Nguồn: John Lyons, “The Rise and Fall of Martin Lee and His Dream of a Democratic Hong Kong”, WSJ, 15/11/2020 – Người dịch: Nguyễn Thanh Hải – Nghiên Cứu Quốc Tế
Sự đàn áp ngày càng tăng của Bắc Kinh đánh dấu thời điểm thoái trào trong cuộc đấu tranh của luật sư Martin Lee cho tương lai Hồng Kông.
Vào một đêm mưa năm 1997 khi Vương quốc Anh chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc đại lục, nhà lãnh đạo dân chủ Martin Lee khi đó đang đứng trên ban công của cơ quan lập pháp thành phố đã thề rằng bằng mọi giá sẽ buộc Bắc Kinh phải giữ đúng cam kết của mình. Trong thỏa thuận bàn giao, Trung Quốc đã đồng ý cho thuộc địa cũ của Anh được quyền tự trị theo mô hình nhà nước pháp quyền kiểu phương Tây, bao gồm cả việc sẽ tiến tới cho phép người dân thành phố được bầu ra lãnh đạo của mình.
“Ngọn lửa dân chủ đã được thắp lên và đang bùng cháy trong trái tim của người dân chúng tôi. Nó sẽ không bao giờ bị dập tắt,” ông phát biểu trước những người ủng hộ và giới truyền thông ngay sau khi lá cờ Trung Quốc được kéo lên trên mảnh đất Hồng Kông.
Bắc Kinh hiện đang nhanh chóng phá bỏ các dấu ấn của nền tự trị tại Hồng Kông sau những cuộc biểu tình quy mô lớn đòi quyền dân chủ có đôi lúc xảy ra bạo lực vào năm ngoái đã làm chấn động cả thành phố. Bất chấp thực tế là người dân xứ Cảng Thơm chưa bao giờ được hưởng một nền dân chủ đầy đủ, ngay cả những cuộc bầu cử hạn chế mà ông Lee đã đấu tranh với tư cách là người đồng sáng lập Đảng ủng hộ dân chủ lớn nhất Hồng Kông cũng bị [Bắc Kinh] ngờ vực.
Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã phế truất bốn nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, họ là những người giành được chiếc ghế nghị sĩ thông qua các cuộc bầu cử trên toàn thành phố. Chính quyền cho biết các nhà lập pháp bị phế truất vì không trung thành và cảnh báo rằng việc phế truất này vẫn có thể tiếp diễn trong tương lai. Động thái này khiến hàng loạt các nghị sĩ khác của phe đối lập từ chức, Hội đồng lập pháp thành phố giờ đây chỉ còn là “con rối” của nhà lãnh đạo Hồng Kông vốn do Bắc Kinh bổ nhiệm.
Thời kỳ đen tối nhất của Hồng Kông cũng là thời kỳ tồi tệ nhất trong cuộc đời ông Lee, sự nghiệp cả đời của ông gắn liền với nỗ lực đang sụp đổ một cách nhanh chóng của người dân thành phố nhằm bảo vệ các quyền tự do kiểu phương Tây. Vốn là một luật sư được đào tạo tại Anh, ông chuyển sang hoạt động tích cực khi Vương quốc Anh bắt đầu tiến trình đàm phán bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc đại lục những năm 1980. Ông tham gia vào việc biên soạn Luật cơ bản và đã đấu tranh để người dân thành phố được bầu trực tiếp phần nhỏ số ghế trong Hội đồng lập pháp, việc dẫn dắt phe ủng hộ dân chủ đến các thắng lợi khiến ông Lee trở thành gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh đến tận lúc ông nghỉ hưu, rời khỏi Hội đồng lập pháp năm 2008.
Ông có niềm tin một ngày nào đó chế độ dân chủ không chỉ nảy nở mạnh mẽ ở Hồng Kông mà còn ở Trung Quốc đại lục. Ông cho rằng sự thành công của một trung tâm tài chính thế giới có quyền tự trị nằm ngay trong lòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một ngày nào đó sẽ trở thành ngọn hải đăng, chứng minh những lợi ích của việc mở cửa chính trị và kinh tế hơn nữa.
