Cuộc chiến xoay quanh lỗ thủng tầng ozone, giữa sự thật và những người “sợ thật”.
Bên cạnh cuộc chiến chống lại các bằng chứng khoa học về tác hại của mưa axít như đã đề cập ở kỳ trước, một mặt trận khác cũng được mở ra, với cùng đội hình chiến binh, để bôi xóa một thảm họa môi trường mới có bàn tay của con người trong đó.
Chương bốn trong quyển sách “Merchants of Doubt” mô tả lại cuộc chiến xoay quanh lỗ thủng tầng ozone.
“Lỗ hổng” hay “lỗ thủng” là cách nói giản lược để chỉ hiện tượng tầng ozone, lớp không khí có tác dụng che chắn phần lớn bức xạ mặt trời chiếu đến trái đất, bị “vát mỏng” đến mức không còn tác dụng bảo vệ các sinh vật trên hành tinh.
Lỗ hổng tầng ozone đầu tiên được phát hiện tại một khu vực ở Nam Cực, theo công bố năm 1985 của tổ chức Khảo sát Nam Cực Vương quốc Anh (British Antarctic Survey).
Các bằng chứng đầu tiên về lỗ thủng đã được phát hiện từ trước đó tận bốn năm. Một cách thận trọng, những nhà nghiên cứu âm thầm quay trở lại Nam Cực mỗi năm sau đó để thu thập và thẩm định dữ liệu mới. Các chứng cứ đều khẳng định phát hiện của họ là chính xác.
Đây là phát hiện chấn động, không chỉ với dư luận mà cả giới khoa học. Tất cả đều nghĩ là những nỗ lực của mình nhiều năm trước đã tránh được thảm họa.
Phát hiện chấn động về CFC
Những lo ngại và tranh cãi đầu tiên về tầng ozone đã xuất hiện từ những năm 1970, khi các nhà khoa học bắt đầu giám sát các thay đổi trong khí quyển. Các bằng chứng chỉ ra rằng hơi nước thải ra từ các động cơ máy bay, vốn là một loại khí nhà kính giống như CO2, sẽ gây hại đến tầng bình lưu (stratosphere) của khí quyển.
Các phát hiện này gây tranh cãi lớn, và khiến cho chính quyền lưu tâm đến việc giám sát tác động môi trường hơn.
Theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (National Environmental Policy Act) ban hành năm 1970, các cơ quan phải chuẩn bị Báo cáo Tác động môi trường của các dự án để trình phê duyệt.
Dự án tàu con thoi của NASA nằm trong số đó. Họ mời hai nhà khoa học là Ralph Cicerone và Richard Stolarski hợp tác để nghiên cứu về phần tác động đến khí quyển trong báo cáo.
Kết luận của hai nhà khoa học này không hề lạc quan: động cơ đẩy của tàu con thoi sẽ thải ra chlorine trực tiếp vào tầng bình lưu. Vào thời điểm đó, người ta đã biết chlorine là một nguyên tố có khả năng phá hủy tầng ozone.
Báo cáo này ban đầu bị cơ quan phụ trách phát triển phi thuyền ở Houston cho “chìm xuồng”.
Cicerone và Stolarski, lo ngại trước nguy cơ đối với sức khỏe của tầng ozone, quyết định trình bày báo cáo về tác động của chlorine đến từ các hoạt động của núi lửa, tại một hội nghị ở Kyoto, Nhật Bản.
Núi lửa phun trào tạo ra chlorine, nhưng đây không phải mối bận tâm của các nhà khoa học. Tác động của nó đến khí quyển là không đáng kể. Lý do họ phải mượn núi lửa để nêu lên tác hại của chlorine là vì NASA đã yêu cầu họ không tiết lộ gì về các dự án phi thuyền lẫn sự liên quan của NASA.
Phải vài năm sau đó, tổng hành dinh của NASA mới quyết định khai quật bản báo cáo, khi họ không còn có thể giấu được nữa.
