Một hiện tượng chưa từng có trong các đám tang của giới nghệ sĩ, xảy ra đột ngột với Gymer Duy Nguyễn bằng một clip mà youtuber này bình luận xung quanh cái chết của Chí Tài và người vợ của ông, bất thình lình gây ra sự sục sôi trong giới nghệ sĩ, được biết là những bằng hữu của Chí Tài.
Theo trang
eva.vn cho biết [1], Duy Nguyễn có lượng theo dõi hơn 500.000 lượt người với tư cách gần như là “người của công chúng”.
Bình luận xung quanh cái chết của Chí Tài từ Duy Nguyễn không dừng lại ở sự đôi co trên mạng mà thật sự gây ra cảnh huyên náo trong đời thực, đến nỗi cần phải có sự xuất hiện của công an, do chính Duy Nguyễn gọi điện trong sự lo sợ tột độ như trang
techz.vn đưa tin [2] hôm 14 tháng Mười Hai năm 2020.
Cùng với hình ảnh gây ầm ĩ, câu chuyện Duy Nguyễn được cho là xúc phạm Chí Tài được chấm dứt, qua lời kể của nữ nghệ sĩ Cát Phượng như báo đưa tin (trích):
“Lúc em bắt tay chào tôi, ôm tôi, tay em lạnh ngắt và rất run. Tôi hiểu một điều em đã rất sợ. Tôi chỉ cần hành động hất tay nó ra và nói 1 câu: ‘Không ôm đ.. gì mày. Là anh em nhào vô đập nó mỏi tay mới thôi”. (Hết trích).
Những lời phát ngôn của nữ nghệ sĩ Cát Phượng cùng những khuôn mặt giận dữ của các nghệ sĩ khác xuất hiện trong ngày hôm đó, có lẽ không chỉ riêng Duy Nguyễn, mà đủ khiến nhiều người kinh sợ khiếp đảm, mặc dù trước đó nghệ sĩ Hữu Châu có căn dặn [3] “Làm gì làm, sao cũng được, nhưng đừng để những người tốt đang thương yêu và trân trọng nghề hát này nghĩ mình toàn là những người hung dữ. Các em, các cháu ơi”.
Bộ dạng sợ đến lạnh người của Duy Nguyễn bao quanh là đông đảo nam nữ nghệ sĩ, khiến người quan sát ngỡ như thời “đấu tố” đang đội mồ sống lại giữa thế kỷ 21!
Pháp luật của nhà cầm quyền CSVN, cho đến nay, vẫn ngự trị với khẳng định “nhà nước pháp quyền XHCN”, bỗng nhiên hoàn toàn vắng mặt trong sự đe dọa dữ dội, ẩn dưới danh nghĩa dạy dỗ cách làm người, cùng với sách giáo khoa “Đạo Đức” và “Giáo Dục Công Dân” do phía nghệ sĩ trao tặng cho Duy Nguyễn (trong bộ dạng cậu học trò dại dột và lấc cấc) phải khắc cốt ghi tâm để nhớ “Đừng đụng đến nghệ sĩ” – lời của bà Cát Phượng cùng với lời khấn “Anh Tài yên nghỉ nhé, tụi em biết anh cũng không muốn làm lớn chuyện”.
Lời của bà Cát Phượng quả thật nghe sợ đến rùng mình! Nó tựa như lời phán truyền của một chị Đại trong giới xã hội đen hơn là người nghệ sĩ mà lại là nghệ sĩ hài – vốn mang lại tiếng cười – dù thâm thúy hay hời hợt – cho khán giả!
Trong Bộ Luật Hình Sự 2015 có quy định “Tội làm nhục người khác” (điều 155), “Tội vu khống” (điều 156). Giả sử Duy Nguyễn có hạ nhục hay vu khống Chí Tài, thiết nghĩ, nếu thật sự thương yêu ông Tài, nữ nghệ sĩ Cát Phượng có thể tư vấn và nhận ủy quyền để thay mặt nữ ca sĩ Phương Loan (vì ông Tài đã chết) kiện Duy Nguyễn ra tòa. Chắc chắn, đó là hành động văn minh mà ông Chí Tài sống khôn thác thiêng, nhất định sẽ ngậm cười nơi chín suối, hơn là nhìn thấy hình ảnh hùng hổ và đậm chất giang hồ như vừa rồi.
Điều làm dư luận khó hiểu, nữ nghệ sĩ Cát Phượng và nhiều nghệ sĩ có mặt trong ngày hôm đó, họ đang hành xử với tư cách gì trước ông Duy Nguyễn mà vốn cả thảy đều là CÔNG DÂN của nước CHXHCNVN?! Khi lòng yêu thương mù quáng được nhân danh cùng với tư duy bất chấp pháp luật, đó trở thành biểu hiện rõ nét: Luật pháp không còn chỗ đứng trong xã hội, bởi lòng tin người dân vào nó đã đổ vỡ từ lâu. Lúc đó, người dân sẵn sàng “tự xử” lẫn nhau. Công lý trở nên thừa thãi trong những tâm hồn chứa đầy suy nghĩ rửa nhục bằng mọi giá. Xã hội hỗn loạn chính từ đó mà ra. Và như thế, không khác gì một xã hội vô chính phủ.
Câu chuyện gây bàng hoàng và tạo cảm giác bất an, khi nhà cầm quyền CSVN có vẻ coi đó như là “chuyện vặt” tựa hàng trăm ngàn cuộc cãi vã rồi dẫn đến ẩu đả xảy ra rộng khắp trong xã hội ngày nay. Tất nhiên, cho đến khi án mạng, thương tật xảy ra với người chết kẻ đi tù, người dân mới khóc than trong hối tiếc và cả tuyệt vọng!
Thay lời kết
Nữ nghệ sĩ Cát Phượng viết: “Đánh thì rất dễ… chỉ cần 1 người nào đó búng nhẹ tay các anh em nó đánh như phim Mỹ. Nhưng đánh em thì Cái Tình và Chữ Người nó không còn nằm trong cái gọi là Nghệ Sĩ của anh chị em chúng tôi”.
Trong một diễn biến khác, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kết án 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, do thẩm phán Trương Việt Toàn chủ tọa. Sau khi kết án xong, thẩm phán Toàn xuống vỗ vai, bắt tay động viên tội phạm Nguyễn Đức Chung. Hành động này bị dư luận phê phán, còn ông Toàn cho rằng: “Thực ra điều đó đơn giản là thể hiện tình người với nhau thôi”.
Cát Phượng là nghệ sĩ chuyên nghiệp, còn Trương Việt Toàn là thẩm phán chuyên nghiệp.
Tuy Cát Phượng và Trương Việt Toàn hành nghề ở hai lãnh vực khác nhau nhưng bà Phượng và ông Toàn đều có bản chất rất giống nhau về… “TÌNH NGƯỜI”.
Chỉ còn lại nỗi băn khoăn và ray rứt như vết thương đang hồi hoại tử: Tại sao xã hội Việt Nam ngày càng nhiễu nhương, hỗn loạn, suy đồi và đầy dẫy các loại tệ nạn cũng như nhung nhúc các tên tội phạm?!
Nhà cầm quyền CSVN phải chịu trách nhiệm toàn diện, liên tục bởi khoản 2 điều 4 Hiến pháp quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
______________________
Nguyễn Ngọc Già