Giấc mơ dân chủ cho Hồng Kông, được ông Lee cùng những người đồng chí hướng gieo mầm và các thế hệ sau kế tục, đang sụp đổ trước mắt họ. Nửa đêm ngày 30 tháng 6, gần 23 năm sau ngày lá cờ của Vương quốc Anh được hạ xuống ở Hồng Kông, Bắc Kinh đã áp đặt một luật an ninh có tác động sâu rộng lên vùng lãnh thổ này để đàn áp những người bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ. Theo đó, các đặc vụ đến từ Trung Quốc đại lục sẽ có thẩm quyền rộng lớn để thực thi luật mới, chống lại các hành vi phản loạn, ly khai hoặc thông đồng với nước ngoài, mức án cho những tội này có thể lên đến chung thân. Hoa Kỳ tuyên bố rằng Hồng Kông đã không còn quyền tự trị trên thực tế trước chính quyền Trung Quốc đại lục.
Hình ảnh hoạt động ôn hòa của ông Lee giờ đây đã bị coi là không khả thi hoặc bất hợp pháp. Các chuyến thăm của ông tới Washington trong nhiều thập niên qua để vận động sự ủng hộ cho phong trào dân chủ Hồng Kông hiện đã bị hình sự hóa. Các cuộc biểu tình về cơ bản bị cấm và một số khẩu hiệu bị coi là trái luật. Những người trẻ đã bị bắt vì đăng các bài viết ủng hộ Hồng Kông độc lập trên mạng xã hội và các loại sách ủng hộ dân chủ đang bị gỡ khỏi thư viện.
Từng là biểu tượng cho triển vọng dân chủ xứ Cảng Thơm, ông Lee giờ lại đang trở nên cô độc. Giới tinh hoa thân Bắc Kinh luôn coi ông là kẻ gây rối. Bây giờ, ngay cả một số người thuộc tầng lớp trung lưu không có thiện cảm với Bắc Kinh cũng cho rằng phong trào dân chủ mà ông ủng hộ đã bỏ lỡ cơ hội thỏa hiệp vốn có thể ngăn chặn cuộc đàn áp từ Bắc Kinh. Ngược lại, nhiều người biểu tình trong độ tuổi sinh viên đã chiến đấu với cảnh sát trên đường phố năm ngoái nói rằng thế hệ của ông, đấu tranh với chính quyền đại lục trong khuôn khổ luật pháp, đã không đủ quyết liệt để mang lại dân chủ cho thành phố.
Năm ngoái, khi ông Lee lên tiếng cảnh báo rằng việc người biểu tình gia tăng sử dụng vũ lực có thể phản tác dụng, các phòng trò chuyện trực tuyến đóng vai trò như trung tâm điều khiển của phong trào biểu tình bùng lên những lời chỉ trích dành cho vị luật sư và chính trị gia đáng kính.
Owan Li, nhà hoạt động 28 tuổi, thành viên của “chính quyền sinh viên” tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) khi nơi đây trở thành chiến trường của các cuộc đụng độ nảy lửa với cảnh sát vào năm ngoái cho biết: “Khi nói đến thế hệ Martin Lee, người ta nghĩ về những người đã cố gắng đàm phán với chính quyền đại lục và cái gọi là phương thức ôn hòa, lý trí và bất bạo động. Tôi không muốn nói rằng điều đó là vô ích, nhưng chúng tôi không hề nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào trong suốt những năm đó”.
Ông Lee nói về những lời chỉ trích trong một cuộc phỏng vấn trước ngày luật an ninh quốc gia có hiệu lực: “Tất cả những gì tôi có thể nói là, suốt những năm qua tôi đã làm việc này cho Hồng Kông, không phải cho bản thân mình”. Xung quanh ông, trong văn phòng nhỏ là một số vật lưu niệm: bức thư của Bill Clinton, bức tượng bán thân của Winston Churchill và bức ảnh chụp lại khoảnh khắc ông đang kêu gọi dân chủ cho Hồng Kông từ ban công của cơ quan lập pháp thành phố.