Trong một hội nghị ở Kyoto, Paul Crutzen, một nhà khoa học Hà Lan, cũng đã trình bày nghiên cứu riêng về tác hại của chlorine.
Vài tháng sau hội nghị, Nature, tạp chí khoa học uy tín của Anh, công bố nghiên cứu của Sherwood Rowland và Mario Molina về nguy cơ hợp chất CFC (chlorofluorocarbons) – vốn được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp – thải ra một lượng lớn chlorine monoxide vào tầng bình lưu.
Vào năm 1970, nhà khoa học người Anh James Lovelock đã ghi nhận mật độ tập trung cao của CFC tại tầng đối lưu (troposphere) – tầng bên dưới của bình lưu. Theo ước tính của Lovelock, hàng tỷ kilogram CFC đã được sản xuất và sử dụng vẫn đang lơ lửng trong khí quyển.
Nếu điều này là đúng, theo thời gian, lượng CFC này sẽ di chuyển lên tầng bình lưu. Tại đây, theo kết luận của Rowland và Molina, dưới tác động của bức xạ tia cực tím, CFC sẽ chuyển hoá thành hợp chất fluorine và chlorine, từ đó góp phần phá hủy ozone.
CFC vào thời điểm trên được dùng phổ biến rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất, với các thiết bị thông dụng từ tủ lạnh cho đến keo xịt tóc.
Phát hiện trên vì thế gây bão lớn trong công luận.
Không ai nghĩ thứ sản phẩm làm đẹp vô hại như keo xịt tóc lại có thể làm ăn mòn khí quyển, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư da.
Giới khoa học nhập cuộc rầm rộ để tìm hiểu về vấn đề nghiêm trọng này.
Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ tổ chức ngay hội thảo và thành lập ủy ban khảo sát toàn diện. Quốc hội Mỹ cũng nhanh chóng tổ chức các buổi điều trần về tác hại của CFC và các vấn đề khác ảnh hưởng đến tầng ozone.
Ngành công nghiệp phun xịt (aerosol industry) cũng vào cuộc để bảo vệ mình.
Giống như câu chuyện về thuốc lá và mưa axit, cuộc chiến giữa sự thật và những người “sợ thật” lại bắt đầu.
Bổn cũ soạn lại
Rất nhanh chóng, ngành công nghiệp phun xịt trị giá hàng tỷ đô lập ra các tổ chức PR với mục đích “bảo vệ sản phẩm”, chi hàng triệu đô tài trợ cho các nghiên cứu riêng về CFC.
Những tổ chức PR được đặt cho những cái tên đầy màu sắc “lợi ích cộng đồng” như “Cơ quan Giáo dục” (Aerosol Education Bureau) và “Hội đồng Khoa học Khí quyển” (Council on Atmospheric Sciences).
Cùng một chiêu thức dùng khoa học đánh khoa học, ngành công nghiệp phun xịt mời những nhà khoa học “bất đồng quan điểm” để gieo rắc nghi ngờ, phủ định tất cả những bằng chứng khoa học về tác hại của CFC.
Richard Scorer, một giáo sư người Anh, được mời tổ chức tour đi các thành phố của nước Mỹ để diễn thuyết. Ông lặp đi lặp lại luận điểm mà vài chục năm sau những người chống lại các chính sách bảo vệ môi trường vẫn luôn ra rả: các hoạt động của con người quá “bé nhỏ” để có thể tác động thay đổi môi trường, trong trường hợp này là bầu khí quyển.
Scorer cho rằng những đánh giá tác động về các chất gây hại đến bầu khí quyển chỉ là “dọa ma” (scare story).
Khi tờ Los Angeles Times đăng bài công khai mối quan hệ giữa Scorer và ngành công nghiệp, gọi ông là “nhà khoa học đánh thuê” (scientific hired gun), Scorer nhanh chóng bị bỏ rơi vì mất đi chiếc mặt nạ “độc lập” và “khách quan”.
Nhưng các nhà tư bản công nghiệp không thiếu nguồn lực và sự kiên định để đánh phá các chứng cứ khoa học bất lợi cho mình.
