Phạm Minh Chính, 63 tuổi, nguyên là Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học kỹ thuật Bộ Công an. Ông được đồn đoán sẽ là ứng viên tân thủ tướng trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội.
Năm 1976, Phạm Minh Chính được cử làm lưu học sinh tại Bucharest, Romania. Ông học tiếng Romania và nhập học chuyên ngành Xây dựng tại Đại học Xây dựng Bucarest (UTCB), đến năm 1984, ông tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng. Năm 2000, ông bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Luật. Ngày 09 tháng 03 năm 2010, được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam phong học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Luật.
Năm 1984, Phạm Minh Chính tốt nghiệp đại học ở Romania, trở về nước, bắt đầu sự nghiệp của mình. Ông được phân công làm Nghiên cứu viên Khoa học tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ.
Đến năm 1989, ông được điều động sang công tác tại Bộ Ngoại giao, làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Romania. Đây là thời điểm mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Romania và cả xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ông công tác ở Đại sứ quán với nhiệm vụ trực tiếp xem xét, đánh giá sự biến chuyển của các nước Đông Âu, phục vụ cho đường lối của Việt Nam trong thời kỳ này.
Năm 1996, ông được điều trở lại Việt Nam, công tác tại Bộ Nội vụ, chuyển thể thành Bộ Công an năm 1998. Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Thư ký Tổng hợp Văn phòng Bộ Công an; Phó Cục trưởng phụ trách Cục, rồi Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học kỹ thuật Bộ Công an (Cục B32).
Năm 2006, Phạm Minh Chính được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Những năm này, ông còn kiêm nhiệm vị trí Chuyên viên Cấp cao Văn phòng Chính phủ, là giảng viên đại học, giảng dạy tại các trường công an như Học viện An ninh nhân dân.
Ngày 3 tháng 2 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định bổ nhiệm ông Phạm Minh Chính giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an.
Trong cùng năm, đến ngày 16 tháng 7, ông được Thủ tướng Chính phủ quyết định thăng cấp bậc hàm từ Thiếu tướng lên Trung tướng Công an. Phạm Minh Chính có lịch sử thăng cấp hàm bậc tướng Thiếu tướng, Trung tướng đều cùng các đợt với Tô Lâm. Ngày 12 tháng 8 năm 2010, ông được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an.
Hoạn lộ chính trị của ông Phạm Minh Chính có giai đoạn đưa đến phản ứng dữ dội của dân chúng qua việc ông được xem là người tìm mọi cách thúc đẩy thực hiện kế hoạch dự luật đặc khu tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Thời gian đó, nhà báo Phạm Chí Dũng đã có những nhận định bước đầu về vai trò của đặc khu ở Việt Nam, như sau:
“Đặc khu chính là môi trường vô cùng thông thoáng để rửa tiền, mà cơ quan pháp luật không thể làm gì khác. Chưa kể là trong đặc khu có thể sản xuất vũ khí, nói chung là kinh doanh trái pháp luật khá nhiều chuyện mà phap luật không thể sờ gáy được.
Có một điều cực kỳ nguy hiểm ở mặt đối ngoại là đã có những nhà đầu tư chiến lược nhắm sẵn đặc khu rồi. Trong những nhà đầu tư đó có những nhà đầu tư bị nghi ngờ lớn là có quan hệ chân trong chân ngoài với nước ngoài, chính xác là với Trung Quốc”.
Cũng có ý kiến rằng với một tướng tình báo như Phạm Minh Chính, ông tất hiểu rõ vị thế địa chính trị ở nơi chọn làm đặc khu. Bởi Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc.
Giả dụ nếu đúng như đồn đoán, một trong tứ trụ là Phạm Minh Chính, thì liệu dự luật đặc khu sẽ tái hồi sinh, và rồi sẽ nằm trong quỹ đạo chiến lược “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh?
#PhạmMinhChính #đặckhuVânđồn