Song Chi – RFA
Nhìn lại quá khứ
Đã gọi là chiến tranh thì kẻ thù nào cũng tàn ác, nhưng dẫu sao, đánh nhau với một quốc gia có một thể chế chính trị tự do dân chủ pháp quyền như Pháp hay Mỹ, có những con người văn minh, vẫn ngàn lần khá hơn đánh nhau với một quốc gia độc tài, mọi rợ, dù là nước lớn. Bởi với những quốc gia dân chủ kia, báo chí truyền thông cộng với lương tâm của người dân nước họ sẽ không cho phép chính phủ của họ muốn làm gì thì làm, ngay cả đang đánh nhau với nước khác, họ có những giới hạn tối thiểu để không vi phạm những điều luật trong đối xử với tù binh, với dân thường…
Còn với một quốc gia độc tài, truyền thông hoàn toàn bị nhà cầm quyền xỏ mũi, càng tích cực góp tay hô hào cổ vũ cho cuộc chiến và tiêu diệt đối phương tới cùng, bản thân nhà cầm quyền cho tới người lính của họ thì có quan tâm gì đến cách đối xử với tù binh hay dân nước khác trong khi chính dân họ còn bị đối xử tàn tệ? Cứ nhìn những hình ảnh lính Trung Quốc đối xử với tù binh VN, đặc biệt là tù binh nữ, đối xử với người dân vô tội, những hình ảnh giết sạch, đốt sạch, phá sạch đến tận cùng…trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 thì quá rõ!
Chỉ riêng trong hai thế kỷ XIX, XX, VN đã phải liên tiếp trải qua mấy cuộc chiến tranh với các quốc gia khác, chưa kể cuộc nội chiến Bắc Nam vì ý thức hệ. Nhưng đối với Trung Cộng, nhà cầm quyền VN không chỉ nhanh chóng quay trở lại bắt tay bình thường hóa quan hệ mà còn có cách ứng xử hoàn toàn khác, hết sức hèn hạ.
Trong khi cuộc chiến với “thực dân Pháp, “đế quốc Mỹ” được đưa vào sách giáo khoa từ lâu, và suốt bao nhiêu năm nay năm nào VN cũng có những hoạt động tưng bừng tưởng niệm chiến thắng kẻ thù Pháp, Mỹ, thì cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 (thực chất những cuộc đụng độ, xung đột biên giới vẫn kéo dài nhiều năm sau) và những sự kiện lịch sử liên quan như Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa 1974, một phần quần đảo Trường Sa của VN 1988 trong nhiều năm dài không hề được nhắc đến, sách giáo khoa mãi gần đây mới đề cập nhưng cũng không thực sự đầy đủ, và suốt một thời gian dài người dân VN nào tỏ ý muốn có những hoạt động tưởng niệm những sự kiện này đều bị ngăn cấm, bắt bớ, thậm chí bỏ tù. Tương tự, báo chí chính thống mấy năm gần đây mới được phép nói đến cuộc chiến tranh biên giới Viêt-Trung. Trái ngược với Trung Cộng vẫn liên tục tuyên truyền về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ”.
Đánh nhau với Pháp, Mỹ, một trong những nguyên nhân giúp VN chiến thắng, đó là đảng cộng sản đã biết triệt để khơi dậy lòng yêu nước của người dân, khiến cho hàng triệu người lao vào cuộc chiến không tiếc gì tuổi trẻ, sinh mạng, Nhưng với Trung Cộng, nhà cầm quyền VN lại tự mình tước đi vũ khí mạnh nhất đó. Biết rằng cần phải gác lại quá khứ nhìn về tương lai, nhưng đó là khi nào Bắc Kinh từ bỏ tham vọng bành trướng về lãnh thổ lãnh hải, từ bỏ chính sách ngoại giao “chiến lang”, biết tôn trọng chủ quyền của nước khác, thôi bắt nạt, chơi xấu với nước khác, còn không, lẽ ra những dịp như thế này, ngày 17.2 hàng năm, nên để cho người dân xuống đường có những hành động tưởng niệm cuộc chiến, vừa hâm nóng lòng yêu nước vừa “dằn mặt” nhà cầm quyền Bắc kinh rằng VN không phải là một quốc gia dễ “nuốt”.
Và cũng khác với Pháp hay Mỹ, Trung Quốc với VN có những “món nợ” từ trong lịch sử, Trung Quốc luôn luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự bình yên, độc lập của VN. Món nợ ấy càng lớn do sự “ngây thơ”, cuồng tín của đảng cộng sản VN từ khi nhắm mắt chọn đi theo con đường của các đảng cộng sản khác, chọn Liên Xô, Trung Quốc là bạn, là đồng minh, quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt với ngọn cờ “đánh giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, nhưng thực chất là đánh Mỹ dùm cho Liên Xô, Trung quốc, đặc biệt Trung Quốc đã hưởng lợi khi sử dụng chiến thuật “đánh Mỹ bằng xương máu của người VN”. Khi cuộc chiến kết thúc, VN tan nát kiệt quệ thì chẳng bao lâu sau đó, Mỹ và Trung Quốc bắt tay với nhau, Mỹ muốn tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để rảnh tay đối phó với Liên Xô thì Trung Cộng cũng muốn đánh VN để chứng tỏ với Mỹ rằng hai nước có lợi ích chung và sẵn sàng hợp tác chống Liên Xô.