Ông nói rằng sự cai trị chuyên chế ngày càng gia tăng của chính quyền Trung Quốc dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã đặt dấu chấm hết cho số phận của Hồng Kông. Từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã tiến hành tập trung quyền lực ở trong nước và hướng Trung Quốc đến một vai trò quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Sự tồn tại của một xã hội cởi mở ngay trong lòng Trung Quốc trở nên không phù hợp với tầm nhìn của ông Tập vốn muốn siết chặt việc kiểm soát, ông Lee cũng cáo buộc nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ sử dụng tình hình bất ổn tại Hồng Kông làm cái cớ để tăng cường kiểm soát vùng lãnh thổ này.
“Đối với ông Tập, điều quan trọng nhất bây giờ là đảm bảo Đảng của ông ta và chính bản thân ông ta vẫn nắm chắc quyền lãnh đạo,” ông Lee nói.
Lần đầu tiên trong sự nghiệp hoạt động luôn tuân theo luật pháp một cách thận trọng của mình, ông Lee, 82 tuổi, đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự sau khi bị bắt vào năm nay vì tham gia vào một cuộc tuần hành quy mô lớn trái phép hồi năm 2019. Ông đang được tại ngoại và bác bỏ cáo buộc chống lại mình.
Luật an ninh mới hình sự hóa các hành vi như kích động thù địch chống lại chính quyền trung ương, đã siết chặt quyền tự do ngôn luận. Sau khi luật ra đời, ông Lee, người một thời nổi tiếng trên các mặt báo vì lên tiếng chỉ trích những nỗ lực làm xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông, đã hủy một cuộc phỏng vấn được lên lịch từ trước với tờ Nhật báo phố Wall (The Wall Street Journal). Kể từ đó, ông đã từ chối tất cả các yêu cầu bình luận của giới truyền thông về luật an ninh mới, luật này không áp dụng với các hành động diễn ra trước thời điểm nó có hiệu lực do đó cuộc phỏng vấn vào tháng 6 với Nhật báo phố Wall là một trong những lần cuối cùng ông nói về chủ đề này.
Khi cánh cửa đấu tranh hợp pháp đã đóng lại, ông lo lắng rằng những người biểu tình đòi quyền dân chủ trẻ tuổi, vốn đã chiến đấu với cảnh sát bằng bom xăng trong nhiều tháng, có thể chọn con đường hoạt động quân sự ngầm như phương sách cuối cùng, một ý tưởng mà ông phản đối.
“Có những người bị ép vào chân tường, họ không nhìn thấy tương lai cho Hồng Kông,” ông Lee nói vào tháng Sáu.
PHONG TRÀO DÂN CHỦ LÊN CAO
Hồng Kông được Vương quốc Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 đồng nghĩa với việc hàng triệu người dân nơi đây sẽ phải sống dưới chế độ cộng sản, chế độ mà nhiều người trong số họ đã từng phải bỏ trốn. Ông Lee là một trong số những người này, trước khi được biết đến là cha đẻ của phong trào dân chủ Hồng Kông, ông từng là cậu bé theo gia đình trốn khỏi Trung Quốc đại lục vào năm 1949 để đến thuộc địa của Anh khi đó vẫn đang có bình yên.
Khi Trung Quốc còn đang trong tình trạng hỗn loạn kinh tế dưới thời Mao Trạch Đông, thị trường tự do ở Hong Kông đã phát triển thành một trung tâm sản xuất nhộn nhịp và sau đó là trung tâm tài chính thế giới.
Sự nghiệp của ông Lee cũng phất lên cùng sự phát triển của xứ Cảng Thơm. Chỉ vài năm sau khi bước sang độ tuổi 40 ông đã là chủ tịch Hiệp hội luật sư Hồng Kông với chức danh luật sư cao cấp do Nữ hoàng Anh phong tặng, ông thuộc nhóm những luật sư được trả thù lao cao nhất thành phố, di chuyển liên tục giữa thế giới nói tiếng Trung và tiếng Anh bên trong trung tâm tài chính quốc tế này.
