Song Chi – RFA
Đọc báo thấy tin diễn viên Thương Tín bị đột quỵ, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên nghệ sĩ Kim Cương và một số diễn viên, nghệ sĩ khác đã đứng ra kêu gọi anh em văn nghệ sĩ chung tay đóng góp để ông có thể tiếp tục điều trị lâu dài. Tính đến hết ngày 27.2, chỉ sau 2 ngày ra lời kêu gọi, Thương Tín đã nhận được tất cả là hơn 270 triệu đồng do đồng nghiệp và người hâm mộ gửi tới. (“Thương Tín qua cơn nguy kịch, nhận được hơn 270 triệu đồng ủng hộ”, Tiền Phong). Tình nghĩa của giới nghệ sĩ dành cho nhau và sự chia sẻ của người VN thật ấm lòng.
Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy một thực tế oái ăm nhưng lại là điều bình thường ở VN lâu nay. Đó là nhiều nghệ sĩ, nhà báo nhà văn…bị tai nạn, đau ốm, kể cả việc lo hậu sự, nếu bản thân và gia đình không đủ điều kiện, thì toàn phải trông cậy vào sự hỗ trợ của bạn bè đồng nghiệp, người hâm mộ, vì VN không có một hệ thống an sinh xã hội tốt cho người dân. Người nổi tiếng thì trông cậy vào bạn bè. Người dân thường thì phải nhờ đến các báo lên tiếng kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người. Thậm chí năm nào thiên tai bão lụt xảy ra người dân cũng lại phải chung tay đóng góp “lá rách đùm lá nát”, hay mới đây mua vaccine cũng phải kêu gọi người dân đóng góp “Bạn đọc Tuổi Trẻ đóng góp mua vắc xin, mong mỗi người cùng góp sức”, Tuổi Trẻ, “Đài truyền hình TP.HCM phát động quyên góp mua vắc xin COVID-19”, Tuổi Trẻ, “Sao Việt ủng hộ kinh phí mua vaccine vượt qua COVID-19”, Công An TP.HCM…
Biết là VN còn nghèo, nhưng đúng là chỉ có ở những quốc gia độc tài như VN, mới có chuyện nhà nước không những không lo cho dân mà còn ỷ lại vào dân!
Ở các nước dân chủ phát triển, hệ thống an sinh xã hội tuy mức độ hào phóng khác nhau, nhưng tối thiểu những thành phần sau đây: trẻ em dưới 18 tuổi, người già trên 67 tuổi, người bịnh hoặc tàn tật không đủ điều kiện làm việc, người thất nghiệp, người lao động tự do v.v…đều nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước. Trẻ em đi học miễn phí hết bậc trung học, lên đại học thì có thể mượn tiền nhà nước đi học sau ra đi làm trả lại. Ở một số quốc gia như các nước Bắc Âu, Đức, Pháp…học đại học cũng chỉ phải đóng một mức học phí rất tượng trưng. Sinh viên các nước Bắc Âu khi học đại học nếu có mượn tiền nhà nước thì không phải là để trả học phí, mà để chi tiêu trong thời gian đi học không làm ra tiền, và có thể mượn tối đa 8 năm, kể cả đi học trong hay ngoài nước. Y tế thì miễn phí. Ở Anh thậm chí không phải là công dân, cũng chưa có giấy tờ được định cư, vẫn được thăm khám bệnh, vào bệnh viện hay sinh con…miễn phí.