Có nghĩa là Trung Cộng trước sau chỉ sử dụng VN, chứ hoàn toàn không có mối quan hệ tốt đẹp gì.
Kịch bản nào cho tương lai?
Năm 1979 Trung Cộng khi ấy vũ khí lạc hậu, binh sĩ không hề có kinh nghiệm chiến đấu, nếu có kéo dài cuộc chiến cũng không phải dễ mà thắng được VN-một đội quân vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh, cộng với vũ khí từ cả Liên Xô cung cấp lẫn vũ khí hiện đại Mỹ bỏ lại ở MN, Trung Cộng lúc đó chưa hề có căn cứ quân sự nào trên biển Đông… Nhưng 42 năm đã trôi qua, Trung Quốc đã vượt lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đã tăng cường xậy dựng ảnh hưởng trên khắp toàn cầu, đồng thời Bắc Kinh đổ hàng đống tiền đầu tư vào quân sự, quốc phòng để hiện đại hóa quân đội. Với VN, trên bờ từ Nam ra Bắc, Trung Cộng có mạng lưới kinh doanh đầu tư rộng khắp, có tai mắt khắp nơi, còn trên biển Đông Trung Cộng đã xây dựng Hoàng Sa và một số đảo nhân tạo thành những căn cứ quân sự, hải quân, sân bay…Phạm vi khống chế của Trung Quốc trện biển Đông giờ đây gần như phủ khắp.
Về phía VN đã chuẩn bị được gì và nếu lại xảy ra một cuộc chiến trong tương lai, VN sẽ cầm cự được bao lâu? Thậm chí chưa nói đến chiến tranh, việc Trung Cộng tiến chiếm nốt phần đảo còn lại của VN ở Trường Sa là hoàn toàn có thể. Nếu xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc với Philippines, Nhật, Đài Loan, chắc chắn Mỹ phải can thiệp, còn VN, trong cuộc chiến biên giới 1979 trước đây đã đơn độc, bây giờ cũng sẽ đơn độc.
Nhắc lại những điều đó để nhà cầm quyền VN luôn luôn cảnh giác, họ đã có quá nhiều sai lầm trong mối quan hệ với Bắc Kinh trước đây, không hiểu những bài học đó họ có nhớ?
Trung Cộng hiện nay không chỉ còn là mối đe dọa với riêng VN mà đã trở thành mối đe dọa với toàn thế giới. Nhiều nhà phân tích chính trị quốc tế thậm chí còn cho rằng thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của Trung Quốc! Cá nhân người viết bài này nghĩ rằng có thể Trung Cộng sẽ soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ càng lớn và chi phối đến đường lối ngoại giao, hành xử của nhiều quốc gia khác, nhưng để trở thành “Anh Cả”, lãnh đạo thế giới thì có lẽ không. Nếu tiền bạc không làm cho một con người trở nên có văn hóa hơn, nhân bản hơn, thì sức mạnh về quân sự, tài lực lẫn vị thế của một nước lớn cũng chưa chắc đã làm cho cái quốc gia ấy thực sự được gọi là “cường quốc”, có được sự kính trọng của các nước khác! Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với mô hình độc tài độc đảng hoàn toàn thiếu những giá trị khiến cho các quốc gia khác phải ngưỡng mộ, muốn học theo.
Bản thân mô hình ấy, trong lòng xã hội ấy chứa đựng quá nhiều vấn đề nội tại khiến cho cái kịch bản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản bạo phát bạo tàn thì khả dĩ hơn là trở thành ngọn cờ đầu, lãnh đạo thế giới. Điều nguy hiểm là trước khi sụp đổ, con quái vật Frankenstein đó sẽ có thừa thời gian để tàn phá nước khác, và các quốc gia láng giềng nhỏ bé hơn càng cần phải cảnh giác!
Để chuẩn bị cho kịch bản ấy, VN phải trở nên giàu mạnh hơn về nội lực, mà muốn giàu mạnh hơn thì phải tự giải phóng mình khỏi mọi sự kìm hãm từ mô hình thể chế chính trị lạc hậu, phản động, cho tới giải phóng sức mạnh của nhân dân-khoan sức dân, cải cách giáo dục lạc hậu, khai dân trí, tạo điều kiện cho người dân được mở miệng, được có cơ hội phát huy hết năng lực của mình mà không bị kìm nén bởi bất kỳ lý do gì. Và VN phải thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, đa dạng, đa phương hóa các mối quan hệ, thiết lập đồng minh với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. VN hoàn toàn có thể đi theo con đường khác chứ không có lý do gì cứ phải rập khuôn, học theo, làm theo Trung Cộng!
Nếu tâm niệm quyền lợi của đất nước, dân tộc phải được đặt lên trện tất cả thì không có điều gì là không làm được.