu nhập thấp, lao động mất việc làm… Cũng gặp tình cảnh bị ngờ vực như cơ sở của ông Khiêm, hàng tồn kho ở Huỳnh Kế chưa tiêu huỷ nên khách hàng nghi ngại chất lượng sản phẩm của cơ sở, dẫn đến lượng tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng.
Đâu chỉ vậy. Không chỉ tốn diện tích chứa hàng hải sản tồn kho, bà Huỳnh còn tốn tiền thuê nhân công lau dọn để giảm mùi hôi trong kho của mình.
Ở Vĩnh Linh còn có thêm 3 cơ sở nước mắm nữa là khổ chủ tương tự của cái gọi là “sự cố môi trường biển” do Formosa gây ra.
Trong nhiệm kỳ là người giữ quyền lực cao nhất Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý “dân sự hóa hình sự”, bằng việc nhận số tiền 11.500 tỷ đồng tiền đền bù của Formosa trong vụ “sự cố môi trường biển”./.