Đinh Yên Thảo – VOA
Hai tháng cuối năm liên tiếp, người thưởng ngoạn lại bùi ngùi chia tay với những nhạc sĩ của một thế hệ vàng còn sót lại của Việt Nam. Tháng 11 chia tay nhạc sĩ Lê Dinh và những ngày cuối năm 2020 này là nhạc sĩ Lam Phương.
Ông biến âm tên thật của mình, Lâm Đình Phùng thành Lam Phương, mà ông hay ai đó đã giải thích là mang ý nghĩa “phương trời của màu xanh hy vọng”. Hy vọng cho một quê hương thanh bình, không chinh chiến, điêu linh. Hy vọng về hạnh phúc con người không gãy đổ, chia lìa. Nhưng hy vọng hay mơ ước là phạm trù cảm xúc, còn định mệnh lịch sử là sự thật của thời gian. Chúng chẳng song hành.
Chẳng tranh cãi gì khi bảo ông là một trong những nhạc sĩ kiệt xuất và đại chúng hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam. Với nhiều cung bậc xúc cảm và dòng nhạc khác nhau, Lam Phương là chứng nhân cho quê hương, cho số phận con người như vậy.
Nếu Khúc Ca Ngày Mùa, Trăng Thanh Bình.. là dòng nhạc quê hương êm đềm thì chúng khác hẳn dòng nhạc lưu xứ da diết như Chuyến Tàu Định Mệnh, Chiều Tây Đô, Sầu Viễn Xứ… Tiết tấu những bản nhạc tình thổn thức như Cỏ Úa, Lầm, Buồn Không Em… đối nghịch hoàn toàn với Thiên Đàng Ái Ân, Bài Tango Cho Em… lắm rộn ràng. Và hai bản nhạc ở mặt nào đó được xem là biểu tượng của Lam Phương là Thành Phố Buồn và Cho Em Quên Tuổi Ngọc là hai thái cực, giữa một bolero rất Việt và nhạc phẩm thính phòng mang đầy âm hưởng Tây phương. Những bản nhạc đủ hay thừa để trung tâm Thúy Nga Paris thực hiện đến bốn chương trình cho riêng ông, hình như không có người nhạc sĩ thứ hai nào được vậy.
Nên không ngạc nhiên khi mỗi người thưởng ngoạn đều có một hay vài bản nhạc Lam Phương mà mình đặc biệt yêu thích. Với tôi là Chiều Tây Đô, bởi nó là một bản nhạc gắn bó với kỷ niệm và cảm xúc riêng tư.
Sáu năm trước, Dallas có tổ chức một chương trình nhạc Lam Phương, một trong những chương trình âm nhạc có đông đảo khán giả tham dự nhất tại thành phố này. MC Nguyễn Ngọc Ngạn có hẹn mời chúng tôi ra uống cà phê trò chuyện nơi khách sạn ông ngụ. Uống xong cà phê, nhạc sĩ Lam Phương mới xuống. Ông không nói được nhiều mà chỉ cười. Như trên sân khấu và ngoài đời. Nụ cười hiền hòa, bình an như những bản nhạc quê hương thanh bình, đôn hậu của ông.
Nhưng đàng sau nụ cười đó là những sóng gió, trắc trở và thăng trầm. Như số phận của quê hương, của không ít người. Trong gần bảy chục năm qua, ông vô tình làm công việc một nhà sử học, ghi lại tất cả những cột mốc, sự việc và cảm xúc theo giòng lịch sử qua trên dưới 200 bản nhạc của mình. Một bộ sử nhạc đồ sộ và quý giá của nước Việt mà ông đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.
Xin cảm ơn và chia tay nhạc sĩ Lam Phương.