RFA|
Theo nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5 tháng 12 năm 2020, tất cả các tài xế công nghệ sẽ bị xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay.
Quy định này ngay lập tức đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng tài xế công nghệ, nhất là các tài xế chạy Grab đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam. Nhiều tài xế Grab cho rằng ngoài chiết khấu cao, thuế tăng sẽ khiến cho thu nhập tài xế bị giảm và khiến đời sống ngày càng khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Văn Dũng hiện đang chạy xe ôm công nghệ Grab ở Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 3 tháng 12 năm 2020, nói:
“10% thuế đấy đúng ra phải khách hàng chịu chứ đâu phải tài xế chịu. Ví dụ như vô siêu thị mua sữa thì cũng phải trả 10% thuế giá trị gia tăng mà. Cho nên cái này nghe chừng cũng hơi vô lý, làm như thế thì đâm ra ảnh hưởng tài xế rất là nhiều. Tài xế công nghệ đều bị như thế hết, tránh làm sao được… Thuế thì nói chung lâu nay nhà nước đưa ra rồi, có bảo sàng lọc thì cũng có giải quyết được gì đâu? “
Theo anh Nguyễn Văn Dũng, khi chạy xe ngoài đường thì đã phải chịu các chi phí tốn kém như xăng, rồi hao mòn xe, rồi phí phần trăm để trả về công ty… Anh nêu ví dụ:
“Chẳng hạn ngày xưa một cuốc xe 100 nghìn, đóng phí công ty 20% thôi thì bọn anh chỉ mất 20 nghìn. Bây giờ trả thêm 10% thì bọn anh mất đi 30 nghìn, còn lại có 70 nghìn mà còn tiền xăng, hao mòn xe… sức khỏe nữa… vậy còn bao nhiêu đâu. Cái nói chung ông nhà nước đưa ra thì phải chịu thôi, dân kêu làm sao được đâu? Chưa kể, rủi ro xảy ra trên đường thì thứ nhất là tai nạn, rồi thì sức khỏe, giao thông trên đường thì bụi bặm, xe cộ này kia… khói xả ra các thứ thì ảnh hưởng sức khỏe rất là nhiều, chưa nói đến chuyện đêm hôm bị cướp giật… ảnh hưởng lớn hơn.”
Trả lời báo chí nhà nước, đại diện Grab cho rằng công ty này và các tài xế xe công nghệ sẽ phải chịu thêm những gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ nghị định 126. Với tài xế, mức thuế tăng cao sẽ dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu. Theo cách tính của Grab nếu thuế GTGT tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%. Theo Grab, tác động này đặc biệt nghiêm trọng đối với các tài xế xe 2 bánh, vốn là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Một người chạy xe ôm ở Sài Gòn nói với Đài Á Châu Tự Do hôm nay:
“Cái đó là mình thấy hơi buồn cười đấy, đương nhiên là mình cũng nằm trong diện người ta quản lý, bây giờ chỉ biết buồn vậy thôi, chứ như vậy là chết rồi… Việt Nam là một nước nghèo, đương nhiên là có nhiều cái khó khăn, trước mắt sẽ có một số xe ôm mất công ăn chuyện làm, vì xe ôm thu nhập rất kém cỏi.”
Lý giải về khoản thu này với báo chí trong nước, ngành thuế cho rằng, các doanh nghiệp như Grab, Be và Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải. Vì vậy, các doanh nghiệp trên phải kê khai thuế GTGT trên doanh thu… sau đó doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng.
Cũng theo đại diện Grab, nếu để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 8%. Và người dân sẽ phải chịu thêm chi phí này. Chưa kể, công ty sẽ phải thêm chi phí nhân sự vì yêu cầu tổ chức phải chịu trách nhiệm khấu trừ chi phí GTGT đầu vào của cá nhân hợp tác.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 3 tháng 12 năm 2020, giải thích dưới góc nhìn của người hiểu biết về luật:
“Đây là một trong những nội dung cơ bản của nghị định 126, có hiệu lực từ ngày 5/12, thì tất cả các đối tác xe công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với các tổ chức kinh doanh, phải chịu mức thuế GTGT 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì 3% như trước đây. Thì vừa rồi Cục thuế cũng có đối thoại với các hãng xe công nghệ, thì các hãng xe như Grab, Be, Gojek hoặc các hợp tác xã đối tác phải kê khai doanh thu vận tải của các tài xế, thu hồi nộp thuế 10%. Tức tăng 7% so với mức 3% hiện tại.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, trong nghị định 126 xác định các doanh nghiệp như Grab, Be và Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải, chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ. Ông giải thích thêm:
“Do trước đây văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Còn bây giờ nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp trên phải kê khai thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu, trên cơ sở đó doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng.”
Vậy trước khi tăng thuế nhắm vào tài xế xe công nghệ, chính phủ hay doanh nghiệp hợp tác có hỗ trợ cho giới tài xế, nhất là tài xế xe ôm trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch COVID?
Tài xế xe ông công nghệ Grab Bike Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm:
“Nói dịch COVID làm gì, công ty thì họ chỉ cho cân đường, hộp sữa, cân gạo thì cũng cám ơn… nhưng tài xế vẫn phải bươn chải ra ngoài đường dù rằng biết dịch bệnh kho khăn khăn nhưng vẫn phải ra đường kiếm tiền thôi. Còn phía nhà nước thì không liên quan gì đến Grab, tài xế chẳng được lợi gì từ phía nhà nước cả. Nếu bọn anh phải chịu 10% thuế thì bọn anh chỉ có thắc mắc vì sao bọn anh không được giảm trừ gia cảnh khó khăn? Trong khi các ngành khác đều được thì bên vận tải không được, chỉ thắc mắc thế, đã chạy xe ôm thì là khó khăn, sao không giảm trừ.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu giải thích:
“Nghề xe ôm là một nghề tự do, ai cũng có thể làm, cho nên nhà nước cũng chưa có quy định cho những người này, nhưng còn những tài xế xe công nghệ thì có doanh nghiệp đó họ thu và nộp thay người tiêu dùng. Còn xe ôm là tự phát, cá nhân thỏa thuận nên nó khác, và cũng chưa có quy định miễn trừ gia cảnh.”
Cho dù là tài xế xe ôm, tài xế taxi hay người dân… là người phải chịu mức phí 10% thuế tăng thêm này, thì dư luận cho rằng tăng thuế ngay thời điểm khó khăn kinh tế chưa phục hồi vì đại dịch COVID-19… là không thích hợp./.
#tăngthuếxeôm