Nghiệp đoàn độc lập và quyền biểu tình: nhìn từ vụ ‘xuống đường’ của các ‘Grab bike’

- Quảng Cáo -

Sơn Trà – (VNTB) – Liệu đã đến lúc chín muồi cho việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập, cũng như thực thi việc ban hành luật về quyền biểu tình?

Sáng 8-12, hàng trăm tài xế Grab sau khi đòi quyền lợi tại trụ sở công ty đã tập trung diễu hành trên đường phố Đà Nẵng để phản đối chính sách khấu trừ mới của Grab.

Không chỉ tập trung đòi quyền lợi, một số hội nhóm tài xế trên mạng xã hội đã vận động mọi người đình công. Một số trường hợp còn đặt cuốc ảo, ‘boom’ hàng khiến những tài xế khác không thể mở ứng dụng để hoạt động bình thường.

Đến khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, sau khi tập trung đòi quyền lợi, hàng trăm tài xế Grab đã tổ chức diễu hành, bấm còi inh ỏi trên các trục đường chính của thành phố Đà Nẵng như Lê Duẩn, Bạch Đằng, Ngô Quyền, Nguyễn Hữu Thọ,…

- Quảng Cáo -

Vấn đề pháp lý đặt ra: liệu đã đến lúc chín muồi cho việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập, cũng như thực thi việc ban hành luật về quyền biểu tình?

Cụ thể trong trường hợp của Grab, chính giới lao động đã phải tự đứng lên để đấu tranh cho riêng họ, nhưng có lẽ vấn đề là họ chỉ như là làm thời vụ, rồi sẽ chuyển qua công việc khác khi có thể – tức một kiểu của bột phá tức thời, và nó có thể tái diễn trong tương lai mỗi khi lại gặp những chính sách gây bất lợi cho số đông nào đó.

Với người quản lý thì không thể nhìn đây chỉ là bức xúc thời vụ, mà cần thấy rằng về lâu dài, để giúp người lao động tự bảo vệ mình trước các chính sách đang đi ngược lại lợi ích của giới cần lao, thì người ta cần biết tập họp lại dưới một tổ chức kiểu như nghiệp đoàn độc lập. Điều này cũng nằm trong tiên liệu, bởi chỉ còn vài tuần lễ nữa thôi khi Bộ Luật lao động phiên bản tu chỉnh có hiệu lực, thì quyền tự do công đoàn đã được minh định.

Ở đây cũng cần thấy rõ rằng bất cứ giới nào, ngành nào, kể cả lực lượng cảnh sát, cũng rất cần nghiệp đoàn cơ sở, để bảo vệ người lao động, giúp họ điều chỉnh các hành vi trong khuôn khổ luôn tuân thủ luật pháp – bởi rất có thể họ sẽ bị chính đồng nghiệp, hay tổ chức của họ chèn ép và bỏ rơi khi họ làm đúng luật.

Trở lại với vụ Grab.

Vào ngày 2-12, trên trang web của Grab có thông báo với nội dung (trích):

“Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020 (“NĐ 126”). Theo đó, kể từ ngày 05/12/2020, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và Đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi như sau:

Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10% hoặc theo hướng dẫn khác của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho Đối tác với tỷ lệ không đổi (80%).

Thuế thu nhập cá nhân (1,5%) không thay đổi, chỉ áp dụng với những Đối tác có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Việc kê khai thuế VAT theo NĐ 126 sẽ bắt đầu áp dụng với các cuốc xe phát sinh từ ngày 05/12/2020, doanh thu phát sinh từ ngày 01/01/2020 đến 04/12/2020 vẫn áp dụng chính sách thuế cũ”.

Tuy nhiên vào ngày 7 và 8-12, lần lượt tại cả 3 thành phố Hà Nội – Sài Gòn – Đà Nẵng đã diễn ra việc tài xế với màu áo Grab đã xuống đường với kiến nghị Grab không tăng mức khấu trừ, không tính mức thuế VAT tăng cho tài xế, và ký hợp đồng lao động với tài xế.

Gần như ngay sau đó, Grab tiếp tục có phản hồi liên quan đến các phản ảnh của tài xế. Cụ thể, Grab dẫn theo nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5-12, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, Grab đã khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Còn phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Theo Grab, việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của nghị định 126.

Như vậy với cục diện diễn ra cho thấy ‘địa chỉ’ cho việc xuống đường ở đây phải là Tổng cục Thuế đối với Hà Nội; và ở Đà Nẵng, Sài Gòn là Cục Thuế.

Bàn luận bên lề vụ việc, một luật sư tại Sài Gòn ngờ vực có bàn tay ‘tổng đạo diễn’ ở đây thuộc ‘người nhà nước’. Ông lý giải: “Các bác tài nghĩ sao mà lại yêu cầu ký hợp đồng lao động với tài xế?

Bởi nếu ký, thì đương nhiên thuế VAT 10%, và còn phải đóng cả các khoản về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi ấy, việc sử dụng ứng dụng công nghệ ở đây sẽ chẳng khác biệt gì với loại hình taxi, khó thể cạnh tranh về giá cả; khác chăng chỉ là việc không gò bó về mức doanh thu tối thiểu. Và công đoàn, thì đương nhiên sẽ là công đoàn thuộc nhà nước…”.

Vẫn theo quan sát của ông luật sư, những việc xuống đường để biểu tình như Grab sở dĩ vẫn suôn sẻ, diễn ra ở khu vực trung tâm với số lượng tham gia đông đảo… trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa ban hành luật về quyền biểu tình, thì ‘chuyện lạ’ đó chỉ có thể được lý giải: kịch bản của phép thử được thế lực chính trị nào đó ngay trong nội bộ của nhà chức trách đưa ra…

#grab

- Quảng Cáo -