Cuộc đời của ông bước sang trang mới vào những năm 1980 khi được tin Vương quốc Anh đang đàm phán trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc. Ông chuyển hướng trở thành một nhà hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Bên trong tầng lớp tinh hoa của Hồng Kông, ông Lee khiến nhiều người không khỏi lo lắng, họ coi hoạt động của ông là vô ích, không có lợi cho công việc kinh doanh và có thể chọc giận Bắc Kinh – người chủ mới của thành phố.
Tuy vậy, đối với phần đông dân số nói tiếng Hoa ở Hồng Kông, ông là người đại diện cho ước muốn dân chủ, rằng người Hồng Kông có thể và nên được quyền bầu ra người lãnh đạo của mình. Đây là ước muốn mạnh mẽ ở một nơi mà người dân chưa bao giờ được sống dưới chế dộ dân chủ thực sự dù cho đó là thời thuộc Anh hay thuộc Trung Quốc.
Ông Lee không ngừng chỉ trích chế độ cộng sản tại Trung Quốc và cả chính quyền thuộc địa Anh ở Hồng Kông. Trong thời gian người Anh nắm quyền, nền kinh tế Hồng Kông được vận hành tự do theo cơ chế thị trường. Tuy vậy Hồng Kông thuộc Anh không phải là một nền dân chủ. Các thống đốc do người Anh bổ nhiệm cai trị Hồng Kông theo cách độc đoán, họ đến Hồng Kông trong những bộ trang phục truyền thống với chiếc mũ lông thể hiện đầy quyền uy của Nữ hoàng tại thuộc địa suốt thập niên 1980.
Ông Lee đã đề nghị chính quyền Anh dân chủ hóa Hồng Kông trước thời điểm chuyển giao khiến cho nhà cầm quyền Trung Quốc về sau khó có thể đảo ngược tiến trình này. Bắc Kinh phản đối ý tưởng này. Khi người Anh nhượng bộ, ông Lee đã chế nhạo các nhà đàm phán Anh là “bàn tay của Trung Quốc”, hy sinh Hồng Kông với hy vọng có được mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.
“Martin đã chỉ trích một cách không ngừng và đúng mức vai trò của Anh trong những năm cuối ở Hồng Kông,” Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, người đã thúc đẩy những cải cách dân chủ trong giai đoạn 1992–1997 cho biết. “Khi nhìn lại, tôi nghĩ có một điều mà chúng tôi đã nên làm là phát triển các thể chế dân chủ ở Hồng Kông sớm hơn, để người dân có thể làm quen với nó cùng tất cả những khiếm khuyết và ràng buộc của thể chế này.”
Tại cuộc bầu cử năm 1991, người dân cuối cùng đã có thể bầu trực tiếp một số ghế trong cơ quan lập pháp. Ông Lee ra tranh cử và đã dẫn dắt phe ủng hộ dân chủ giành chiến thắng 16 trên tổng số 18 ghế mà người dân thành phố được phép bầu, chiến thắng có được chỉ một năm sau khi ông tham gia sáng lập Đảng Dân chủ Thống nhất Hồng Kông.
Năm 1995, ông Patten đã khai thác một lỗ hổng của luật để mở rộng số người được phép đi bầu cho một số ghế khác trong Hội đồng lập pháp, ông Lee và những người phe dân chủ nhân cơ hội này để phát triển liên minh của mình. Hai năm trước thời điểm chuyển giao, Đảng do ông Lee lãnh đạo nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri hơn bất kỳ đảng phái nào khác tại Hồng Kông.
Nhưng điều này không kéo dài được lâu. Sau ngày bàn giao năm 1997, Bắc Kinh đã cho giải thể Hội đồng lập pháp. Những cuộc bầu cử tổ chức sau đó đều được thiết kế nhằm đảm bảo các ứng viên thân Bắc Kinh chiếm đa số trong Hội đồng.
