Lật tẩy trò mua bán ghế và trò tự vẽ kết quả bầu cử

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quy định thành phần cho 500 ghế đại biểu quốc hội như sau: Trung ương chiếm 207 ghế và địa phương là 293 ghế. Trong 207 ghế của trung ương ấy, thì đó toàn là cơ cấu cố định với cơ quan đảng, cơ quan chính phủ, cơ quan chủ tịch nước, công an, quân đội, mặt trận tổ quốc vv… đều được quy định số ghế cụ thể. Tuy nhiên trong 293 ghế địa phương thì cơ cấu ghế định là 220 ghế, còn lại 73 ghế là “cơ cấu linh hoạt”.

Như vậy cơ cấu linh hoạt là gì? Cơ cấu linh hoạt là những ghế mà chính quyền địa phương tự giới thiệu ngoài thành phần đã được cơ cấu bởi Nghị quyết 1185/NQ-UBTVQH14. Nói trắng ra thì 73 ghế linh hoạt này là những ghế được chính quyền địa phương dùng để “bán” cho những ai cần mua. Trên danh nghĩa thì 73 ghế linh hoạt đó là được dành cho “những cá nhân tiêu biểu” được tỉnh giới thiệu. Tuy nhiên, thực tế thì nó không mang nghĩa thanh cao thế mà có mang nghĩa bẩn thỉu hơn rất nhiều. Những ghế dư ra đó chính quyền địa phương có thể bán được hàng triệu đô mỗi ghế.

Trường hợp bà Châu Thị Thu Nga là ví dụ. Bà này là chủ một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội. Bà được chính quyền thành phố giới thiệu làm ứng viên đại biểu theo dạng “công dân tiêu biểu” ở Quốc hội khóa XIII. Và kết quả là, bà đã “trúng cử” với tỷ lệ số phiếu 61,79% phiếu bầu. Bà này sau đó bị bắt vì dính đến vụ lừa đảo khách hàng. Sau khi bị bắt, bà Nga khai với cơ quan điều tra là bà đã chi 1,5 triệu đô để mua ghế đại biểu quốc hội. Đấy! Bà Nga chính là thành phần “cá nhân tiêu biểu” đấy. Nếu ghế nào mà cũng có giá cỡ 1,5 triệu đô thì với 73 “ghế linh hoạt” ấy, các quan chức tỉnh nhà ta kiếm cũng cỡ 109,5 triệu đô nhỉ?!

- Quảng Cáo -

Thực tế các đại biểu quốc hội là đại diện cho đảng, nhưng trên danh nghĩa thì nó được gán cho mỹ từ là “đại diện cho dân”. Được biết, trên thế giới không có đại biểu quốc hội nào mà đại diện cho dân cả nước cả, họ chỉ đại diện cho một vùng dân cư thôi. Như vậy, những đại biểu của tỉnh thì tất nhiên đại diện cho dân tỉnh đó, vậy câu hỏi đặt ra là, những đại biểu ở trung ương đại diện cho ai? Chả nhẽ họ đại diện cho dân cả nước? Không. Trung ương sẽ bổ họ về địa phương nào đó để họ “đại diện” cho dân địa phương đó mang tính chiếu lệ. Vì thế mới có chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng quê Kiên Giang lại là đại biểu của cử tri… ở tận Hải Phòng; hay bà Nguyễn Thị Kim Ngân quê Bến Tre lại đại diện cho…. dân Cần Thơ vv…

Nói về địa phương thì trường hợp tỉnh Bình Định làm ví dụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tỉnh này có 7 đại biểu nhưng trong đó trung ương bổ về là 3 người. 3 người này là chắc chắn phải được trúng cử vì họ là người của trung ương, không thể rớt. Còn lại 4 ghế thì chính quyền tỉnh này tự chia chác nhau. Được biết hiện tỉnh Bình Định có 10 người ứng cử cho 4 chiếc ghế này. Vậy thì trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 23/5 tới đây, tỉnh Bình Định sẽ giới thiệu 13 ứng cử viên để dân tỉnh này bầu ra 7 và loại 6 người. Như vậy, nếu tôn trọng lá phiếu người dân thì 3 ứng viên của trung ương hoàn toàn có thể bị loại.

Giả sử như khi sau ngày bầu cử, khi đếm phiếu cho kết quả là 3 người của trung ương bổ về nằm trong 6 người bị loại thì sao đây? Trong khi đó trung ương bắt buộc 3 người này phải được trúng cử, vậy Ủy ban bầu cử làm sao đây? Ủy ban bầu cử tỉnh có dám thông báo “tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thất cử”, hay “thường trực ban bí thư Võ Văn Thưởng thất cử” không? Không. Sẽ không có chuyện những người này thất cử vì họ là thành phần trung ương “bắt buộc phải trúng cử”. Vậy làm sao đây? Đấy là mâu thuẫn trong vở kịch bầu cử này. Để giải quyết mâu thuẫn thì chỉ có cách vứt kết quả kiểm phiếu thật và vẽ ra kết quả kiểm phiếu sao cho khớp với những gì đảng đã cơ cấu rồi sau đó thông báo cho mấy con cừu là xong. Đơn giản, gọn nhẹ. Chính sự mâu thuẫn đó nó tố cáo trò tự vẽ kết quả kiểm phiếu của vở kịch này.

Nói tóm lại, bầu cử của chế độ này là đảng cơ cấu cố định hết 427 ghế, còn 73 ghế là để quan đầu tỉnh hoặc quan trung ương bán cho những ai cần mua. Và trong cuộc bầu cử, bỏ phiếu chỉ là màn kịch, kiểm phiếu cũng là màn kịch nốt vì kiểm xong vứt chứ không công bố. Còn kết quả thông báo là loại kết quả tự vẽ sao cho trùng khớp với quy hoạch chứ nó chẳng liên quan gì đến kết quả kiểm phiếu thật. Đó là bản chất đằng sau vở kịch tốn tiền này./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-quyet-1185-NQ…

https://dantri.com.vn/…/chau-thi-thu-nga-xin-khai-ve-15…

https://baothuathienhue.vn/du-kien-so-luong-co-cau-thanh…

https://binhdinh.dcs.vn/…/hiep-thuong-lan-thu-nhat-thoa…

#bầucửquốchội

- Quảng Cáo -