Hà Nguyên – (VNTB) – Chính công lý mới nâng tầm một quốc gia, và mang lại niềm tin cho những người dân mỗi khi họ phải cầu viện tới công lý.
Ao ước của người dân, xứ nào cũng vậy, là làm sao để các vụ việc trong chức trách các chính quyền lớn, nhỏ đều được nhìn và thấy cùng một nhãn quan như nhau, không cần phải được chỉ đạo.
Chính công lý mới nâng tầm một quốc gia, và mang lại niềm tin cho những người dân mỗi khi họ phải cầu viện tới công lý.
Như thường lệ, khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, người ta quan tâm hơn hết đến việc dõi theo những cuộc tranh luận của các đại biểu tại nghị trường, một phần muốn biết những nguyện vọng quan trọng nhất của cử tri vừa được nêu có được nhìn nhận, thảo luận, tìm giải pháp ngay tại nghị trường lần này hay không, một phần để biết thêm những đường hướng phát triển mới đang được hoạch định ra sao.
Nhưng rồi cứ hết năm này đến năm khác, trên nghị trường người ta lại nghe thấy khá nhiều đề tài tranh luận đã được nêu tới nêu lui trong quá khứ, có thể cách đây vài năm, thậm chí cách đến cả chục năm, và vẫn “nóng” suốt từ đó đến nay.
Những ai quan tâm theo sát nghị trường qua nhiều năm – đặc biệt là những nhà báo gọi là chuyên trách mảng nội chính, đôi lúc không thể xóa được cái cảm giác chúng ta đang mắc kẹt trong quá khứ, với những loay hoay cũ và tiếp cận cũ.
Đã nhiều nhiệm kỳ chính phủ đi qua với nhiều cựu Thủ tướng, nguyên Tổng bí thư đã từ trần, song sợi dây kinh nghiệm vẫn còn quá dài khi ‘càng rút – càng dài ra’, đến độ ‘củi – lò’ cũng không đáp ứng xuể. Báo chí từng đặt câu hỏi: Chúng ta hiểu, quan niệm như thế nào về trách nhiệm của những người đứng đầu, lớn nhỏ? Hay nói cách khác, những người ấy hiểu, quan niệm như thế nào về trách nhiệm của mình?
Đọc báo, cứ lâu lâu lại thấy “ý kiến của Thủ tướng – chỉ đạo của Bộ Chính trị”. Điều này xuất hiện càng dày, càng cho thấy sự bất lực trong quản trị. Bởi với một nền tư pháp vững chãi và nghiêm minh, với những người biết rõ phận sự trọng trách của mình, thì đương nhiên được xử lý thích đáng, kịp thời mà không phải bận đến cấp cao nhất là Thủ tướng hay Tổng bí thư phải nhọc lòng. Nó trở thành những vụ việc “lớn lao” như đã thấy quả là chuyện hãn hữu. Song người dân không thích sự hãn hữu đó, do lẽ các công dân không thể lúc nào cũng có cơ may để vụ việc của mình được “chỉ đạo” từ Thủ tướng hay Tổng bí thư.
Chuyện nên là “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” là một ví dụ.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công – Trường đại học Fulbright, cho rằng khái niệm BOT rất thống nhất trên thế giới và cũng đã được thể chế hóa trong nghị định về PPP ở Việt Nam.
BOT là dự án Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Build – Operate – Transfer). Theo đó, doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn thì phải chuyển giao cho nhà nước. Như vậy có thể khẳng định dự án BOT không thuộc sở hữu của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Thể không đồng ý với khái niệm gọi là thống nhất trên thế giới đó. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích: Hiện giờ chúng ta xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên doanh nghuệp tự định giá, còn phí thì mang tính chất nhà nước.
Phí sẽ do Hội đồng nhân dân, Quốc hội quyết định, còn giá thì do doanh nghiệp tự ấn định và điều chỉnh cho phù hợp. Theo Bộ trưởng Thể, khi chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng quyền lợi như cũ, nhưng việc điều chỉnh mức giá sẽ thực hiện linh hoạt hơn để đáp ứng điều kiện ở từng trạm thu ở từng vị trí, từng khu vực.
“Việc chuyển sang thuật ngữ “thu giá” để doanh nghiệp tự ý điều chỉnh mức phí là bật đèn xanh theo cách không minh bạch cho doanh nghiệp “lách” luật, để một nhóm tư nhân kiểm soát số tài sản vốn không phải của họ”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định.
Mọi chuyện sẽ càng rối rắm hơn nếu như xét theo lập luận của luật.
Khoản thu khi sử dụng các dịch vụ, sở dĩ không gọi là phí vì chi phối bởi Luật giá, do đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư quyết định. Theo Bộ Tài chính, khi Luật phí, lệ phí hiệu lực từ 1-1-2017, có 44 loại phí được chuyển sang cơ chế giá. Nhưng gọi sao cho đúng luật và lọt tai, tiếc rằng Bộ Tài chính chỉ chung chung: chuyển sang “cơ chế giá”.
Bộ Giao thông vận tải đổi phí sang giá đã bị phản ứng. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp bước với tên gọi “giá dịch vụ đào tạo” thay cho học phí cũng chịu cảnh tương tự! Bộ Y tế lẳng lặng ban hành thông tư gọi đích danh giá dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng may mắn, tên gọi này không bị soi!
Vậy Bộ Giao thông vận tải cứ gọi là trạm thu phí được không? Nói miệng thì được nhưng ghi trên giấy tờ, bảng hiệu, vé qua trạm lại chưa ổn. Bởi khi đã viết ra chữ, thể hiện trên văn bản… tất cả phải căn cứ vào luật.
Bộ Y tế năm 2018 khi ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh đã nêu căn cứ vào Luật giá 2012. Như vậy, Bộ Giao thông vận tải không thể căn cứ vào Luật giá nhưng lại quy định về… phí.
Từ lùng bùng câu từ ngữ nghĩa kể trên, cho thấy rất rõ một điều là ở Việt Nam, “công lý” có khi dành cho nhóm quyền lực này, đôi khi lại ‘trở cờ’, chuyển sang phe cánh quyền lực khác ngay trong cùng một đảng chính trị.
Ao ước của người dân, xứ nào cũng vậy, là làm sao để các vụ việc trong chức trách các chính quyền lớn, nhỏ đều được nhìn và thấy cùng một nhãn quan như nhau, không cần phải được chỉ đạo. Ngược lại, có thể tin rằng lãnh đạo chính phủ chắc hẳn cũng không thích cứ phải chỉ đạo suốt cả những việc như thế. Cần phải nhớ rằng chính công lý mới nâng tầm một quốc gia và mang lại niềm tin cho những người dân mỗi khi họ phải cầu viện tới công lý.
#BOT