Cha của ông Lee là một trung tướng trong quân đội Quốc Dân Đảng đã bị Mao lật đổ tại đại lục, khuyên ông Lee nên cảnh giác với Đảng Cộng sản Trung Quốc khi Bắc Kinh mời ông tham gia Ủy ban soạn thảo Luật cơ bản Hồng Kông vào những năm 1980.
“Không thể tin được những người Cộng sản [ở đại lục],” ông Lee nhớ lại lời dặn của cha mình. “Nếu họ cần con, họ sẽ cho con mọi thứ con muốn. Tiền bạc, phụ nữ, địa vị, bất kể thứ gì. Nhưng sau khi họ lợi dụng con xong, họ không những ném con xuống đất mà còn chà đạp lên con”.
Tuy vậy, ông Lee sau cùng vẫn tham gia vào công việc soạn thảo. Ông có lý do để hy vọng. Thập niên 1980 là thời điểm Trung Quốc vực dậy sau thời kỳ đen tối của Cách mạng Văn hóa bằng chính sách “cải cách và mở cửa” do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo.
“Phần còn lại của thế giới, bao gồm cả tôi, đều nghĩ rằng một khi Trung Quốc còn theo đuổi con đường hiện đại hóa như những gì Hồng Kông đã làm, thì sớm muộn gì Trung Quốc và Hồng Kông cũng sẽ đi chung đường,” ông nói. “Dân chủ cho Trung Quốc, dân chủ cho Hồng Kông.”
Jerome Cohen, giáo sư luật Đại học New York và là chuyên gia về luật pháp Trung Quốc đang làm việc tại Hồng Kông, cho biết: “Martin là kiểu người lạc quan, ông ấy không quá buồn phiền khi mọi chuyện trở nên khó khăn. Ngôn từ, trí tuệ, sự hài hước cùng phong thái trước tòa cũng như trong các bài phát biểu trước công chúng khiến cho mọi người đều kính nể ông ấy”.
Niềm hy vọng về một Trung Quốc cởi mở hơn đã chuyển thành nỗi kinh hoàng khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Tại Hồng Kông, ông Lee tham gia lãnh đạo các cuộc biểu tình thuộc nhóm quy mô nhất từng được chứng kiến ở Hồng Kông tính cho đến năm ngoái. Ông Lee cũng đốt một bản dự thảo của Luật cơ bản (tiểu Hiến pháp của Hồng Kông) và kêu gọi Vương quốc Anh đàm phán lại một số điều khoản trong thỏa thuận chuyển giao nhưng không có kết quả. Bắc Kinh sau đó đã loại ông khỏi Ủy ban soạn thảo và cấm ông vào Trung Quốc đại lục.
ĐỐI MẶT VỚI KHÓ KHĂN
Vào đêm bàn giao, những người không tin tưởng chính quyền Trung Quốc lo ngại ông Lee có thể bị bỏ tù sau thời khắc Vương quốc Anh hạ cờ. Thái tử Charles đã viết trong nhật ký sau khi tham dự lễ bàn giao và rời đi trên chiếc du thuyền hoàng gia Britannia rằng: “Chúng tôi phó thác Hồng Kông cho số phận và hy vọng rằng Martin Lee, nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ, sẽ không bị bắt giữ.”
Sau bàn giao, ông Lee và các ứng cử viên ủng hộ dân chủ tiếp tục thắng những ghế được chọn qua hình thức bỏ phiếu phổ thông trong Hội đồng lập pháp, khiến cho không khí thảo luận trong cơ quan này sôi động hơn hẳn mặc dù sự góp mặt của phe đối lập chỉ mang tính chất tượng trưng.
Năm 2003, ông Lee góp phần vào chiến thắng của phe dân chủ trong việc yêu cầu bãi bỏ Dự luật an ninh được đề xuất trong Hội đồng lập pháp Hồng Kông, ông tham gia vào các cuộc biểu tình quần chúng và đến Washington để vận động sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Theo quy định của Luật cơ bản, Hồng Kông cần phải thông qua Đạo luật an ninh. Tuy nhiên ông Lee và các cộng sự của mình lại không đưa ra được một giải pháp thay thế; năm nay các quan chức Trung Quốc lấy lí do Hồng Kông chưa có Luật an ninh để áp đặt phiên bản luật hà khắc của riêng mình lên vùng lãnh thổ này.
