Đất nước không thiếu người tài

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu|

I-QUY LUẬT TỰ NHIÊN

1.Con chim sẻ thường được xem như là loài động vật bé nhỏ, yếu ớt. Vậy mà chỉ 15 ngày sau khi chào đời, con chim sẻ đã đủ lông cánh RA RÀNG. Đó là lúc chim sẻ tự bay dưới phong ba bão táp, tách khỏi đôi cánh ấp ủ của mẹ bố để độc lập kiếm sống. Mấy ai biết được, rằng bé như chim sẻ mà có thể bay nhanh đến 50 km/giờ vào lúc phải sống sót. RA RÀNG là quy luật tự nhiên của loài chim.

2. Mạnh mẽ như chúa sơn lâm sư tử, thì bố mẹ cũng không nuôi dưỡng con suốt trọn đời. Chỉ khoảng 2 năm sau khi chào đời, sử tử con tách đàn để tự kiếm sống trong suốt quãng thời gian chừng 15-20 năm tồn tại. Với những con sử tử đực, vì phải đánh nhau liên tục dành lãnh thổ và kiếm mồi mà tuổi thọ chỉ còn khoảng hơn một nửa so với con cái – chừng 10 năm.

- Quảng Cáo -

3. Rời khỏi bố mẹ, sống độc lập là quy luật tự nhiên. Con người cũng vậy. Khi đến tuổi dựng vợ gả chồng là bố mẹ cho ra ở riêng.

Vào thời điểm hiện nay, theo luật pháp Việt Nam thì nam 20 tuổi được lấy vợ, nữ 18 tuổi được lấy chồng. Như vậy nam 21 tuổi, và nữ 19 tuổi có con. Nam 42 tuổi lên ông và nữ 38 tuổi lên bà. Nam 63 tuổi và nữ 57 tuổi lên cụ (4 đời). Trên thực tế thì có nhiều người làm bố mẹ, ông bà và cụ còn sớm hơn các mức tuổi nêu trên. Với nam giới thì ở nhiều nơi có nhiều người lúc 40 tuổi đã lên ông, 60 tuổi lên cụ.

II-NHỮNG ĐIỀU TRĂN TRỞ

1.Nay trong lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, nhiều người ở vào lớp tuổi của các cụ (60 -65) vậy mà vẫn bị xem là chưa đủ tuổi “RA RÀNG”, chưa được chuyển giao ngay quyền lãnh đạo mà phải “dẫn dắc” thêm nửa nhiệm kỳ hay một nhiệm kỳ nữa mới yên tâm.

Ví như trường hợp ông Đỗ Mười (2/2/1917-1/10/2018) ở thêm hơn một năm sau Đại Hội VIII (28/6-1/7/1996) mới chuyển giao cho ông Lê Khả Phiêu đảm nhiệm (12/1997-4/2001). Ông Lê Khả Phiêu (27/12/1931-7/8/2020) lúc đó đã 66 tuổi.

2. Trước lúc ông Lê Khả Phiêu rời chức TBT, ở Đại Hội IX, đã đưa được một điều khoản chưa từng có trong Điều lệ Đảng là “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Điều lệ được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX thông qua ngày 22 tháng 4 năm 2001.

Điều khoản “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” trong Điều 17 lại được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011. Đây có thể xem là một dấu mốc quan trọng trong HẠN CHẾ THAM NHŨNG QUYỀN LỰC.

Hai nhiệm kỳ 10 năm là quá đủ thời gian để thi thố tài năng, vắt kiệt sáng tạo và sinh lực để cống hiến. Sau 2 nhiệm kỳ chỉ còn lại lối mòn và trì trệ.

3. Tiếp theo hạn chế 2 nhiệm kỳ là hạn chế khung tuổi không quá 65 khi cơ cấu vào các chức vụ chủ chốt thuộc nhóm “tứ trụ”: TBT, CTN, TT, CTQH.

Nhưng hạn chế khung tuổi đã bị phá vỡ. Ở Đại Hội XI xuất hiện 1 ngoại lệ sau 65 tuổi. Và 1 ngoại lệ được tiếp tục duy trì ở Đại Hội XII.