Tất cả là từ tiền thuế của người dân, được trả lại bằng những chính sách an sinh xã hội. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, từ Mỹ cho tới châu Âu, Úc, Canada…người dân đều được nhận các loại tiền hỗ trợ khác nhau của chính phủ, từ người đang đi làm bị mất việc phải ngồi nhà, người lao động tự do, hộ kinh doanh nhỏ, cho tới doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó ở VN, người dân phải đóng đủ loại thuế, phí, nhưng chẳng nhận được cái gì từ nhà nước. Đi học, đi khám bệnh, vào bệnh viện…cái gì cũng phải trả tiền. Chưa kể các khoản đóng góp thêm cho trường lớp, thầy cô, các khoản phí phụ trội…Gia đình nào có con đi học từ nhà trẻ, tiểu học cho tới trung học, đều biết mỗi năm mấy lần họp lớp là chỉ để đóng đủ loại tiền, cả những thứ tỉ mỉ như chi tiền dọn nhà vệ sinh, mua micro cho giáo viên, mua quà thưởng cho các học sinh vào cuối học kỳ, cuối năm…tất cả là do phụ huynh chi ra! Lên đại học cũng phải đóng tiền, và với nhiều gia đình chạy tiền học cho con là cả một nỗi lo canh cánh.
Vào bệnh viện, ngoài tiền khám bệnh, thuốc men, tiền nằm viện, lại còn cái khoản tiền “lót tay” hay cỏn gọi là nạn “phong bì” dúi cho y tá, điều dưỡng, bác sĩ để mọi việc thăm khám, chữa trị được nhanh chóng, tốt hơn.
Tóm lại, ngoại trừ tiền hưu do chính người dân đi làm tự đóng trước bao nhiêu năm, còn lại khi thất nghiệp, lúc ốm đau, tai nạn…đều phải tự lo là chính. Nhà nước có chính sách bảo hiểm y tế nhưng công nhân viên chức đi làm, thu nhập đều đặn hàng tháng mới đóng được bảo hiểm, còn dân làm nghề tự do (trong đó có giới nghệ sĩ) thì phải đóng các loại bảo hiểm tư nhân, nhưng đâu phải ai cũng có tiền. Còn tiền già thì rất ít, không thấm vào đâu, nên chúng ta vẫn thường nhìn thấy hình ảnh những bà cụ ông cụ 70, 80 nhưng vẫn phải còng lưng đi bán vé số, bán từng gói xôi…lo cho mình và phụ nuôi con nuôi cháu.
Người dân cũng chả có quyền biết được tiền thuế của mình đi đâu.
Rõ ràng, người dân đã bị tước đi những quyền lợi tối thiểu nhất của một con người, một công dân: quyền được chăm sóc sức khỏe miễn phí, quyền được phổ cập giáo dục ít nhất là hết bậc trung học miễn phí, chưa nói đến những cái quyền cơ bản khác mà dân còn sợ hãi không dám yêu cầu như quyền được mở miệng chất vấn, chỉ trích nhà nước, quyền được xuống đường biểu tình nếu nhà nước có những chính sách sai trái, hại nước hại dân, quyền được ứng cử, bầu chọn người lãnh đạo đất nước chứ không phải đại hội đảng vẫn chỉ là đại hội của các đảng viên đóng cửa bầu chọn, dản xếp với nhau còn dân thì chỉ đứng bên ngoài nhìn…
Điều đáng nói là người dân VN đã quen với tất cả những điều này, tự mình xoay sở, giúp lẫn nhau. Từ lâu rồi, phần lớn người VN đều né tránh không muốn nói đến “chuyện chính trị”. Nhưng thật ra chính trị chả phải là cái gì xa xôi, phức tạp, tất cả mọi chuyện hàng ngày, từ giá xăng dầu, điện nước, thuế, lương bổng, an sinh xã hội v.v…có cái gì không phải là chính trị?
Không ai đặt câu hỏi tại sao tôi đóng đủ loại thuế, phí mà không được hưởng gì cả, tại sao VN dân còn nghèo mà nuôi bộ máy chính phủ và bộ máy đảng cồng kềnh đến thế (có nhiều người phải gọi là “một ách hai tròng”), tại sao nước nghèo mà quan chức lại sống giàu có, xa hoa đến thế, tại sao cái gì cũng kêu gọi dân đóng góp còn trách nhiệm của nhà nước ở đâu v.v và v.v….
Bao giờ người dân bắt đầu so sánh, đặt câu hỏi, phẫn nộ thì lúc đó may ra vận mệnh đất nước này mới khác đi được.