Steve Tsang, tác giả cuốn sách “Lịch sử hiện đại Hồng Kông” cho biết: “Martin là một luật sư có tài nhưng không phải là một chính trị gia giỏi. Điểm mạnh trong những lập luận của ông ấy là các giá trị đạo đức. Nhưng đôi khi trong chính trị vấn đề không phải là việc chiến thắng trong cuộc tranh luận mà cần đạt được những thành tựu thực tế vào thời điểm đó”.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, ông Lee nói rằng thật không công bằng khi những người chỉ trích đặt trách nhiệm thông qua luật cho ông trong khi đảng của ông luôn chỉ chiếm thiểu số trong Hội đồng lập pháp.
Các thế hệ lãnh đạo trẻ hơn của phong trào dân chủ tiếp tục theo đuổi những lý tưởng của ông Lee, nhưng với cách tiếp cận mang tính đối đầu hơn.
Khi những người biểu tình xuống đường vào năm ngoái nhằm phản đối đề xuất cho phép dẫn độ người Hong Kông sang đại lục để xét xử, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng mở rộng yêu sách, trong đó bao gồm cả yêu cầu dân chủ hoàn toàn cho Hồng Kông. Đối với những người biểu tình trẻ tuổi, không thỏa hiệp với Bắc Kinh đã trở thành một nguyên tắc chỉ đạo. Khẩu hiệu của họ là “Năm yêu cầu, không trừ cái nào”, một trong những yêu cầu đó là quyền phổ thông đầu phiếu.
Ông Tsang, cũng là lãnh đạo Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London, cho biết: “Ông Lee đã tạo ra một hình mẫu khiến cho những người đi sau khó có thể bắt đầu thỏa hiệp”.
Nathan Law, chính trị gia phe dân chủ 27 tuổi, người đã cùng ông Lee đến Washington vào năm ngoái, cho biết có sự chia rẽ trong cách ứng xử với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. “Đối với chúng tôi, điều đó là hoàn toàn vô vọng, nhưng thế hệ ông ấy sẽ có nhiều kỳ vọng hơn,” anh nói. Law hiện đang sống ở nước ngoài để vận động các nguồn vốn ủng hộ cho phong trào.
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), chính trị gia 24 tuổi, người đã dẫn đầu các cuộc biểu tình quy mô lớn hồi năm 2014 khi còn là một thiếu niên, cho biết: “Dù quan điểm chính trị giữa tôi và ông Martin có thể khác nhau về vấn đề sử dụng vũ lực, về các phong trào đường phố… nhưng tôi vẫn dành cho ông ấy một sự kính trọng lớn”.
CÁC MỐI QUAN HỆ Ở WASHINGTON
Năm ngoái, khi Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông do Bắc Kinh hậu thuẫn Carrie Lam đề xuất Dự luật dẫn độ khiến cho hàng loạt cuộc biểu tình bùng nổ, ông Lee rút ra quyển sách mà ông đã sử dụng từ cuối những năm 1980: Giúp Hồng Kông có lợi thế trong đàm phán với Bắc Kinh bằng các đồng minh ở Washington.
Ông Lee có quan hệ tốt với cả hai đảng ở Washington. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell gọi ông là người bạn cũ; năm 2014, ông cũng đã gặp gỡ Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống, hiện là Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ.
Trong năm chuyển giao, ông gặp Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton để thỉnh cầu sự giám sát của Mỹ đối với Hồng Kông. Sau đó, ông giúp Tổng thống Clinton thuyết phục các đảng viên Dân chủ vẫn đang hoài nghi để họ ủng hộ sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông Lee tin rằng quy chế thành viên của WTO sẽ giúp cho Trung Quốc học được bài học trách nhiệm trong các cam kết quốc tế của mình; giờ đây ông nói rằng Trung Quốc không hề nhận được bài học gì, họ thậm chí còn ‘lách’ các quy định của WTO.
