Thu Hà |
Cuộc họp Bộ Chính trị diễn ra hôm qua 9/1/2021 đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn chưa kết thúc.
Theo QĐ 244 về quy chế bầu cử trong đảng, ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị. Vì vậy đây được xem là cuộc họp mang tính chất sống còn của các kỳ phùng địch thủ.
Khoá nào cũng thế, ngồi ngôi vua tập thể, nhiệm kỳ 5 năm với đặc quyền đặc lợi ngút trời, nên mấy khi ai chịu nhường ai.
Cuộc họp có hai nội dung vô cùng gay cấn: Chọn trường hợp đặc biệt và đề cử tứ trụ. Kịch bản lần này cũng khác so với các cuộc họp Bộ Chính trị trước đại hội XII, khi mà ông Trọng gây sức ép cho các đồng chí rút, còn ông thì nguyện vọng ở lại. Hôm qua, Tổng- chủ Nguyễn Phú Trọng có động thái ngược lại, ông xin rút vì lý do tuổi cao, sức khoẻ kém và mong những người khác hãy… ở lại.
Trước đó, phe ông Trọng cho rằng tuổi tác không là vấn đề, nhiều chính trị gia trên thế giới còn cao tuổi hơn ông. Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Mỹ đã ngoài 80 tuổi (sinh năm 1940), tân Tổng thống Mỹ Joe Biden 78 tuổi (sinh năm 1942), Tổng thống vừa thất cử Donald Trump 74 tuổi (sinh năm 1946); cựu Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, sinh tháng 7/1925, từ chức hồi tháng 2/2020 khi gần 95 tuổi…
Mưu lược tổng Trọng đúng là bậc thầy. Kịch tính đến phút chót, khi các Ủy viên BCT, trong đó có ông Nguyễn Văn Bình và Hoàng Trung Hải phát biểu mạnh mẽ, tha thiết yêu cầu ông Trọng ở lại để “lèo lái con thuyền đất nước”. Thế là “không phụ niềm tin yêu của đồng chí, đồng bào”, ở tuổi 76, cụ Trọng đành ghi tên mình vào danh sách đề cử, thượng đài, so găng tranh “tứ trụ” một nhiệm kỳ nữa.
Để dân chủ công bằng, Bộ Chính trị bỏ phiếu kín ba lần:
– Lần đầu chọn phương án “nhân sự đặc biệt” giữ lại một, hai, hay ba người
– Lần hai chọn tứ trụ
– Lần ba chọn Tổng bí thư
Kết quả là, Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc được giữ lại và khung bộ tứ được hình thành: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch quốc hội Trương Thị Mai.
Như vậy không ngoài dự đoán của giới phân tích, bộ tứ đã được cơ cấu hai già hai trẻ, nhằm chuyển tiếp.
Có hai bất ngờ lớn. Một là, lần đầu tiên sau nhiều năm, Nam Bộ đã không có người lọt vào tứ trụ. Tỷ lệ áp đảo 11/16 ngườ miền Bắc so với 5/16 người miền Nam trong Bộ Chính trị, cũng là nguyên nhân khiến ứng viên sáng giá Trương Hoà Bình thua cuộc.
Hai là, bất ngờ từ quân bài Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, khi suốt thời gian dài ông Trọng hậu thuẫn cho ông Vượng chạy đua vào ghế Tổng bí thư kế nhiệm mình. Nhưng đến lúc so găng, uy lực Trần Quốc Vượng lại về sau cả Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân trong lấy phiếu tín nhiệm ở Ban chấp hành Trung ương và tại phiên họp Bộ Chính trị quyết đấu này.
Vậy là xong, các ông bà Vượng, Bình, Ngân, Nhân, Lịch, Phóng sẽ cùng với Bình “ruồi” và Hải “Tàu” chấp nhận dừng chân để hồi cố hương.
