Là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới, Úc Châu (Australia) nằm ở cực Nam của con đường tiến xuống phía Nam của Trung Quốc, thực hiện tham vọng làm bá chủ vùng biển giàu tài nguyên của Biển Đông.
Hơn 30 năm “trỗi dậy trong hoà bình” với “bốn hiện đại hóa” qua sự tiếp tay của Tây Phương, ngày nay Trung Quốc đang trỗi dậy như một đại cường ngang ngược thách thức cả thế giới. Với một lực lượng quân sự tương đối hùng mạnh so với nhiều quốc gia và được hỗ trợ bởi một nền kinh tế không ngừng vươn lên, Bắc Kinh tự cho mình có cái quyền bắt các nước phải nghe theo bằng hàng loạt hành động kẻ cả, nhất là trên Biển Đông.
Vì thế, trong thời gian vừa qua, Úc là một trong những quốc gia mà Bắc Kinh nhắm đến để ra uy. Tại sao lại là Úc mà không phải nước nào khác?
Người ta còn nhớ khi dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Úc Châu và Liên Minh Châu Âu (EU – European Union) là một trong những nước đầu tiên khởi xướng phải điều tra cho ra nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19. Sự khởi xướng này được sự ủng hộ của 122 quốc gia. Chính tổ chức Y Tế Thế Giới WHO cũng thành lập tiểu ban điều tra và Vũ Hán là nơi các chuyên viên y tế thế giới sẽ vào điều tra nhưng bị từ chối.
Sự kiện một dự thảo nghị quyết về một cuộc điều tra độc lập của Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới họp trực tuyến tại Thụy Sĩ ngày 18 tháng Năm, 2020 được đem ra thảo luận đã khiến cho Tập Cận Bình vốn bản chất thù dai nên tỏ ra khó chịu.
Trung Quốc lại càng khó chịu hơn khi trị giá 30% hàng xuất cảng của Úc Châu là qua thị trường Trung Quốc. Vậy mà Úc lại đứng ra đòi điều tra nguồn gốc Covid-19, theo Tập thì Úc chơi không được. Nhưng nếu chỉ có thế thì Trung Quốc cũng có thể im lặng để làm hòa với Úc. Vì trong giao thương, Bắc Kinh không phải không có lợi ích từ Úc, nước mà Bắc Kinh từ lâu đã tạo được ảnh hưởng từ một số chính khách.
Sở dĩ Bắc Kinh tỏ thái độ hung hăng đối với Úc, đến từ hai lý do căn bản.
Thứ nhất là Úc đã cùng với Nhật tiếp tục làm sống lại Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Hoa Kỳ rút lui. Với CPTPP, Trung Quốc cho rằng Úc và Nhật tìm cách bao vây, cô lập và đẩy lùi sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy Bắc Kinh kiên trì xây dựng cho được Hiệp Định RCEP trong khu vực ASEAN với sự tham gia của một số nước bên ngoài làm đối trọng với CPTPP.
Thứ hai, Trung Quốc cảm thấy tức giận khi Úc tham gia xây dựng Bộ Tứ (Quad – The Quadrilateral Security Dialogue) bao gồm 4 nước Mỹ-Úc-Nhật-Ấn như một thứ NATO của Á Châu trong tương lai. Bắc Kinh nhìn thấy đây là mối đe dọa hiển nhiên với tham vọng đặt nền thống trị kinh tế chính trị lên toàn thế giới của mình.
Nhưng ngay tại Á Châu, Trung Quốc không dám đụng đến Nhật Bản vì Nhật đang nắm trong tay công nghệ cao mà Trung Quốc đang cần cho sự phát triển kinh tế-kỹ thuật của mình.
Trung Quốc đụng Ấn Độ cũng không xong. Cuộc thử lửa của Trung Quốc ở Ladakh trong vùng đất tranh chấp Kashmir vừa qua cho thấy Trung Quốc khó dùng lực lượng quân sự đe dọa thành công sự cương quyết chống trả của Ấn. Ngược lại hành động của Trung Quốc dẫn đến thiệt hại về kinh tế trước mắt: Ấn đã cấm trên 100 ứng dụng (App) của Trung Quốc như Tencent, Baidu, Xiaomi… tại Ấn.
Trung Quốc cũng không dám đụng với Mỹ vì trong dài hạn khi so sánh lực lượng đôi bên, cho dù quân đội Trung Quốc được hiện đại hóa ở mức cao, họ vẫn biết sẽ bị Mỹ gây nhiều khốn đốn. Chỉ còn lại Úc Châu, nước kém vai vế nhất trong Bộ Tứ là đích nhắm mà Tập Cận Bình, không thể không trừng phạt.
– Úc lệ thuộc Trung Quốc về xuất cảng các sản phẩm gồm thịt bò, rượu vang, ngũ cốc và khoáng sản là nguồn thu quan trọng của nước Úc. Đánh vào kinh tế Úc, Trung Quốc nghĩ rằng mình chỉ có đường thắng;
– Úc là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ, do đó đụng đến Úc gián tiếp Trung Quốc cho thấy muốn dằn mặt Hoa Kỳ mà không cần trực tiếp đối đầu.
Cả hai điều này khiến Úc bị tấn công.
Từ ngày 28 tháng Mười Một, Trung Quốc đã quyết định áp thuế “chống bán phá giá” với rượu vang nhập cảng từ Úc Châu. Rượu vang Úc phải chịu một mức thuế cao từ 107 đến 212% với lý do bảo vệ nền công nghiệp nội địa. Trước đó vào tháng Năm, 2020 Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thịt bò Úc và áp thuế lên lúa mạch nhập từ quốc gia này.
Nhưng rõ ràng trước những hành động áp chế ngang ngược lâu nay khiến Trung Quốc phải chịu phản ứng ngược vô cùng tai hại.
Một là đa số các quốc gia tự do đều cho rằng Trung Quốc đã hành xử vũ phu và coi thường luật pháp quốc tế. Thủ Tướng Úc Scott Morrison đã tuyên bố “Úc sẽ không đánh mất các giá trị hay khuất phục trước sự chèn ép từ Trung Quốc.” Và ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại trong một liên minh chống “hiểm họa Con Rồng Đỏ.”
Hai là với chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc đã khiến những quốc gia trong vòng đai liên kết với Bộ Tứ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương càng gắn chặt nhau hơn để đối phó với các hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian tới./.
Phạm Nhật Bình
#quanhệÚcTrungquốc