“Vào lúc đó tôi đã nói rằng, các ông phải đảm bảo Trung Quốc tôn trọng tất cả các điều khoản trong những thỏa thuận này,” ông Lee nhớ lại. “Đừng chỉ khoanh tay đứng nhìn và không làm gì cả”.
Khi phái đoàn của ông đến Washington vào tháng 5 năm 2019, có một quan điểm diều hâu hơn đang bao trùm ở đây, theo đó thì nhiều thập niên hội nhập kinh tế đã không thể biến Trung Quốc thành một đối tác có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Margaret Ng (Ngô Ái Nghi), luật sư 72 tuổi và là cựu nghị sĩ đi cùng đoàn với ông Lee, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 rằng: “Chúng tôi đến rất đúng thời điểm, phương Tây cuối cùng đã thức tỉnh trước những ảo tưởng của họ về Trung Quốc”.
Ông Lee nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng luật dẫn độ sẽ hợp pháp hóa việc chính quyền Trung Quốc bắt cóc những người bất đồng chính kiến như ông. Ông cho biết một tuyên bố mạnh mẽ của Hoa Kỳ có thể tạo ra sự khác biệt. “Với sự giúp đỡ của quý vị, chúng tôi có thể lật ngược tình thế,” ông nói.
Tiếp theo, trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio từ tiểu bang Florida đã trích dẫn các phát biểu của ông Lee và cam kết sẽ đệ trình lại Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Dự luật được xây dựng với mục đích răn đe Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu họ xâm phạm quyền tự trị của Hồng Kông.
Dự luật đã bị ngâm hàng năm trời mà chưa được biểu quyết. Sự hồi sinh của nó đánh dấu một bước ngoặt.
Những tuần sau đó, hàng trăm nghìn người bắt đầu xuống đường trên khắp Hồng Kông; trong làn hơi cay, các cuộc biểu tình dần leo thang thành những cuộc đối đầu bạo lực hơn với cảnh sát khi nhiều tháng trôi qua. Một số người biểu tình còn vẫy cờ Hoa Kỳ kêu gọi thông qua đạo luật trừng phạt.
Chiến lược vận động quốc tế mà ông Lee tiên phong trong những năm 1980 đã được phát triển bởi phái đoàn của các nhà hoạt động dân chủ trẻ hơn, họ thực hiện các chuyến đi riêng đến Washington vào năm 2019 để kêu gọi sự ủng hộ.
Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) cho biết: “Cách ông Martin mang tiếng nói của chúng tôi ra thế giới đã thúc đẩy nhiều người trẻ tham gia vào việc này hơn cũng như tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho chúng tôi”. Wong thực hiện chuyến đi đầu tiên đến Washington vào năm 2015 theo lời mời của ông Lee và thường xuyên quay trở lại đây kể từ lần đó.
Vào tháng 11, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật nhân quyền với sự đồng thuận cao, nỗ lực này “có sự vận động của các nhà lãnh đạo phong trào dân chủ như Martin Lee…cũng như nhiều người Hồng Kông trẻ tuổi đã đến Washington,” Thượng nghị sĩ Rubio nói.
SỰ ĐÀN ÁP CỦA BẮC KINH
Tại Bắc Kinh, việc các nhà hoạt động Hồng Kông tới Washington để vận động thông qua dự luật đã gây ra sự phẫn nộ.
“Những kẻ cặn bã của quốc gia và tội đồ của Hồng Kông này sẽ mãi mãi là vết nhơ trong lịch sử của chúng ta,” người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông nói vào tháng 7 năm 2019 sau cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mike Pence và doanh nhân người Hồng Kông Jimmy Lai, cuộc gặp đã khiến cho dư luận chú ý đến phong trào vận động hành lang tại Wasshington của các nhà hoạt động Hồng Kông.
Mặc dù ông Lee là người phản đối việc sử dụng vũ lực, các hãng tin ở đại lục vẫn gán cho ông là một phần tử của “Tứ nhân bang mới”, từ vốn dùng để chỉ một phe nhóm trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị bắt giam vào cuối thời Cách mạng văn hóa. Ông bị cáo buộc thông đồng với phương Tây để kích động biểu tình bạo lực.
