Có một sự nhầm lẫn của mọi người khi nói về Grab là: Tài xế chạy Grab chưa bao giờ là nhân viên của Grab. Nói cho chính xác tài xế chạy Grab là đối tác hợp tác của Grab.
Grab chỉ là công ty môi giới cho các “Giám đốc doanh nghiệp tự thân”(tài xế chạy Grab) với khách hàng thông qua phần mềm ứng dụng GrabBike. 20% mà Grab thu trước nay là phí môi giới, khi Nghị định 126 chưa có hiệu lực, tài xế chạy Grab đóng 3% cho thuế Gía Trị Gia Tăng và 1,5% cho thuế Thu Nhập Cá Nhân. Vị chi mỗi “cuốc” xe tài xế mất 24,5% cho phí môi giới và thuế. Khi Nghị định 126 có hiệu lực, Grab vẫn thu 20% phí môi giới, cộng thêm 10% thuế Gía Trị Gia Tăng và 1,5% thuế Thu Nhập Cá Nhân.
Mội tài xế chạy Grab được xem như một giám đốc doanh nghiệp riêng lẻ. Và mức thuế họ chịu bằng với mức thuế của một doanh nghiệp vận tải. Đúng là một niềm vui hiếm thấy, khi chỉ cần một bản xác minh lý lịch của địa phương, một chiếc xe máy, một cái điện thoại, một bộ đồ, 2 cái nón bảo hiểm, 2 triệu đồng ký quỹ, từ người tốt nghiệp Tiểu học cho đến Cử nhân Đại học đều có thể cùng nhau làm Giám đốc doanh nghiệp.
Các giám đốc doanh nghiệp này không được giảm trừ gia cảnh, không được trừ các loại thuế phí hao hụt, không có chế độ bảo hiểm, không có chế độ đãi ngộ. Ngày đêm, họ cần mẫn nuôi “Má mì” Grab và đóng góp vào ngân sách Quốc gia.
Thật chua chát khi xe ôm, taxi công nghệ lại đóng thuế ngang với một doanh nghiệp vận tải, nhưng rõ ràng Luật quy định như vậy.
Vấn đề đặt ra là gì? Luật là lằn ranh để duy trì trật tự xã hội, tận cùng của Luật là bảo vệ con người và tính nhân văn. Ở đây, Luật Thuế Việt Nam đã thiếu thực tế khi đánh thuế xe ôm, taxi công nghệ. Luật Thuế cần phải sửa chữa để phù hợp với hiện trạng xã hội, khi người chạy xe công nghệ đã quá cực khổ khó khăn, họ ở tầng lớp thu nhập thấp của xã hội. Nhưng khi đóng thuế họ lại được nâng tầm thành Giám đốc doanh nghiệp. Đãi ngộ không có, trách nhiệm lớn lao, thử hỏi có biến thành chuyện cười ra nước mắt hay không?
Bộ Tài Chính – Cơ quan soạn thảo Luật Thuế và các Nghị Định về Thuế trình Quốc Hội, Chính Phủ cần xem xét lại thực trạng xã hội để có những quy định chi tiết cho từng đối tượng nộp thuế, tránh trường hợp ăn máu Yết hầu nhân dân. Đồng thời, Bộ Tài Chính cùng với cơ quan Lập Pháp là Quốc Hội cần nghiêm túc xem xét, gấp rút sửa đổi bổ sung về Luật môi giới. Phải có quy định cụ thể về phí môi giới, % môi giới cho lĩnh vực Giao thông vận tải công nghệ. Ví dụ % môi giới không được vượt quá 8-10% doanh thu chẳng hạn.
Grab là một công ty đa Quốc gia có văn phòng tại VN. Không lý nào, một Đất nước có Chính quyền tự chủ lại bó tay trước một con Cò mồi, để nó mặc sức ra giá vận tải, mặc sức ra giá cho phí môi giới. Mà Chính Phủ chỉ biết ngơ ngác nhìn như con nai vàng thu thuế, rồi chết quéo bác xe ôm. Bấy lâu nay, Grab có thể tự tung tự tác bởi vì Việt Nam không có bất kì biện pháp chế tài nào, bất kì Luật nào bảo vệ người chạy xe công nghệ. Soạn Luật chi tiết bảo vệ dân thì chậm, soạn Luật thu Thuế thì rất nhanh, đó là chưa bàn tới vẽ dự án quy hoạch.
Đau, không nỗi đau bằng nỗi đau bị bỏ rơi ngay trên chính Đất nước mình. Nhục, không nỗi nhục nào bằng nỗi nhục một Chính quyền thua một doanh nghiệp cù bất cù bơ, rồi trơ mắt ếch nhìn nó bóp cổ dân mình, dân thì lại không có quyền lựa chọn vì gánh nặng mưu sinh. Ngoi ngóp trong khổ cực nắng mưa chưa đủ, lại được ưu ái đánh thuế bằng thuế Giám đốc doanh nghiệp vận tải. Khi nào Luật Thuế chưa có quy định cụ thể về đánh thuế vận tải công nghệ, lúc đó không nên áp thuế với các bác tài chạy xe công nghệ. Bởi lẽ, đã không bảo vệ được dân tốt hơn, thì đừng dùng danh nghĩa Nhân dân để uống máu Nhân dân.
Không biết Quốc Hội thấy nhột chưa? Chứ tôi thấy vừa đau vừa nhục cho bốn chữ CHỦ THỂ ĐẤT NƯỚC./.
#tăngthuếxeômGrab