Tại Miến Điện, phong trào biểu tình chống đảo chính quân sự vẫn tiếp diễn, bất chấp việc chính quyền dùng biện pháp mạnh để đàn áp, kể cả việc nổ súng bắn đạn thật vào đám đông để giải tán, đặc biệt là vụ tàn sát ngày 04/03/2021 đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng. Trong lúc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nói đến hành vi “sát nhân”, giới phân tích lo ngại rằng các tướng lĩnh tại Miến Điện sẽ áp dụng trở lại chiến thuật “sát thương” như vào hai năm 1988 và 2007.
Lực lượng an ninh sử dụng đến súng đạn để đàn áp những người biểu tình ôn hòa ngày càng nhiều. Trả lời hãng tin Anh Reuters ngày 06/03, một nhân chứng cho biết là cảnh sát đã nổ súng để giải tán một cuộc biểu tình tại thành phố lịch sử Bagan và nhiều cư dân tại chỗ đã xác nhận việc dùng đạn thật.
Bạo lực và súng đạn còn được sử dụng trong những vụ bố ráp. Theo ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, video từ các khu vực khác nhau của Miến Điện cho thấy lực lượng an ninh bắn liên tục vào các tòa nhà khi họ tiến hành các vụ bắt giữ: “Họ đi trên các con phố ở Rangoon, bắn vào các cửa sổ hai bên đường khi người dân lo âu nhìn xuống phố”. Đối với báo cáo viên Liên Hiệp Quốc, đó rõ ràng là những hành vi tội phạm, không khác gì của các băng đảng mafia, nhằm khủng bố tinh thần cư dân.
Việc lực lượng an ninh Miến Điện nổ súng đàn áp biểu tình đã bị Liên Hiệp Quốc lên án. Trong một thông cáo công bố hôm 04/03, bà Michelle Bachelet, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi quân đội Miến Điện chấm dứt điều mà bà gọi là “sát hại” những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Chiến thuật thẳng tay “giết người”
Theo nhà chính trị học Jean-François Rancourt, chuyên gia về Miến Điện tại Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á, Đại Học Montreal (Canada), chế độ quân sự Miến Điện thực sự đang dùng chiến thuật thẳng tay “giết người” để dẹp phong trào chống đảo chánh.
Trả lời phỏng vấn ban Pháp Ngữ RFI, ông Rancourt ghi nhận:
Jean-François Rancourt: Các cuộc biểu tình đã diễn ra hơn một tháng nay. Vào lúc đầu, giới tướng lĩnh quân sự Miến Điện rất có thể là đã hy vọng rằng phong trào sẽ bị dẹp yên với các vụ bắt giữ và những biện pháp đàn áp không gây chết người. Thế nhưng giờ đây, họ có vẻ như là đã quyết định sử dụng một chiến thuật mới mang tính chất sát thương.
Điều đó cho thấy là quân đội Miến Điện không còn sợ phản ứng của cộng đồng quốc tế. Phải nói rằng tại Miến Điện, quân đội đã có thể duy trì quyền kiểm soát nhà nước trong vài thập kỷ, bất chấp việc họ đã trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Một số quốc gia vẫn làm ăn với Miến Điện bất chấp lệnh trừng phạt, chẳng hạn như Trung Quốc, Nga, một số quốc gia ở Đông Nam Á, thành viên của ASEAN. Nhiều nước vẫn có quan hệ rất chặt chẽ với quân đội Miến Điện, bất chấp các cáo buộc diệt chủng được đưa ra sau các vụ đàn áp người Rohingya vào năm 2017. Hiện có khoảng 10 quốc gia bán thiết bị quân sự cho quân đội Miến Điện.
Do vậy, giới tướng lãnh Miến Điện có lẽ cảm thấy đủ an toàn để tiếp tục các hành vi bạo lực và đàn áp.
RFI: Liệu có thể so sánh những gì đang xảy ra với tình hình ở Miến Điện trong những năm 1988 và 2007, khi cũng có những cuộc biểu tình lớn?
Jean-François Rancourt: Hoàn toàn có thể so sánh ba trường hợp này. Trong cả ba sự kiện (1988, 2007 và ngày nay), chúng ta đều thấy các lực lượng vũ trang nắm quyền kiểm soát trên mọi mặt – ít ra đó là điều mà quân đội hy vọng -, trong lúc ở phía đối diện là những người dân, mà tuyệt đại đa số đều bất mãn và xuống đường biểu tình, và vào thời điểm này là giai đoạn khởi đầu của việc dùng bạo lực để đàn áp một cách bài bản.
“Hầu hết nạn nhân bị trúng đạn vào đầu và ngực”
Và điều cần phải nói là chiến thuật trấn áp được quân đội Miến Điện sử dụng không phải ngẫu nhiên. Hầu hết các nạn nhân trong số người biểu tình bị thiệt mạng hôm 04/03 đều bị trúng đạn thật vào đầu hoặc vào ngực, cho thấy mục tiêu chính là muốn giết người.
Khi nhìn lại những gì đã xẩy ra vào năm 1988 và 2007, tình hình rất đáng sợ: Vào năm 1988, ước tính thận trọng nhất về tổng số người chết là khoảng 500 đến 1.000 người, nhưng có người cũng nói đến con số 10.000 trường hợp tử vong. Vào năm 2007 cũng có vài chục, thậm chí vài trăm người chết.
Vì vậy, vào lúc này, nỗi lo ngại rất, rất cao, vì ai cũng biết rõ những gì mà quân đội Miến Điện có thể làm.
RFI: Phong trào phản đối có lan rộng ra ngoài các thành phố lớn của Miến Điện không?
Jean-François Rancourt: Có chứ. Đây là một phong trào thực sự có quy mô toàn quốc, lan rộng ra ngoài các thành phố lớn. Thậm chí phong trào không chỉ giới hạn trong nhóm dân tộc đa số là người Bamar. Trong lịch sử Miến Điện, luôn luôn có xung đột giữa người Bamar đa số với một vài sắc tộc thiểu số nhất định, nhưng hiện nay chúng ta thấy là hầu như tất cả mọi sắc dân đều tập hợp trong cùng một phe để chống lại quân đội.
Vì vậy, đây thực sự là một phong trào đấu tranh vượt ra ngoài khuôn khổ các thành phố, đô thị, có thể đi từ các thị trấn nhỏ với 10.000 dân cho đến Rangoon rất đông dân. Hiện nay, phong trào thực sự đang lan rộng khắp đất nước.
RFI: Và đồng thời, công cuộc đàn áp cũng gia tăng?
Jean-François Rancourt: Rủi thay đúng là như vậy, chiến dịch đàn áp cũng dựa trên các chiến thuật đã được quân đội “thử nghiệm” rất kỹ trong quá khứ. Một ví dụ: người ta sẽ đưa binh lính từ các vùng khác đến thực hiện các vụ đàn áp bên trong các thành phố, để đảm bảo rằng binh lính sẽ sẵn sàng nổ súng, điều mà họ sẽ ngần ngại nếu trong số người biểu tình có thân nhân hoặc bạn bè của họ.
RFI: Tại sao chính quyền quân sự Miến Điện lại đang nhắm vào giới nhà báo, đặc biệt là bằng cách bắt giữ những phóng viên?
Jean-François Rancourt: Mục tiêu ở đây là kiểm soát các thông tin xuất phát từ trong nước. Vấn đề là, dù quân đội có thể triệt hạ giới nhà báo như họ muốn, nhưng tôi rất hoài nghi về khả năng họ đạt được mục tiêu khống chế thông tin.
Người dân giờ đây có điện thoại di động có thể quay video, vì vậy hiện nay có thể nói là điều được gọi là “báo chí công dân” có khả năng bổ sung cho báo chí chuyên nghiệp. Do vậy, quân đội càng tấn công vào các nhà báo như hiện nay, thì người ta lại càng có thêm động lực và trách nhiệm để đưa thông tin ra ngoài nước.
Đây thực sự là một yếu tố hoàn toàn khác với hai phong trào phản đối lớn trước đây, nhấn mạnh thêm chỗ yếu của quân đội Miến Điện là thường bất lực trong việc kiểm soát hoàn toàn thông tin được đưa ra khỏi đất nước.