Ở Việt Nam thật khó dỡ bỏ điều đã tồn tại, ngoại trừ nó được mở rộng thêm. Ngoại lệ sau 65 tuổi ở Đại hội XI, XII chỉ có 1 trường hợp. Còn ở Đại hội XIII? Hãy chờ xem sau ít ngày nữa khi Đại hội XIII sẽ diễn ra (25/1 – 2/2/2021) là lúc các Đại biểu Đại Hội XIII quyết định có bao nhiêu ngoại lệ: 0, 1, hay nhiều hơn?

Mọi đề xuất của BCT, BCHTƯ khoá XII chỉ là đề xuất. Các đại biểu Đại Hội XIII mới là người quyết định. Đại Hội XIII phải tự quyết ai là UV BCH, ai là UV BCT, ai là TBT của khoá XIII.

III. ĐẤT NƯỚC KHÔNG THIẾU NGƯỜI TÀI. ĐIỀU CẦN HOÀN THIỆN LÀ THỂ THỨC BẦU CỬ

Có người viện dẫn Thủ tướng Malaysia 92 tuổi, Tổng thống Mỹ 78 tuổi – để biện minh cho ngoại lệ. Nhưng đó là tranh cử tự do. Đã tranh cử tự do bằng lá phiếu của toàn dân thì không hạn chế tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo, đảng phái.

Nhưng ở Việt Nam không phải là tranh cử toàn dân, cũng không phải tranh cử toàn đảng, cũng không phải tranh cử cục bộ. Không có tranh cử sòng phẳng nên mới viện vào tuổi tác để làm barie ngăn cản. Tuổi tác là hạn chế được sử dụng thường xuyên hiện nay trong thăng chức vụ – từ cấp phó phòng cho đến cấp cao nhất ở Việt Nam hiện nay.

Nhưng lấy thước đo tuổi tác để làm tiêu chuẩn thăng chức, một cách vô tình, đã tiêu diệt nhiệt huyết phấn đấu và làm lụi tàn tài năng.

Bởi lẽ, đó là sự xếp hàng tuần tự theo tuổi tác để bổ nhiệm thăng chức. Dẫu có tài năng, nhưng phía trước có người nhiều tuổi xếp hàng nhiều năm, thì chưa thể đến lượt. Khi đến lượt thì đã già, nhiệt huyết đã như ngọn đèn cạn dầu, tài năng thì không thể chói sáng.

Cho nên, tiêu chuẩn tuổi tác trong thăng chức, ứng cử, đề cử vào các chức vụ – phải được dỡ bỏ. Dỡ bỏ rào cản tuổi tác thì phải đi đôi với TRANH CỬ.

Tại sao phải từ chối tranh cử? Ai là người muốn từ chối tranh cử? Từ chối tranh cử có phải là cách để nắm giữ quyền lực? Trong các loại tham nhũng thì tham nhũng quyền lực là nguy hiểm nhất.

Nhưng trong khi chưa có tranh cử, phải viện đến rào cản tuổi tác, đã đặt ra luật rồi thì phải tuân theo luật. Đã theo luật thì không có ngoại lệ. Tại sao phải ngoại lệ? Đặt ra luật sao còn vi phạm? Ngoại lệ là đặc ân. Ngoại lệ là không sòng phẳng.

Đất nước 100 triệu dân trùng điệp những người tài mà không cần ngoại lệ. Ngay trong toàn đảng với hơn 5 triệu 100 ngàn đảng viên – cũng có nhiều người tài mà không cần đến ngoại lệ. Ngay chính những trường hợp ngoại lệ cũng có thể không cần đến ngoại lệ. Miễn là tranh cử tự do.

Không ai là ngoại lệ. Bậc cái thế càng không cần ngoại lệ. Quy luật của vũ trụ không có ngoại lệ. Ngoại lệ có thể giúp chim sẻ bay nhanh bay cao hơn đại bàng.

Điều mong đợi là sự sáng suốt và sự dũng cảm của các đại biểu Đại Hội XIII. Cờ đến tay ai người đấy phất./.

#đảngcsvn #đạihội13 #thamnhũngquyềnlực

- Quảng Cáo -