Cả hai nguồn vốn này đã tạo cho Vietnam Airlines một ưu thế đáng kể so với các hãng hàng không khác. Có nghĩa là cạnh tranh không công bằng.
Từ vụ án Đinh La Thăng
Trong vụ án các bị cáo sai phạm tại cao tốc Trung Lương – TP.HCM, bị cáo Đinh La Thăng phân tích khi là Bộ trưởng, ông đã phân công theo lĩnh vực cho các thứ trưởng. Ông không giao trực tiếp cho Tổng Công ty Cửu Long. Trong khi cáo trạng truy tố ông là người giao trực tiếp là hoàn toàn không có thật.
Bản thân ông Đinh La Thăng chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, tháng 10-2013 ký thành lập hội đồng bán đấu giá, bút phê chuyển thứ trưởng (ông Nguyễn Văn Thể nay là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải). Ngoài ra, ông còn không được biết hợp đồng có nội dung ra sao nên việc Viện kiểm sát nói ông là người có vai trò chính xuyên suốt trong vụ án là không đúng.
Số tiền 725 tỷ được xác định thất thoát, ông Thăng cho rằng đây là tiền trốn doanh thu, trốn thuế thì điều chỉnh theo quy định thuế. Và tại tòa, đại diện Bộ Giao thông vận tải (bị hại) không yêu cầu bồi thường thiệt hại gì.
Cáo buộc ông Thăng có vai trò quyết định bán quyền thu phí nghe thì có lý vì ông Thăng là Bộ trưởng nhưng việc này là do một hội đồng tiến hành.
“Ông Thăng là bộ trưởng nhưng không thể quyết định bán cho ai, bán ra sao, như thế nào. Bộ trưởng chỉ quản lý chung. Không có chứng cứ thể hiện ông Thăng có vai trò quyết định với kết quả bán đấu giá” – một luật sư nhấn mạnh.
Tạm gác qua vụ án “bán quyền thu phí” cao tốc Trung Lương – TP.HCM. Từ những gì tranh biện tại tòa, cho thấy ở đây cần thiết xem xét lại về trách nhiệm hành chính trong các bộ thủ tục liên quan.
Đến Hàng Không Việt Nam
Vấn đề muốn nói đến ở bài viết này, là trước ‘than vãn’ của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14 (Nghị quyết số 135); theo đó, các biện pháp hỗ trợ cho Vietnam Airlines bao gồm:
1) Cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt), để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh;
2) Cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, c và d khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán;
3) Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines, thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.
Câu hỏi được đặt ra là: (i) Các giải pháp này có đáp ứng các yêu cầu của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp?; và (ii) vấn đề cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực hàng không có được bảo đảm hay không?.
Trước hết, việc trao cho SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines là không phù hợp pháp luật.
Bởi lẽ, Vietnam Airlines là một công ty đại chúng. vì vậy, việc SCIC đầu tư mua cổ phần sẽ phải tuân theo quy định của khoản 1 Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng vốn. Cụ thể, Nhà nước chỉ được đầu tư bổ sung vốn nhà nước để tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thuộc, một trong các trường hợp sau đây: Không thu hút được các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đối với doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; Cần thiết phải duy trì để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Thứ nữa, cùng với việc SCIC bổ sung vốn điều lệ, việc Ngân hàng nhà nước được yêu cầu thực hiện việc tái cấp vốn đã bổ sung một nguồn vốn lớn cho Vietnam Airlines.
Nói cách khác, Quốc hội đang dành rất nhiều nguồn lực cho hãng hàng không này khi lựa chọn phương án dùng cả ngân sách đầu tư có chiến lược (do SCIC giữ để thực hiện các chiến lược và/hoặc kế hoạch đầu tư phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn), và ngân sách thuộc các nhóm khác để cho Vietnam Airlines vay.
Cả hai nguồn vốn này đã tạo cho Vietnam Airlines một ưu thế đáng kể so với các hãng hàng không khác. Có nghĩa là cạnh tranh không công bằng.
Vậy thì liên quan gì đến vụ án ‘bán đường cao tốc’ ở trên? Đó là tiếp tục vết đổ của ranh giới nhập nhằng quản lý nhà nước của cơ quan có thẩm quyền, với chức năng kinh doanh của một doanh nghiệp – ở đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước với tỷ lệ sở hữu là 86,19% vốn điều lệ./.
#VietnamAirlines #cạnhtranhbấtcông