Việt Nam không xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

- Quảng Cáo -

RFA|

Với tư cách ứng viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, thông báo vào ngày 22 tháng 2 năm 2021.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói gì về quyết định này của chính phủ Việt Nam? Trả lời RFA hôm 23/2 từ Đức Quốc, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị, cho biết Việt Nam đã từng trúng cử một nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền LHQ 2014-2016. Nhưng sau đó họ không tái cử, do năm 2015 và đầu năm 2016 Việt Nam vi phạm nhân quyền nhiều quá nên không dám ra tái cử. Tuy nhiên ông cho rằng lần này Việt Nam cũng không xứng đáng ứng cử vì tình trạng đàn áp nhân quyền tồi tệ:

“Một điều chắc chắn là Việt Nam không thể ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ. Bởi vì trong ít nhất bốn năm vừa qua, Việt Nam đã trở thành nước đàn áp nhân quyền nhiều nhất Đông Nam Á, thay thế Miến Điện trở thành nước giam giữ tù nhân chính trị nhiều nhất, cho nên Việt Nam không thể xứng đáng ứng cử.”

- Quảng Cáo -

Ngoài ra theo Luật sư Đài, trong những năm vừa qua, Việt Nam thường xuyên bị các đối tác của mình như EU, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Úc cùng nhiều nước khác lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động trong nước bị cầm tù, cũng như lên tiếng yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền. Ông nói tiếp:

“Đặc biệt các tổ chức quốc tế về nhân quyền cũng thường xuyên lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền. Vào đầu năm vừa qua, Nghị viện châu Âu với 500 thành viên đã thông qua nghị quyết yếu cầu Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền cũng như trả tự do cho ba thành viên Hội nhà báo độc lập và các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam.”

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006.

Báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 11/3/2020 cũng xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ.

Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee), một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Việt Nam đã cáo buộc Hà Nội “vi phạm công ước” khi nói về các đạo luật và thực hành liên quan đến tự do biểu đạt. Ủy ban cũng đã yêu cầu Việt Nam khẩn cấp thực hiện các biện pháp để thay đổi tình trạng này.

Nhà hoạt động Trần Bang, người từng bị sách nhiễu, đánh đập, bắt bớ vì lên tiếng cho nhân quyền, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 23/2, cho biết rõ ràng không chỉ riêng VN, mà TQ hay Venezuela, Cuba cũng ứng cử, tức là những nước vi phạm nhân quyền nhất lại vào Hội đồng Nhân quyền. Điều này theo ông là trái khoáy, nhưng những người hoạt động nhân quyền như ông, với tiếng nói nhỏ bé, không thể làm sao để thay đổi tổ chức LHQ được. Ông nói tiếp:

“Hay là họ có ý đồ gì đó, có một người giải thích với tôi rằng là những đứa con hư thì cho vào trường, vào Hội nghị thì dần dần có khi dạy dỗ được, chứ để ở ngoài thì nó vẫn vậy. Cho vào có khi may ra lại có chuyển biến.”

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, năm 2020 vừa qua, tình hình nhân quyền Việt Nam rất tồi tệ, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do lập hội. Ông dẫn chứng:

“Như vụ Đồng Tâm, họ lấy cả một hệ thống để họ bắt bớ, xét xử mà một vụ mà cả thế giới cảm thấy lương tâm nhức nhối. Hay vị bắt giữ các thành viên Hội nhà báo Độc lập là ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn. Hay bắt cô Phạm Đoan Trang của Nhà xuất bản Tự do và nhiều Blogger, Facebooker khác. Rõ ràng đây là vi phạm nhân quyền trầm trọng, đàn áp người dân có tiếng nói bất đồng, đàn áp quyền lập hội… Ví dụ như tổ đồng thuận Đồng Tâm có người bị nhiều năm tù, thậm chí bị kêu án tử hình.”

Trước đó, Chính quyền Việt Nam trong năm 2019 đã gia tăng việc đàn áp, kết án tù với nhiều người chỉ vì họ bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo của một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có tên Dự án 88 (Project 88), công bố hôm 23/6/2020.

Số người phải ra toà vì các hoạt động ôn hoà của mình trong năm 2019 là 61 người. Chính quyền đã áp đặt những án tù nặng nề cho các nhà hoạt động với hơn một nửa trong số họ phải nhận án tù từ 5 tháng đến hơn 5 năm tù. 9 người nhận án tù từ 10 đến 14 năm và 1 người nhận án tù hơn 14 năm.

Cũng theo báo cáo của Dự án 88, những tù chính trị tại Việt Nam thường bị giam giữ trong thời gian dài mà không được tiếp xúc với gia đình và luật sư. Nhiều người trong số họ cũng không được chăm sóc y tế đúng mức khi có vấn đề về sức khoẻ, thậm chí bị chuyển đi các trại tù xa gia đình hoặc bị từ chối không được gặp gia đình.

Văn phòng Luật sư Vũ Đức Khanh tại Ottawa, Canada hôm 22/2/2021 đã ra thông cáo về việc Việt Nam ‘đại diện’ ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Trong Thông cáo báo chí, Luật sư Vũ Đức Khanh hoan nghênh Việt Nam đã ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chăm lo sức khỏe cho người dân, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ gìn an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây. Trả lời RFA hôm 23/2 từ Canada qua tin nhắn, Luật sư Vũ Đức Khanh, nói:

“Những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây rất đáng quan ngại. Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hóa các hoạt động biểu đạt chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến.

Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, thiết lập cơ chế đối thoại nhân quyền (ví dụ như Đài Quan sát Nhân quyền Việt Nam) giữa Nhà nước và xã hội dân sự.”

Thông cáo báo chí của Văn phòng Luật sư Vũ Đức Khanh cũng cầu chúc Việt Nam đắc cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, và mong rằng thông qua cương vị này, Việt Nam sẽ sớm có những chuyển biến tích cực để không chỉ cải thiện điều kiện nhân quyền ở Việt Nam mà còn góp phần vào việc bảo vệ và thực thi quyền con người trên toàn thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng nhận định với RFA hôm 23/2 từ Hà Nội:

“Nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên chống đối nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ vu cáo những người đã thực hiện tự do ngôn luận là vi phạm pháp luật, phạm tội chống phá nhà nước, đã bắt người ta chịu những án tù rất nặng. Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền khóa 2014-16 với mục đích chính là để tuyên truyền lừa bịp, rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền, rất mong muốn đóng góp cho hoạt động vì nhân quyền. Họ đã che giấu rất kín mục đích tuyên truyền, đã lừa được nhiều người ở trong nước và trên toàn thế giới, nhẹ dạ, cả tin vào những lời hoa mỹ của họ. Gần đây sự đàn áp nhân quyền ở Việt Nam càng tăng, bị vạch mặt, bị lên án ở nhiều nơi.”

Chuyện Việt Nam lại đang vận động để gia nhập Hội đồng nhân quyền khóa 2023- 2025, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, có lẽ mục đích chính của họ lần này cũng là để tuyên truyền lừa bịp, nhưng họ vẫn che giấu mục đích đó mà phô trương những khẩu hiệu vì nhân quyền. Giáo sư Cống cho rằng những người thực tâm đấu tranh cho nhân quyền và tiến bộ xã hội không lạ gì thủ đoạn của chính quyền cộng sản./.

#hộiđồngnhânquyềnLHQ

- Quảng Cáo -