TIN RẤT XẤU! Chủng SARS-CoV-2 mới ở Nam Phi có thể gây đại dịch mới

Ảnh minh họa
- Quảng Cáo -

Vu Hong Nguyen|

một câu nói “khi con người tạo ra cái bẫy chuột tinh xảo thì tự nhiên sẽ tạo ra con chuột thông minh hơn”. Đây là quy luật của tự nhiên và nền tảng của thuyết tiến hóa khiến vạn vật trên thế giới luôn phải đấu tranh để tồn tại. Khi đại dịch COVID-19 kéo dài, virus vẫn tồn tại ở nhiều nơi và trong cơ thể của nhiều người thì chúng vẫn còn “cơ hội” để tiếp tục tiến hóa tạo ra các chủng khác nguy hiểm hơn. Cho đến nay dù đã có hơn 4 ngàn chủng đột biến đã được nhận diện bởi các nhà khoa học nhưng may mắn là các chủng này vẫn còn nằm trong “vòng kiểm soát”, kể cả chủng đột biến mới ở Anh, dù rằng đột biến N501Y trên protein S của chủng này làm cho chúng có thể làm tăng tốc độ lây lan lên đến 50-70% so với chủng cũ.

Tuy nhiên, một chủng đột biến mới gần đây được phát hiện ở Nam Phi, tên là SARS-CoV-2 501Y.V2, có lẽ đã “vượt ra khỏi tầm kiểm soát” hiện nay của con người và chứa đựng nguy cơ mang lại một đại dịch mới. Báo cáo khoa học mới đây của nhóm nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy rằng chủng này có nhiều sự thay đổi trên protein S, protein quan trọng đóng vai trò trong việc lây nhiễm của virus:

Ở vùng N của protein S có chứa 4 đột biến làm thay đổi amino acid (L18F, D80A, D215G và R246I) và 1 đột biến mất đoạn (Δ242-244).

- Quảng Cáo -

Ở vùng bám lên thụ thể tế bào người (Receptor Binding Domain, RBD) có chứa 3 đột biến làm thay đổi amino acid (K417N, E484K và N501Y).

Các đột biến trên đã làm thay đổi cấu trúc của protein S một cách “nguy hiểm” cho con người chúng ta. Trong các thí nghiệm được thực hiện để kiểm tra độ trung hòa của kháng thể và virus thì cho thấy chủng đột biến mới này “không còn được nhận biết” bởi các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) được dùng trước đó để bám lên protein S và thậm chí hỗn hợp kháng thể đa dòng (polyclonal antibodies) trong huyết tương của người đã từng nhiễm chủng cũ trước đó cũng khó mà nhận diện được nó! Khi protein S của chủng đột biến mới này không còn được nhận diện bởi các kháng thể trên thì khả năng chủng mới này có thể tái nhiễm lên người đã nhiễm chủng cũ là có thể dự đoán được và nguy hiểm hơn nữa là nó có thể làm cho các vaccine đang được sử dụng khẩn cấp hiện nay trở nên vô dụng!

Các nghiên cứu sâu hơn về chủng mới này cần được thực hiện để hiểu thêm về độc tính, độ lây nhiễm, phản ứng miễn dịch của cơ thể, v.v… Tuy nhiên, một động thái cô lập các vùng nhiễm chủng mới của Nam Phi có lẽ nên được thực hiện ngay để tránh lây lan và tạo một đại dịch mới! Các kết quả khoa học mới đây từ Nam Phi là một lời cảnh báo quan trọng về cuộc chiến của con người với đại dịch COVID-19 tưởng chừng như sắp kết thúc có thể trở nên phức tạp hơn. Mình chắc rằng các nhóm nghiên cứu vaccine COVID-19 trên thế giới cũng đang rốt ráo chuẩn bị phương án B để thay đổi lại cấu trúc vaccine cho phù hợp với chủng mới nếu cần thiết!

Mình hy vọng Việt Nam nên coi đây là mối quan tâm hàng đầu trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Việc nhập cảnh của những người đến từ Nam Phi nên được kiểm soát kỹ hơn, không để chủng mới này lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà sản xuất vaccine của Việt Nam cũng nên bắt đầu chuẩn bị cho các kế hoạch thiết kế lại vaccine của họ để đối phó với làn sóng mới (có thể xảy ra) của đại dịch.

Bảo trọng nhe bà con,

Bài viết liên quan trước đó:

Ngày 20 tháng 12 năm 2020 (Biến thể mới của virus nCoV ở Anh đáng lo ngại như thế nào?)

https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4105297352817938

Ts. Nguyễn Hồng Vũ,

Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA

Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Tài liệu tham khảo:

Constantinos Kurt Wibmer, Frances Ayres, Tandile Hermanus, Mashudu Madzivhandila, Prudence Kgagudi, Bronwen E Lambson, Marion Vermeulen, Karin van den Berg, Theresa Rossouw, Michael Boswell, Veronica Ueckermann, Susan Meiring, Anne von Gottberg, Cheryl Cohen, Lynn Morris, Jinal N Bhiman, Penny L Moore, 2021. SARS-CoV-2 501Y.V2 escapes neutralization by South African COVID-19 donor plasma. bioRxiv 2021.01.18.427166; doi: https://doi.org/10.1101/2021.01.18.427166

https://www.biorxiv.org/content/10.1101/2021.01.18.427166v1

Cele S, Gazy I, Jackson L, Hwa S-H, Tegally H, Lustig G, Giandhari J, Pillay S, Wilkinson E, Naidoo Y, Karim F, Ganga Y, Khan K, Balazs AB, Gosnell BI, Hanekom W, Moosa MYS, NGS-SA, COMMIT-KZN Team, Lessells R, de Oliveira T, Sigal A. 2021. Escape of SARS-CoV-2 501Y.V2 variants from neutralization by convalescent plasma. medRxiv, 250224v1

https://www.krisp.org.za/publications.php?pubid=316

- Quảng Cáo -