Quân đội Miến Điện sẽ sớm mạnh tay đàn áp biểu tình?

Các quân nhân và xe quân sự được bố trí gần trụ sở đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Rangoon, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 15/02/2021. AP
- Quảng Cáo -
Thụy My – RFI

Phải chăng chủ trương gây sợ hãi của tập đoàn quân sự Miến Điện đã thành công? Hôm qua, số người biểu tình ít hơn những ngày trước, và tối Chủ nhật trước đó vào lúc giới nghiêm, lực lượng an ninh đã được ồ ạt tung ra ở nhiều nơi. Quân đội đe dọa bằng sự hiện diệncủa binh lính vũ trang dày đặc trên đường phố vào ban ngày, và bố ráp trong đêm. Trận bão đàn áp chỉ là vấn đề thời gian, có thể diễn ra trong những ngày gần đây.

Miến Điện : « Thế hệ Z » trên tuyến đầu 

Trong bài « Tại Miến Điện, thế hệ Z trên tuyến đầu chống tập đoàn quân sự », Le Monde nhận xét giới trẻ đi đầu trong cuộc đấu tranh, điểm khác biệt với lớp trước là họ kết nối với thế giới bên ngoài.

« Thế hệ Z » gồm những người từ 17 đến 30 tuổi, lứa tuổi đã chín chắn về chính trị. Quá trẻ để có thể biết được những chế độ quân sự trước đây và các vụ đàn áp đẫm máu năm 1988 rồi 2007, họ lớn lên trong bầu không khí say men dân chủ sau khi tập đoàn quân sự tự giải thể, và nay không sẵn sàng chấp nhận bị trị.

Một thanh niên cho tờ báo Pháp biết đang đứng đầu một nhóm khoảng 30 người, nếu internet bị cắt thì đã dự trù nơi tập họp để tiếp tục chiến đấu. Anh nói : « Cách đây 33 năm, thế hệ trước đấu tranh trong một Miến Điện tách biệt với thế giới, không có internet lẫn điện thoại di động, những vụ đàn áp không được sớm biết đến. Đó không phải là trường hợp của chúng tôi ». Một nhà báo ở Rangoon nhận định họ rất kỷ luật, kiểm tra đoàn biểu tình không để trà trộn, thu lượm rác sau đó…nhưng cho rằng nếu phong trào đấu tranh tiếp tục rất cần có thủ lãnh chứ không thể mãi tự phát.
- Quảng Cáo -

Chủ trương răn đe đã thành công ?

Libération nói về « Chiến lược gây căng thẳng tại Miến Điện ». Sau khi triển khai lực lượng tại nhiều thành phố, quân đội Miến Điện muốn phá vỡ phong trào bất tuân dân sự.

Phải chăng chủ trương gây sợ hãi đã thành công ? Hôm thứ Hai, số người biểu tình ít hơn những ngày trước. Tối Chủ nhật trước đó vào lúc giới nghiêm, lực lượng an ninh đã được ồ ạt tung ra ở nhiều nơi. Tại Myitkyina ở bang Kachin, vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và có thể cả đạn thật đã được sử dụng để giải tán biểu tình. Kịch bản tương tự cũng diễn ra tại Mandalay hôm thứ Hai, ít nhất hai người bị thương và nhiều người bị bắt. Ở Naypyidaw, khoảng mấy chục người bị câu lưu, tại đây vào tuần trước một thiếu nữ bị trúng đạn nguy kịch, đã được gia đình xin bệnh viện « rút ống » đưa về nhà lo hậu sự.

Mười lăm ngày sau đảo chính, quân đội tiến vào các thành phố để hỗ trợ cho cảnh sát, và Libération nhận ra một số đơn vị như sư đoàn 77 đã từng đàn áp « cuộc cách mạng áo cà sa » năm 2007. Chính quyền đe dọa rằng những công chức đình công có thể bị khởi tố. Tướng Min Aung Hlaing hôm qua 15/02 nói rằng cố gắng nhẹ nhàng, nhưng sẽ có biện pháp « đối với những ai làm tổn hại đất nước ».

Kể từ thứ Bảy 13/02, lực lượng an ninh có thể bắt bớ, khám nhà mà không cần có trát tòa. Chế độ kêu gọi dân chúng tố cáo « những kẻ đang lẩn trốn », trong đó có Min Ko Naing, một khuôn mặt đấu tranh dân chủ thời kỳ 1988 đã từng ở tù hơn một chục năm.

Quân đội có thể đang chuẩn bị đàn áp quy mô 

Theo Le Monde, « Một cuộc đàn áp quân sự quy mô lớn đang được chuẩn bị tại Miến Điện ». Những chiếc xe bọc thép tuần tiễu tại Rangoon từ hôm qua, một số trấn giữ tại những ngã tư chiến lược, sau khi tương đối để yên cho biểu tình suốt 9 ngày liên tiếp. Một lần nữa internet lại bị cắt trên toàn quốc và tối Chủ nhật, đến thứ Hai mới mở lại.

Những vụ bắt bớ trong đêm tại Rangoon hay Mandalay đã trở thành thường xuyên trong những ngày gần đây. Những người đấu tranh khẳng định một số cựu tù hình sự vừa được ân xá tuần qua được chế độ sử dụng để gieo rắc hỗn loạn tại các khu phố « nổi dậy ». Phóng sự của Libération dẫn lời một tài xế taxi, tỏ ra ngạc nhiên khi không thấy các quân nhân hành động, nhưng ngay sau đó nhận được video do một người bạn gởi đến : một chiếc xe jeep chở đầy người mang theo cờ xí, hát bài hát quân hành. Anh lo sợ : « Những người này ủng hộ quân đội, họ đến để gây mất trật tự ».

Hiện nay quân đội vẫn chưa vượt quá giai đoạn răn đe. Một số nhân viên y tế, công chức…tiếp tục ngưng làm việc. Tại sân bay Rangoon, mà những chuyến bay tiếp tế hết sức cần thiết cho một đất nước đang phong tỏa vì đại dịch, đang bị rối loạn vì một số nhân viên không lưu đình công. Hôm qua người ta trông thấy binh lính buộc các công nhân đường sắt và nhân viên ngân hàng đến nơi làm việc.

La Croix nhận định « Tại Miến Điện, quân đội khiêu khích để đàn áp ». Hơn 400 người, gồm luật sư, giáo viên, nghệ sĩ, bác sĩ, nhà đấu tranh…đã bị bắt kể từ khi nổ ra đảo chính. Một nhà báo ở Mandalay chia sẻ hình ảnh những quân nhân trang bị nhiều loại vũ khí trên đường phố, nhận xét : « Họ hăm dọa bằng sự hiện diện ban ngày, nhưng lại còn gây khủng hoảng cho người dân với việc bố ráp trong bóng tối ban đêm, trong khi vẫn đang giới nghiêm ». Trận bão đàn áp quân sự chỉ là vấn đề thời gian, có thể diễn ra trong những ngày gần đây.

#MiếnĐiện

- Quảng Cáo -