Vào cuối năm, các cuộc biểu tình tạm lắng xuống do đại dịch Covid-19 bùng nổ. Một câu hỏi lớn xuất hiện: Liệu các cuộc biểu tình cùng với những đe dọa trừng phạt của Hoa Kỳ có khiến chính quyền Trung Quốc phải nhượng bộ? Hay, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc đàn áp?
Câu trả lời đã đến vào một ngày thứ Bảy của tháng Tư, khi cảnh sát Hồng Kông bắt giữ ông Lee và 14 nhà hoạt động khác.
Ông Lee vừa ăn sáng xong sau khi cùng vợ đi dạo quanh ngọn núi Thái Bình (Victoria Peak) ở Hồng Kông thì một đội cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà để bắt ông với cáo buộc tham gia biểu tình trái phép.
“Tôi vừa về đến nhà và đang tự hỏi kế tiếp sẽ là chuyện gì. Sau đó có tiếng gõ cửa và họ đã cho tôi biết chuyện xảy ra kế tiếp đó là gì,” ông nói.
Theo các nhà quan sát, việc bắt giữ ông Lee là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có ý định tiêu diệt tận gốc phong trào dân chủ lâu đời hàng thập kỷ của thành phố. Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại tổ chức giám sát nhân quyền Human Rights Watch cho biết: “Khi chính quyền bắt giữ Martin Lee, điều đó như thể họ đang bắt giữ nền pháp quyền của thành phố”.
Vào tháng 5, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã công bố những nội dung cơ bản của luật an ninh mới mà nước này lên kế hoạch áp dụng cho Hồng Kông và chỉ ra các hoạt động vận động hành lang ở nước ngoài của ông Lee và những người khác là minh chứng cho thấy sự cần thiết của luật mới.
Bản chi tiết của luật an ninh liệt kê các tội danh mới với phạm vi rộng hơn như thông đồng với các lực lượng nước ngoài và kích động bạo loạn. Có một điểm rất cụ thể: Hành vi tìm kiếm những biện pháp trừng phạt từ các chính phủ nước ngoài rõ ràng là bất hợp pháp.
Ông Lee nói rằng vì Trung Quốc và Vương quốc Anh đã đăng ký Thỏa thuận chuyển giao Hồng Kông năm 1984 tại Liên Hợp Quốc nhằm xây dựng niềm tin đối với cộng đồng quốc tế nên đây là việc chung của thế giới dù các điều khoản của nó có được tuân thủ hay không.
“Chính họ là những người đầu tiên mong muốn có sự can thiệp từ bên ngoài,” ông Lee nói. “Tất cả những gì tôi làm là nói rằng, thôi nào, chính quý vị đã cam kết những điều này. Quý vị phải tuân thủ nó”.
Khi luật an ninh có hiệu lực, các nhà hoạt động dân chủ đã tính đến việc ra nước ngoài. Một số người đã đến Mỹ hoặc châu Âu. Ít nhất đã có một nhóm tìm cách chạy trốn bằng thuyền cao tốc đến Đài Loan, nhưng rồi bị bắt trên biển.
Bước sang thập niên thứ chín của đời người cùng sự nghiệp gắn liền với biểu tượng dân chủ của thành phố, Bắc Kinh chắc chắn sẽ vô cùng hả hê nếu ông chọn ra đi. Ông Lee cho biết lý do ông lựa chọn ở lại đơn giản là vậy.
“Nếu được chọn giữa việc chết một cách thanh thản trên giường bệnh ngoài Hồng Kông hay chết đau đớn trong nhà tù của chính quyền Trung Quốc, tôi không quan tâm tôi sẽ chết như thế nào mà là tôi có được lên thiên đàng hay không,” ông Lee nói trước thời điểm luật có hiệu lực. “Chết trong vô vọng mới là điều khiến tôi thực sự đau đớn.”
#hongkong #MartinLee