Nếu thực sự lắng nghe ý kiến nhân dân, đừng bỏ tù người phản biện ôn hòa!

- Quảng Cáo -

Triệu Tử Long – (VNTB) – Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói rằng phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

Báo chí tường thuật, sáng 26-1, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Báo cáo kiểm điểm đã khái quát, nêu rõ việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; về lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội; về lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng như về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ…

- Quảng Cáo -

“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên” – Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có đoạn viết như vậy.

Từ những khuyết điểm đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu 5 bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

Cụ thể của bài học “thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết” là gì?

Luật sư Trần Quốc Thuận, Đoàn Luật sư TP.HCM, đặt vấn đề trong một hội luận trên BBC: Thế nào là tự do ngôn luận và thế nào là tự do báo chí?

“Đọc ra thì đó là câu chuyện ấu trĩ tưởng ai cũng biết, nhưng rõ ràng vấn đề làm nó như thế nào? Thế nào là tự do báo chí? Tự do báo chí thì có tin người ta cứ đưa và người ta chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Ở Việt Nam thì không đơn giản. Đưa phải có định hướng, đưa phải có chỉ đạo. Tức là đưa mà trái ý, thì người đưa mà có thẩm quyền đi đứt trước” – luật sư Trần Quốc Thuận, bình luận.

“Hay tự do ngôn luận là có quyền lập diễn đàn phản biện lại? Còn bây giờ như tôi biết là các tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể có quyền là giám sát và phản biện. Nhưng sự giám sát và phản biện, người ta lại ngoáy vô cái chỗ là phản biện là phản biện những dự thảo văn bản của Đảng, của nhà nước, của luật pháp, như vậy thì gọi là góp ý, chứ sao gọi là phản biện được? Sao lại xài chữ nghĩa như thế được? Phản biện “dự thảo văn bản” – thì phản biện dự thảo văn bản là thế nào? Từ ‘góp ý’ chứ làm sao gọi là ‘phản biện’ được?

Có quyền phản biện những chủ trương mà đưa ra không thiết thực, thì người ta có quyền phản ứng, chống lại không? Thì ở Việt Nam là không được, làm cái đó coi chừng vi phạm pháp luật. Cho nên cái gọi là giám sát, phản biện cũng lững lờ. Còn giám sát là thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc, chứ không có phản biện độc lập.

Nếu ai không đồng ý cái gì, lên tiếng độc lập, thì cái đó cũng là không an toàn mà phải qua hệ thống tổ chức, như vậy hệ thống tổ chức, họ lọc hết. Làm sao mà có thể phản biện trung thực được?

Cho nên ở Việt Nam chữ nghĩa nó có, nhưng mà không có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó, không có cái luật như thế. Thì đó là điều cần phải đòi hỏi ở Việt Nam” – luật sư Trần Quốc Thuận biện giải từ thời gian trải nghiệm là Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng nếu ông Trần Quốc Vượng không phải mị dân khi cho là phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, thì nói một cách ngắn gọn là cần phải có báo chí tư nhân một cách minh bạch, rõ ràng.

Những nhà báo công dân như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn… cần được xem xét các bài báo của họ dưới góc nhìn dân sự, chấm dứt việc chính trị hóa các bài viết phản biện ôn hòa.

Và trên hết, phải có một sự kiểm soát bằng khung pháp luật chuẩn, để đảm bảo là người dân Việt Nam được hưởng một sản phẩm của tự do báo chí thực sự, qua đó sẽ là một kênh hữu hiệu giúp Đảng cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết dân tộc!” – một thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, kiến nghị.

- Quảng Cáo -