Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, một anh bạn lớn tuổi làm chủ tịch hội nông dân phường mời NR đi uống cà phê để kể cho NR buổi học về thị trường cò do chính quyền tổ chức.
Anh nói người Miền Nam không lạ gì những quy tắc kinh tế thị trường vì đã từng sống với nó. Song hơn mười năm sống trong chế độ XHCN, việc mua bán ngoài quốc doanh bị kết tội mua gian bán lận, đầu cơ tích trữ, thị trường môi giới bị quy chụp lừa đảo, ngồi mát ăn bát vàng v.v… Nên khi cán bộ dạy về thị trường môi giới, dùng cụm từ chợ búa là thị trường cò nên anh vừa tức cười vừa ngạc nhiên, sự đổi thay quá lớn.
Bởi môi giới, tức làm cò, không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường nên quan trọng không phải là dạy làm cò như thế nào mà là quản lý thị trường cò ra sao, hành lang pháp lý cần có để hoạt động môi giới trở nên lành mạnh.
Một trong những lãnh vực phát triển mạnh nhất của thị trường cò là.. Cò đất. Do chủ trương đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước độc quyền quản lý, một chủ trương kỳ lạ, chủ sở hữu đất là toàn dân, nghĩa là chẳng có người dân nào có quyền sở hữu, các quan chức nhà nước mới là chủ sở hữu trên thực chất, nên cò đất chính là đầu giây mối nhợ tạo ra những nhóm lợi ích thân hữu với các quan để vẽ dự án kiếm lợi, giúp những cá mập bất động sản giàu lên rất nhanh trên nổi oan của người dân bị thu hồi đất với giá bồi thường quá thấp, các nhóm lợi ích khi có được đất dùng thị trường cò đẩy giá đất lên ngất ngưởng, kiếm lợi khủng khiếp. Thủ Thiêm là một trong vô vàn ví dụ.
Người dân có đất chỉ thu lại một phần rất nhỏ giá trị đất của mình, phần giá trị lớn nhất của đất bị ép giao cho bọn tay không bắt giặc, tức bọn cấu kết lợi ích nhóm làm giàu. Ông Trump gọi bọn này là deep state.
Trục lợi từ đất dân đã đành, bọn chúng còn moi móc công thổ là những khu đất vàng để thu lợi khủng khiếp. Vụ án Út trọc, Vũ nhôm, đô đốc Nguyễn Văn Hiến, phó chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Tài hay Tất Thành Cang liên quan đến công thổ là những ví dụ.
Ngày nay, có vẻ như vấn đề thu hồi đất, lập dự án nuốt chửng đất vàng của nhà nước đã giảm sốt.. Thị trường cò lại xúm vào đầu cơ đón lỏng đất chung quanh dự án sân bay Long Thành. Chỉ đến khi nghe thượng tướng Lê Chiêm nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, rằng :”Cán bộ ta mua hết đất Long Thành rồi”, thì thị trường cò đất và bầy cò đất mới lộ diện đầy đủ cung bậc háu ăn và chân dung của nó.
Ai có khả năng làm sân golf trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chiếm giữ bền vững đến nỗi nhà nước phải mở thêm sân bay Long Thành để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất bị sân golf tranh mất đất ?
Ai có tiền đầu cơ đất quanh sân bay Long Thành? Và ai biết được chủ trương và vị trí xây sân bay Long Thành để nhanh tay đầu cơ đất đón lỏng trước khi công bố công khai ? Thượng tướng Lê Chiêm nói huỵch toẹt:”Cán bộ ta mua hết đất Long Thành rồi”.
Giờ thị trường cò đất lại sôi nổi với quyết định thành phố trong thành phố, một quyết định kỳ lạ. Thành phố Thủ Đức trong thành phố Hồ Chí Minh.
Quyết định này chẳng khác gì TPHCM là một tiểu bang trong liên bang Việt Nam. Tiểu bang TPHCM có các đơn vị hành chính quận, huyện và Thành phố trực thuộc tiểu bang TPHCM. Với cái đà này có khi lại thành lập các thành phố trực thuộc quận, huyện và Thành phố (trực thuộc tiểu bang TPHCM).
Và cứ mỗi lần nâng cấp một khu vực nào lên Thành phố là mỗi lần thị trường cò đất lại sôi động, mua đón lỏng thổi giá bán kiếm lời.
Có lẽ vụ thành lập thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM đã làm thị trường cò đất no như cà cưỡng, nên hiệp hội bất động sản TPHCM ăn quen đề suất thêm ý tưởng thành lập Thành phố Tây Bắc gồm huyện Hóc Môn và Củ Chi ?
Vẫn biết rằng thị trường cò đất đầu cơ thổi giá giúp TPHCM thu được nhiều thuế hơn, song ẩn chứa nhiều bất ổn, nhất là nguy cơ phình bóng đầu cơ đất có thể làm vỡ bóng, hậu quả khôn lường.
Nhà nước cần sớm ngăn chặn những dự án do đám cò đất làm thầy dùi./.
#cánbộcsvn #thamnhũngđất