Âm nhạc Việt Nam có những sự kết hợp đôi đặc biệt khi một số ca sĩ gắn liền với một nhạc sĩ hay bản nhạc nào đó. Nhắc đến người nhạc sĩ hay bản nhạc nào đó là nhắc đến ca sĩ và ngược lại. Như Thái Thanh với Phạm Duy, Khánh Ly với Trịnh Công Sơn, Sơn Ca, Họa Mi cùng Hoàng Thi Thơ, Lê Uyên trong Lê Uyên Phương…
Còn các ca sĩ khác thì hầu hết cũng định hình danh tiếng và gắn vào một hay đôi bản nhạc nào đó. Như Chế Linh với Thành Phố Buồn của Lam Phương, Phương Dung với Nỗi Buồn Gác Trọ của Hoài Linh-Mạnh Phát hay Elvis Phương với Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang của Ngọc Chánh-Phạm Duy… Có thể kể thêm nhiều tên tuổi và bản nhạc như vậy.
Chỉ có danh ca Lệ Thu là một trong những ngoại lệ hiếm hoi. Đầy ưu ái. Bởi nhắc đến Nước Mắt Mùa Thu, Mùa Thu Chết của Phạm Duy là nhắc đến bà. Nhắc đến Hoài Cảm của Cung Tiến không thể quên bà. Nhắc đến Thu Hát Cho Người của Vũ Đức Sao Biển thì còn ai khác bà. Nhắc đến Lệ Đá của Trần Trịnh-Hà Huyền Chi cũng là tên bà. Ca sĩ Lệ Thu.
Không chỉ vậy, Lệ Thu thậm chí còn “cạnh tranh” cả với không ít những ca sĩ khác khi họ đã trình bày thành công và “cầu chứng” tên mình vào bản nhạc trước đó. Như Hạ Trắng qua tiếng hát Khánh Ly trong nhạc Trịnh Công Sơn, như “Dạ Khúc cho tình nhân” với Lê Uyên trong nhạc Lê Uyên Phương. Giọng ca riêng biệt của bà đã cho chúng một cái hồn, một hơi thở khác thường để gắn tên mình thêm vào những bản nhạc này. Hay nhiều bản nhạc khác.
Nhưng chắc chắn, và không phải cuối cùng, phải kể đến tình khúc “Xin Còn gọi tên nhau” và những ca khúc khác của nhạc sĩ Trường Sa. Điều mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng nhận xét rằng, tiếng hát của Lệ Thu vào đầu thập niên 70 tại Sài Gòn đã giúp cho tên tuổi cùng những bản nhạc của nhạc sĩ Trường Sa bay xa theo tiếng hát của bà. Bởi không ai khác hơn, bà là ca sĩ đã trình bày trọn vẹn các tình khúc của nhạc sĩ Trường Sa. Một điều hiếm hoi nghịch, vì hầu hết các ca sĩ thành danh từ một bài hát nào đó của những nhạc sĩ hơn là giúp họ được nổi tiếng.
Không dễ có mấy ca sĩ được như Lệ Thu. Họ thành danh, nổi tiếng, ca nhiều bài hát, một hay nhiều thể loại của nhiều nhạc sĩ. Nhưng không phải ai cũng có một bài hát “iconic” mang tính biểu tượng và định hình tên tuổi của mình như bà. Người đã có nhiều bài hát “iconic” như kể trên, nhiều hơn các đầu ngón tay nếu cần kể ra thêm.
Dăm người trong nghề thường khiêm cung bảo là “tổ đãi” khi cảm tạ sự thành công của mình. Người thưởng ngoạn như tôi xem đó là tài năng, là sự cống hiến cho nghệ thuật. Để cảm ơn những người như bà, đem tiếng hát dâng tặng cho đời, cho người. Há không phải nghệ thuật, hay âm nhạc nói riêng là điều cần thiết vô bờ để nhắc mỗi chúng ta rằng, trong tâm hồn mỗi người luôn có một góc nhỏ để lưu giữ những hoài niệm về dăm câu thơ, tản văn hay những bản nhạc đặc biệt đã ở lại cùng mình theo năm tháng.
Trong vô vố những thương tiếc, quý mến mà người thưởng ngoạn bày tỏ trước sự ra đi của danh ca Lệ Thu, tôi cảm nhận đặc biệt lời chia sẻ của một người bạn trên trang Facebook cá nhân của anh. Họa sĩ Đinh Trường Chinh, thứ nam của họa sĩ Đinh Cường viết rằng, “Nếu được chọn năm ca sĩ Việt Nam thích nhất, chắc chắn tôi sẽ chọn Lệ Thu. Nếu được chọn ba, tôi sẽ chọn Lệ Thu. Nếu chỉ được chọn một người, tôi cũng sẽ chọn Lệ Thu. Vì tiếng hát ấy là tiếng hát của hoài niệm, của dĩ vãng, là hơi thở của nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ của tôi”.
Vâng, tiếng hát của hoài niệm, của dĩ vãng và hơi thở của nhiều thế hệ. Nhưng tôi còn tin rằng, nó sẽ còn đó trong nhiều năm nữa chứ không chỉ đi vào quá khứ và lãng quên. Bởi như những bản nhạc của các nhạc sĩ tài hoa trong nền âm nhạc Việt Nam, như những tiếng hát chuyên chở tâm tình thế hệ như ca sĩ Lệ Thu, họ không thể mất đi theo cái mất của thể phách, của vật thể.
“Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa Thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình…”
(Xin còn gọi tên nhau -Trường Sa)
Sáng nay bấm vào những clip nhạc bạn bè đã để lên, tiếng hát Lệ Thu như có thể đã nói giùm ai đó một điều gì. Để bất chợt “chợt nghe mùa Thu bay trên trời không”. Tiếng hát bà như đang phát ra từ giàn máy Akai lắm khi bị rối băng. Của những bồi hồi và kỷ niệm những ngày còn cố quận. Mà tôi đã trải qua.