Về vấn đề đặt ra, có cần sửa quy chế gì để mở đường cho tổng Trọng nhận chức Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba hay không, một quan chức cấp cao cho biết:
– Khái niệm cán bộ giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được định nghĩa tại Khoản 4 Điều 3 Quy định 98-QĐ/TW năm 2017. Trong Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 và Hướng dẫn 26-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 chỉ nêu:
“Thống nhất chủ trương bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị“.
Như vậy điều lệ và văn bản của Đảng không đề cập đến việc giới hạn hai nhiệm kỳ với chức danh Tổng bí thư.
Đến lúc này, nhiều người mới vỡ ra rằng tại sao Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình và Hoàng Trung Hải có đơn cam kết rút lui khỏi chính trường, từ bỏ giấc mộng tranh ghế thủ tướng. Đơn giản, họ không muốn mình là Đinh La Thăng thứ hai. Còn tổng- chủ Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc “đến rằm trăng mới tròn”, vì chỉ có ông sáng nhất.
Xưa, vua Lê Thánh Tông tôn vinh Nguyễn Trãi là sao Khuê. Viễn Phương so sánh ông Hồ với mặt trời trong câu thơ “có một mặt trời trong lăng rất đỏ”.
Nay, cụ Trọng lại ví mình như… mặt trăng, và “đến rằm trăng mới tròn”. Sự thật đúng vậy, kỳ này “đến rằm” chỉ có mỗi mình Nguyễn Phú Trọng sáng trưng!
Xưa, nhiều người phương Tây thường thốt ra câu “There must be a full moon out there”, nghĩa là: “Ngoài kia chắc có trăng tròn”, để giải thích những điều kỳ lạ xảy ra ban đêm. Nữ thần mặt trăng của La Mã mang tên “Luna”, từ chữ “Lunatic”, nghĩa là “người điên”, “mất trí”.
Triết gia Hy Lạp Aristotle và nhà sử học La Mã Pliny the Elder cho rằng, não là cơ quan “ẩm ướt” nhất trong cơ thể nên dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những ảnh hưởng xấu của mặt trăng, nguyên nhân gây ra thủy triều.
Niềm tin vào hiệu ứng “điên loạn” từ mặt trăng, tồn tại ở châu Âu trong suốt thời Trung cổ, khi con người được cho là biến đổi thành người sói hoặc ma cà rồng trong tuần trăng tròn.
Tiến sĩ Christian Cajochen từ Bệnh viện Tâm thần thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ, cũng như một số khoa học gia khác, từng tuyên bố tìm thấy bằng chứng, cho thấy trăng tròn có thể “kích hoạt” các hành vi bất thường, đồng thời tác động đến sức khỏe con người và những loài sinh vật sống khác. Vì thế giai thoại và thực tế đã chứng minh tại sao những con sói lại hú vào những đêm trăng.
Hội nghị trung ương 15 khai mạc vào ngày 15/1/2021 sẽ là hội nghị cuối cùng, khép lại nhiệm kỳ XII của Đảng Cộng sản với quá nhiều biến cố. Danh sách đề cử Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã hiệu chỉnh, cùng với đề cử nhân sự đặc biệt và “tứ trụ” sẽ được trình ra như một thủ tục, để hội nghị 15 bỏ phiếu kín thông qua.
Xem như kịch bản Đại hội XIII được dày công dàn dựng suốt từ đầu năm 2018 đến nay đã vào đoạn kết. Điều đáng nói, là giới cầm quyền luôn tung hô “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng thực tế, dân không hề được hỏi ý kiến và bị cấm dòm ngó vì … tuyệt mật.
Đạo diễn, diễn viên, phụ trách âm thanh ánh sáng cũng tất tật là những đảng viên cộng sản. Truyền thông, pa nô, áp phích, quảng cáo rầm rộ đã xong đâu vào đấy, sân khấu chính trị với vở diễn đặc sắc 5 năm công diễn một lần, sẽ sáng đèn vào ngày 25/1/2021./.
Nguồn: Báo Tiếng Dân
#đảngcsvn #đạihội13