Họ chĩa mũi dùi về… núi lửa. Rằng núi lửa khi phun trào thải ra hàng đống tro, bụi và khí, trong đó có chlorine. Rằng chlorine từ núi lửa tồn tại trong khí quyển và di chuyển đến tầng bình lưu. Rằng với lượng chlorine nhiều như vậy trong khí quyển mà tầng ozone vẫn chưa sao cả, thì CFC thải ra không ăn thua gì.
Trước đó, giới khoa học đã nghiên cứu và biết được rằng khi núi lửa phun trào, ngoài magma, nó còn phun ra rất nhiều hơi nước, và tạo ra mưa sau khi hoặc ngay trong quá trình phun. Chlorine lại dễ dàng hòa tan trong nước. Vì thế một lượng lớn chlorine trôi theo mưa ngay lúc đó, không lên được trên cao.
Bất chấp điều này, cho tới tận vài chục năm sau, người ta vẫn lặp đi lặp lại luận điểm rằng núi lửa mới là thủ phạm gây hại nhiều nhất cho ozone.
Những người ủng hộ cho ngành công nghiệp kiên trì bất khuất tạt nước lạnh trước từng bằng chứng khoa học một.
Ban đầu họ phủ định sự tồn tại của CFC trong tầng bình lưu của khí quyển. Rồi họ phủ định hợp chất này sẽ tách ra tạo thành chlorine. Và lại phủ định tiếp là cho dù nó có tách ra, chlorine cũng không gây hại đến tầng ozone.
Chứng minh từng bước một
Trong khi đó, các nhà khoa học tiếp tục miệt mài tìm bằng chứng xác thực để tiến gần hơn đến sự thật.
Một nghiên cứu được công bố cho thấy mật độ CFC tại tầng bình lưu ở khu vực New Mexico tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1975, chứng minh CFC có di chuyển lên đến tầng bình lưu.
Vài tháng sau, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ đo đạc lượng CFC tại độ cao mà, theo dự báo vài năm trước đó của Sherwood Rowland và Mario Molina, nó sẽ tách ra. Họ thu được kết quả đúng là mật độ CFC giảm theo độ cao.
Các nhà khoa học tại Cơ quan Tiêu chuẩn Quốc gia thì chứng minh được qua thí nghiệm trong phòng lab rằng, dưới tác động của tia cực tím, CFC tách ra tạo thành chlorine như mô hình của Rowland và Molina chỉ ra.
Bằng chứng không thể chối cãi cuối cùng là việc “bắt” được chlorine monoxide (ClO) tại tầng bình lưu.
Mô hình dự báo rằng tại tầng bình lưu, chlorine sẽ “ăn bớt” một nguyên tử oxygen của phân tử ozone (O3), tạo thành ClO và phân tử oxy (O2).
Trước đó các nhà khoa học thu thập các mẫu khí bằng việc gửi những bình chứa lên cao, thu khí vào, đóng kín, lấy về nghiên cứu. Cách này không bắt được ClO vì nó phản ứng với phần thành vỏ của bình chứa và biến mất.
Một nhà khoa học trẻ tên James Anderson đã giải quyết vấn đề này bằng một công cụ chuyên dụng: cho luồng khí lưu thông liên tục qua thiết bị, đảm bảo luôn có lượng khí ở giữa không bị tác động vào thành thiết bị, và dùng tia laser để xác nhận sự tồn tại của ClO. Kết quả đã xác thực sự tồn tại của ClO trên tầng bình lưu.
Mọi bằng chứng đều xác nhận mô hình dự báo của Rowland và Molina và các nhà khoa học khác.
Tung hỏa mù
Năm 1975, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ được chính phủ giao nhiệm vụ thành lập hai ủy ban thẩm tra các vấn đề về tầng ozone, với thời hạn báo cáo là tháng 4/1976.
Các dữ liệu và chứng cứ khoa học mới được tung ra dồn dập khiến những nhà khoa học trong các ủy ban xoay trở không kịp. Họ quyết định dời thời hạn báo cáo để kiểm tra xác thực những thông tin mới.
Các cơ quan chính phủ không đồng ý với quyết định trì hoãn này vì nó đồng nghĩa với việc phải tốn thêm kinh phí. Chủ tịch Viện Hàn lâm kiên quyết, hoặc hủy bỏ hoàn toàn bản báo cáo, hoặc phải có thêm thời gian nghiên cứu rõ ràng.
Chính phủ nhượng bộ, còn ngành công nghiệp hóa học hân hoan, tổ chức họp báo vào tháng 5/1976 tuyên bố rằng các dữ liệu mới chứng tỏ nguy cơ đối với tầng ozone là “gần như bằng không”.
Bốn tháng sau, tháng 9/1976, khi báo cáo cuối cùng của hai ủy ban được công bố, các nhà khoa học khẳng định lại nguy cơ của CFC đối với bầu khí quyển. Cho dù thấp hơn các dự báo trước đó, nhưng sự thật là càng thải nhiều CFC vào khí quyển, lớp ozone sẽ càng bị ăn mòn.
Ủy ban cũng chỉ ra còn nhiều vấn đề khoa học cần được tiếp tục nghiên cứu, nhưng mọi chứng cứ cần thiết để hành động, đưa ra các chính sách kiểm soát CFC đã đủ. “Nhiều nhất chỉ có thể trì hoãn thêm hai năm nữa” – họ nói rõ.
Ngành công nghiệp phun xịt hóa chất lập tức dùng câu trên để biến tấu, rằng chính phủ không nên ban hành bất kỳ chính sách kiểm soát nào trong “ít nhất hai năm nữa”.
Họ còn khẳng định bản báo cáo của ủy ban chỉ cho thấy là “chúng ta không biết chuyện gì đang xảy ra, không biết rằng những thứ chúng ta đang theo dõi đo đạc đó có liên quan tới những vấn đề có thể xảy ra hay không, nhưng chắc chắn một điều là sẽ không có bất kỳ chuyện gì xấu xảy ra trong vài năm tới.”
Bất chấp nỗ lực tung hỏa mù đó, chính phủ Mỹ vẫn quyết định thông qua luật cấm sử dụng CFC vào cuối thập niên 1970. Người dân cũng thay đổi thói quen sử dụng, tẩy chay phần lớn sản phẩm có dính tới CFC.
Mọi người, trừ ngành công nghiệp hóa chất, đều thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng tầng ozone sẽ được bảo vệ.
Cho tới khi các nhà khoa học Anh công bố phát hiện về lỗ hổng tại Nam Cực vào năm 1985.
Cộng đồng khoa học nhập cuộc
Phát hiện này khiến nhiều nhà khoa học khác nghi ngờ, vì nếu có lỗ hổng tồn tại với kích thước lớn như vậy, vệ tinh theo dõi của NASA lẽ ra phải phát hiện ra từ sớm.
Richard Stolarski, nhà khoa học đã từng được NASA mời nghiên cứu về tác hại của động cơ đẩy thải ra chlorine, quyết định kiểm tra lại toàn bộ dữ liệu khảo sát của vệ tinh.
Ông phát hiện ra vệ tinh đúng là đã phát hiện lỗ hổng ozone từ trước.
Vấn đề nằm ở chỗ, vệ tinh thu thập dữ liệu tự động, các số liệu này được phần mềm máy tính xử lý, quy trình xử lý được những lập trình viên đưa ra, và khi lập trình, họ đã quy tất cả những dữ liệu về ozone ở mức dưới 180 đơn vị Dobson là “lỗi” thiết bị”. Lý do đơn giản vì cho tới thời điểm trên chưa có trường hợp nào như vậy được ghi nhận, và các mô hình lý thuyết đều không đề cập đến.
Không ai nghĩ rằng ozone có thể bị phá hủy tới mức độ đó.
Các nhà khoa học rà soát lại dữ liệu và xác nhận lỗ hổng tầng ozone lớn hơn nhiều so với công bố của nhóm nghiên cứu người Anh. Nó bao quát toàn bộ khu vực Nam Cực.
Không ai dám chắc nó chỉ nằm yên ở Nam Cực, nơi gần như không có người ở, mà không tiếp tục lan rộng ra những khu vực đông đúc dân cư như Úc và Nam Mỹ.
Cộng đồng khoa học được huy động bắt tay ngay vào việc. Các đội khảo sát được gửi đến Nam Cực trực tiếp tiến hành đo đạc thử nghiệm.
Kết luận của nhóm đầu tiên vào năm 1986: các chứng cứ cho thấy khả năng cao lỗ hổng này là kết quả của CFC như những mô hình trước đó đã dự báo.
Đa số các nhà khí quyển học (atmospheric scientists) đồng ý với nhận định này.
Nhưng một số nhà khí tượng học (meteorologists) có cách giải thích khác. Họ tin rằng các dòng khí từ tầng đối lưu di chuyển lên tầng bình lưu, mang theo lượng ozone thấp lên trên, tạo ấn tượng về một lỗ hổng, mà trên thực tế theo họ là không có lỗ hổng nào cả.
Nhóm đầu tiên không có đủ thiết bị lẫn kiến thức chuyên môn để kiểm chứng tất cả giả thuyết.
Nhóm thứ hai được NASA và các cơ quan chính phủ Mỹ huy động vào cuối năm 1987 với hai chuyên cơ, chở bốn trăm nhà khoa học, gần như tập hợp đầy đủ tất cả các chuyên gia trong ngành, bay xuống Nam Cực thu thập dữ liệu tại chỗ mỗi ngày.
Họ tìm ra câu trả lời, một cơ chế phức tạp nhưng không có gì bí ẩn.
Lỗ hổng là tác phẩm của nồng độ chlorine cao sinh ra từ CFC cộng với điều kiện khí tượng đặc biệt tại Nam Cực.
Tại đây, không khí cực lạnh sinh ra các đám mây làm từ tinh thể băng (ice crystals). Các cơn lốc mạnh thổi quanh khu vực (polar vortex) nhốt không khí lạnh tại một chỗ. Các tinh thể băng có tác dụng đẩy mạnh những phản ứng hóa học sinh ra chlorine, còn gió lốc xoay quanh vùng cực ngăn những luồng không khí từ các độ cao khác trộn vào.
Kết quả là khi mặt trời xuất hiện vào mùa xuân, nồng độ chlorine tập trung cao hơn bất kỳ mô hình nào trước đó, và kéo theo là mức ozone thấp hơn mọi mức dự báo.
Bằng chứng hiển hiện thu thập được là nồng độ chlorine cao tương ứng với mức độ ozone thấp.
Hoàn thành xong nhiệm vụ ở Nam Cực, các nhà khoa học không được nghỉ ngơi lâu.
Chưa đầy một năm sau đó, họ lại phải tập hợp và bay hàng chục chuyến lên Bắc Cực, khi tại đây có bằng chứng cho thấy nồng độ chlorine monoxide còn cao hơn cả ở Nam Cực.
Sau nhiều tháng khảo sát nghiên cứu, họ kết luận rằng tầng ozone ở Bắc Cực chưa bị “thủng” vì may mắn là khu vực này không lạnh như và gió lốc cũng không mạnh bằng Nam Cực.
Các nỗ lực miệt mài cùng bằng chứng rõ ràng của giới khoa học khiến các chính phủ phải hành động.
Công ước Vienna (Vienna Convention) về việc Bảo vệ Tầng Ozone được lập năm 1985, do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tài trợ, ban đầu không đặt ra bất kỳ hạn chế nào về việc sử dụng CFC. Phải mất hơn hai năm sau đó, UNEP mới đạt được sự đồng thuận từ các quốc gia về việc cắt giảm CFC.
Nghị định thư Montreal về Các chất Phá hoại Tầng Ozone (Montreal Protocol) ra đời, xác lập mức cắt giảm 50% CFC cho các quốc gia.
Một điểm quan trọng và tiến bộ của của nghị định thư là việc yêu cầu các quốc gia thành viên phải họp mặt vài năm một lần để xem xét các chứng cứ khoa học mới và điều chỉnh nội dung cắt giảm.
Chính nhờ vào điểm này mà khi giới khoa học tiếp tục xác thực các vấn đề về ozone ở những khu vực khác (như Bắc Cực), nghị định thư đã được cập nhật vào năm 1990, cấm hoàn toàn việc sản xuất CFC cũng như các loại hóa chất khác có thể sản sinh ra chlorine ở tầng bình lưu của khí quyển. Thời hạn chấm dứt việc sử dụng CFC được đặt ra vào năm 2000. Lộ trình chấm dứt các loại hóa chất khác được xác lập từ năm 2005 đến 2040.
Bất chấp các bằng chứng khoa học, vẫn có những người muốn dùng tay che mắt mình để bịt lỗ thủng.
“Người hùng” tiếp tục cơn điên chống khoa học
Fred Singer, vị “anh hùng” một mình chống lại toàn bộ các nhà khoa học trong nhóm làm việc về mưa axít của chính quyền Reagan, lúc này đang giữ chức nhà khoa học trưởng của Bộ Giao thông Mỹ.
Một lần nữa, Singer tiếp tục đi đầu lên tiếng bác bỏ toàn bộ giới khoa học về vấn đề khí quyển, dù ông không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Singer viết bài đăng trên trang nhất của Wall Street Journal chất vấn “nỗi sợ hão về ozone” (ozone scare). Mặc dù thừa nhận rằng lớp ozone bị thủng, Singer cho rằng đó chỉ là vấn đề “cục bộ và tạm thời”, đồng thời bác bỏ bất kỳ bằng chứng nào về hậu quả do CFC gây ra.
Ông quả quyết có những nhà khoa học tin rằng ozone không hề mất đi mà chỉ chạy từ chỗ này sang chỗ khác theo các dòng dịch chuyển trong khí quyển, tạo ấn tượng về lỗ hổng trong vài tuần, sau đó nó sẽ trở lại như cũ.
Singer cũng dùng lại lập luận đánh lạc hướng quen thuộc của ngành thuốc lá, rằng tia cực tím không phải là tác nhân duy nhất gây ra ung thư da mà có hàng tá tác nhân khác, từ virus, di truyền đến thay đổi lối sống lẫn thực phẩm.
Ông cáo buộc giới khoa học muốn dọa công luận trước các thảm họa môi trường để tìm cách câu tiền tài trợ cho các dự án nghiên cứu của họ. Điều nghịch lý là nếu các nhà khoa học muốn “ăn tiền tài trợ”, họ không dại gì đưa ra kết luận nào, mà sẽ học theo chính những người như Singer, luôn câu giờ bằng chiêu thức “chưa đủ chứng cứ, cần nghiên cứu thêm”.
Không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, Singer nhặt ghép những mẩu thông tin từ các nhà khoa học khác và bẻ cong nó theo ý đồ của mình. Các tạp chí khoa học uy tín tất nhiên không chấp nhận đăng tải những luận điểm xào nấu của Singer.
Không được giới khoa học để tâm, Singer tìm đến sân khấu trên các diễn đàn như National Review và Washington Times (không phải tờ Washington Post nổi tiếng), những tờ báo được các tổ chức bảo thủ lập ra.
Trong suốt nhiều năm sau đó, Fred Singer tiếp tục nhào nặn ra đủ loại lập luận để bác bỏ các bằng chứng của cộng đồng khoa học về vấn đề ozone. Nỗ lực của ông được chắp thêm cánh với sự tham gia của những người đồng hành khác. Trong đó có Dixy Lee Ray.
Năm 1990, Dixy Lee Ray xuất bản một quyển sách về môi trường với tựa đề rất thu hút, “Làm bẩn hành tinh: Khoa học có thể giúp gì được cho chúng ta khi đối mặt với Mưa axít, Suy giảm tầng ozone, và Chất thải hạt nhân (cùng những chuyện khác)”.
Dixy Lee Ray là một người vừa có tiếng tăm trong giới khoa học, vừa có chân trong giới chính trị. Bà là một nhà động vật học, từng đứng đầu Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, và từng làm thống đốc bang Washington.
Quyển sách của Ray được xuất bản vào những năm cuối đời, và bà gọi nó là nỗ lực để “tách bạch lý-sự-thật với lý-sự-cùn” (fact vs. factoid) trong vấn đề môi trường.
Vấn đề ở chỗ, “sự thật” mà Ray dẫn ra lại có nguồn gốc từ Fred Singer, người mà Ray cho là một trong hai nguồn duy nhất có “đóng góp thiết yếu, quan trọng” trong nghiên cứu về suy giảm tầng ozone và trái đất nóng lên.
Dựa vào những bài viết của Singer, một người không có chuyên môn gì trong lĩnh vực môi trường, Dixy Lee Ray lặp lại khẳng định rằng CFC không phải tác nhân chính trong việc chọc thủng tầng ozone. Thủ phạm ở đây là núi lửa.
Ám ảnh về núi lửa của Ray có lẽ một phần đến từ việc trong thời gian làm thống đốc, bà từng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở bang mình vì đợt phun trào gây thiệt hại nặng nề từ ngọn núi St. Helens vào năm 1980.
Ba năm sau, năm 1993, Ray xuất bản thêm một quyển sách khác. Lần này bà đi xa hơn khi khẳng định CFC quá nặng, không thể bay lên tới tầng bình lưu được.
Sự chú ý của công luận dành cho những thông tin đi ngược lại hoàn toàn với các bằng chứng khoa học khiến những người như Sherry Rowland phải lên tiếng phản bác.
Rowland dẫn chứng ngọn núi lửa El Chichón phun trào vào năm 1982 chỉ làm tăng chưa tới 10% lượng hydrogen chlorine trong tầng bình lưu, và năm 1991, đợt phun trào lớn hơn của ngọn Pinatubo còn tạo ra ít lượng chlorine hơn. Điểm mấu chốt là trong khoảng thời gian chín năm giữa hai đợt phun trào đó, khi không có ngọn núi lửa nào cất tiếng, lượng hydrogen chlorine trong khí quyển vẫn tăng dần đều. Nó chứng tỏ phần lớn lượng chlorine trong tầng bình lưu không đến từ các ngọn núi lửa.
Bất chấp điều đó, Singer vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại “chlorine trong tầng bình lưu phần lớn có nguồn gốc từ tự nhiên” mà không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào.
Singer còn xuất hiện trước Quốc hội vào tháng 9/1995, trong buổi điều trần về các vấn đề khoa học liên quan đến môi trường do Đảng Cộng hòa tổ chức.
Tại đây ông lớn tiếng lặp lại các cáo buộc đối với những nhà khoa học khác, rằng họ “bịp bợm”, “lừa dối” công luận, và rằng “giới khoa học không có sự đồng thuận thống nhất về vấn đề suy giảm tầng ozone hoặc các hậu quả của nó”.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, một sự kiện xảy ra như giáng một cái tát vào mặt Singer: Sherry Rowland, cùng với Mario Molina và Paul Crutzen, được trao giải Nobel Hóa học năm 1995 cho những đóng góp về nghiên cứu tầng ozone.
Nổi giận, Singer tấn công luôn cả hội đồng trao giải Nobel, gọi việc trao giải trên là có “ý đồ chính trị” (political statement). Ông cảnh báo cả đất nước này đang “nổi cơn điên tập thể” về môi trường.
Cơn điên là có thật. Nhưng nó rõ ràng không phải đến từ những người làm khoa học.
Kỳ tới: Xóa tội cho hóa chất gây hại