Con đường lãnh đạo của ông Trọng trong 5 năm sắp tới

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CVNS, tại đại hội 13. Ảnh: Reuters
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Việt Tân

Ngày 26 tháng Giêng, 2021, đại hội XIII của đảng CSVN bước vào ngày làm việc thứ hai với phần trình bày báo cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XII của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy được giới thiệu là báo cáo của khoá XII, nhưng với tư cách là tổng bí thư kiêm chủ tịch tiểu ban văn kiện – tài liệu của đại hội XIII, người ta có thể coi phần trình bày của ông Trọng đã tóm lược hướng đi của đảng CSVN trong 5 năm sắp tới. Nói là 1.570 đại biểu sẽ thảo luận và biểu quyết các hướng đi này nhưng thực tế thì ai cũng biết chắc chắn là họ sẽ biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao như thường thấy. Bởi vì như ông Trọng đã nói rằng các nội dung về văn kiện được thảo luận trong hơn 2 năm qua với 60 cuộc hội thảo lớn nhỏ, 50 đoàn công tác thăm dò ý kiến, quan điểm trong đảng. Chưa kể còn 80 bản báo cáo đúc kết hàng triệu ý kiến đóng góp được cô đọng trong 1.410 trang giấy. Nếu nhìn theo con số thì phải nói đây là một công trình vô cùng kiên nhẫn của giới “tinh hoa” trong đảng, vì họ đã phải nhai đi nhai lại những điều quá lỗi thời trong hàng chục năm qua, cố uốn nắn cách trình bày cho phù hợp với tình thế.

Năm năm tới đây, trong vai trò lãnh đạo đảng ở nhiệm kỳ thứ ba (2021-2026), ông Nguyễn Phú Trọng vạch ra chính sách của đảng CSVN sẽ đi như sau:

- Quảng Cáo -

Một là tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng để củng cố hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Phú Trọng vốn xuất thân là tiến sĩ ngành xây dựng đảng nên đây là ưu tiên số 1 và nằm trong mối quan tâm hàng đầu của ông. Tiếc thay, nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê ngày nay đã tiêu vong và Hồ Chí Minh thì không có tư tưởng nào ngoài tư tưởng bác Mao, bác Marx, bác Engels. Ông Trọng sẽ tiếp tục dùng kế sách đốt lò để triệt hạ các phe nhóm khác và đương nhiên khi không còn những tiếng nói đối lập trong đảng thì phe ông Trọng sẽ độc chiếm quyền lực.

Hai là đổi mới mô hình tăng trưởng, cụ thể là cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp theo hướng khoa học công nghệ 4.0. Tức là Việt Nam sẽ đi theo hướng phát triển công nghệ số để bắt kịp thế giới. Nói đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng vẫn dựa vào gia công xuất khẩu bên cạnh quốc doanh là chủ đạo, không dám đổi mới cơ chế chính trị thì chỉ là nói cho xôm trò. Vậy làm sao đẩy mạnh được công nghiệp để 5 năm sắp tới Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại. Hay đây chỉ là nối tiếp giấc mơ năm 2020 đã phá sản không kèn không trống.

Ba là khơi dậy tinh thần và ý chí quyết tâm phát triển với khát vọng phồn vinh, hạnh phúc trong nhân dân. Đây chỉ là dịp cho ông Trọng hô khẩu hiệu cho sướng miệng. Đảng đã hô hào hàng chục năm qua nhưng người dân chỉ thấy phồn vinh trên TV. Sự phồn vinh và hạnh phúc chỉ dành riêng cho giai cấp cán bộ đảng viên, những người nhờ cái mác cộng sản mà chiếm đoạt hết lợi lộc về mình và gia đình.

Bốn là phát huy nhân tố con người và con người là trung tâm để phát triển, phục vụ. Cho đến thế kỷ 21 đảng vẫn đề cao ba chữ “lấy dân làm gốc” và kêu gọi tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cái này phải coi lại vì hoàn toàn mang tính sáo ngữ đến lố bịch. Người Việt Nam trong những năm gần đây nhất thừa hiểu sự tôn trọng của đảng đối với người dân như thế nào. Báo cáo của các cơ quan theo dõi nhân quyền thế giới cho thấy trong 11 tháng từ đầu năm 2020, công an cộng sản đã thực hiện 60 vụ bắt giữ những công dân hoạt động ôn hoà và đem xử họ thật nặng theo Bộ Luật Hình Sự mới. Đó là chưa kể trong các nhà tù khắp nước còn giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm do “phát huy quyền làm chủ của người dân” trong mọi lãnh vực. Hoạt động của xã hội công dân bị triệt hạ, bị dán nhãn thế lực thù địch, đó chính là kiểu lấy dân làm gốc của đảng CSVN.

Năm là giữ vững độc lập, tăng cường quốc phòng, hội nhập quốc tế với các định hướng: đến năm 2025 xây dựng quân đội tinh gọn; năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại và bộ máy công an tinh nhuệ. Cái này thì có thể vì công an tinh nhuệ mới có thể khống chế các phong trào đòi dân chủ của người dân. Đảng phải nuôi công an bằng quyền lợi và quyền lực cao cho xứng đáng là “lá chắn và thanh kiếm sắc bén bảo vệ đảng.”

Sáu là phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chỉ là sáo ngữ và hô khẩu hiệu nhằm mục đích lừa gạt người dân. Trong thực tế, dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa hề tồn tại mà đó chỉ là cách chơi chữ của hình thái dân chủ tập trung hay nền dân chủ Xin-Cho. Vả chăng đối với đảng, đoàn kết dân tộc dưới những hình thức như mặt trận, phong trào, liên minh, liên hiệp chỉ là chiêu bài giai đoạn khi cần để biến  sức mạnh dân tộc thành sức mạnh của riêng đảng.

Bảy là quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đáng lý ra đảng nên coi đây là chính sách quan trọng phải đưa lên đầu tiên trong những chính sách cần giải quyết. Vì những đại gia Việt Nam cấu kết với cán bộ có chức có quyền hiện nay đã kiếm được bạc tỷ Mỹ Kim, nhờ vào sự quản lý đất đai lỏng lẻo và sự a tòng của chính quyền trong bao năm qua. Việt Nam trở thành nơi báo động về môi trường, ô nhiễm không khí, nguồn nước bị đầu độc, thiên tai bão lụt triền miên là do rừng đầu nguồn bị phá hoại nặng nề mà chưa có chính sách ngăn chặn, giải quyết.

Từ 7 hướng đi này, ông Nguyễn Phú Trọng muốn rằng đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; năm 2030 Việt Nam là quốc gia công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nước phát triển, thu nhập cao. Đây cũng chỉ là giấc mơ đẹp của ông Trọng, giống như ông Nông Đức Mạnh vào năm 2001 đã từng mơ rằng đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở quốc gia công nghiệp… tiên tiến.

Con đường ông Trọng vạch ra nói trên chỉ có thể thành công khi huy động được tiềm lực dân tộc do sự hưởng ứng, đóng góp của nhân tài Việt Nam ở khắp nơi. Và nhất là phải có một nền chính trị đa nguyên, thật sự lấy quyền lợi dân tộc làm chính, chứ không nhằm duy trì quyền lực độc tôn của đảng CSVN.

Nói cải tổ hay cơ cấu lại nền kinh tế theo hường hiện đại mà không cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ, coi quyền lực của dân là trung tâm thì không sự cải cách nào thành hiện thực. Ông Trọng vạch ra hướng đi trong 5 năm tới kiểu đó, không khác nào hướng đi của con kiến bò trên miệng chén mà thôi.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -