Cánh Cò
Những bức ảnh chụp được và loan truyền trên mạng xã hội trong mấy ngày qua của Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức đại hội lần thứ 10 cho thấy những hiện trạng xấu xí của một giai cấp được xem là trí thức của Việt Nam hiện nay. Trí thức vì ai cũng nhất trí rằng cái mà nhà văn theo đuổi là phản ảnh xã hội, miêu tả niềm tin của con người vào cuộc sống, tranh đấu cho sự thật, phác họa chân dung của xã hội nhằm đánh thức cộng đồng và chính quyền…
Thế nhưng nhìn vào hai mươi năm gần nhất cho tới ngày nay chế độ đã biến nhà văn thành những con rối. Những con rối ngày ngày hóng chế độ trợ cấp từ tiền bạc cho tới ý tưởng. Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ tệ hại đến thảm thương như cái ngày họ đi họp đại hội, cái ngày mà thay vì quang gánh tác phẩm tới cuộc chơi thì hầu hết lại mang vác tới chỗ tụ tập những cái nhìn hau háu vào nhau, những liếc mắt châm chọc, những lời chào hỏi xách mé, những gợi ý đểu cáng hay cãi vã không chút thẹn thùng.
Nhìn cảnh một nhà văn ngồi kiểu nước lụt chém gió với bạn bè mới thấy được cái chiều sâu thăm thẳm của ý thức công cộng. Nhà văn hôm nay chống đối lại hình thức hoa hòe hoa sói trong các kỳ đại hội chăng? Nhiều người cố bênh vực như thế nhưng trong những bênh vực mang tính hồ đồ ấy người ta khó bênh vực cho kiểu ngồi nước lụt trên một cái ghế được trịnh trọng phủ vải trắng. Cách ngồi ấy nếu của một văn hào thì báo chí sẽ lên đồng ca ngợi nhưng tiếc thay nó có khuôn mặt lạ hoắc với nền văn học Việt Nam đã đành, nó cũng lạ hoắc đối với văn hóa cộng đồng của một đất nước tự hào có nhiều ngàn năm văn hiến.
Nếu ai từng nhìn thấy khách du lịch Trung Quốc chen chúc nhau trong các tiệm buffet sẽ không ngạc nhiên khi thấy cảnh chen chúc nhau bỏ phiếu trong Đại hội Nhà văn lần thứ 10. Họ gần như trườn tới thùng phiếu như người ăn buffet sợ hết món mình yêu thích. Họ chen lấn cật lực để bày tỏ quyền được bỏ phiếu mặc dù không có giới hạn về giờ giấc do ban tổ chức đặt ra. Họ sợ, như sợ mất phần ăn, như sợ không được góp khuôn mặt của mình trên báo chí, cùng những cái sợ vô hình khác đã đẩy họ tới bờ của vực thẳm, vực thẳm phe nhóm và lợi quyền.
Chế độ đã thành công vượt bậc khi tạo ra những “trí thức” có hành vi phản cảm và mất văn hóa như vậy. Cung cấp một số tiền khủng hằng năm cho Hội Nhà Văn không gì khác hơn là được chăn dắt những ngòi bút viết theo định hướng. Từ hơn hai mươi năm qua không ai nhìn thấy một tác phẩm đáng được gọi là tác phẩm đặt trên kệ sách của Hội Nhà Văn. Tất cả đều tầm tầm, dễ dãi và sợ hãi đến nỗi gần như mỗi trang giấy tác giả đều tự kiểm duyệt chính mình trước khi bị cục xuất bản kiểm duyệt. Nhà văn, ở mặt nào đó rất đáng thương vì họ bị tước mất thứ vũ khí mà thượng đế ban cho họ: Viết.
Viết về sự thật thì họ không dám. Viết để trang trải nhận thức và bề sâu của lý trí thì họ không đủ tài. Họ viết những chủ đề nhạt nhẽo với thứ văn phong hoa mắt và rền rĩ. Kết quả là hầu hết tác phẩm của văn nhân thi sĩ trong Hội Nhà Văn gần như giống nhau hay na ná như nhau.
Thú tiêu khiển của họ sau những ngày tháng “động não” trước màn hình máy tính là chờ dịp gặp nhau trong cái ngày trọng đại này. Cái ngày mà họ có quyền bỏ phiếu chứ không phải được bỏ giúp như trong các kỳ bỏ phiếu trong Đại Hội Đảng.
Nếu nhân dân có Tổng bí thư thì Hội Nhà Văn có Chủ tịch. Hai vị trí cốt lõi để giúp cho đảng viên và hội viên kiếm sống.
Giống nhau đến nỗi lần này Hội Nhà Văn có thêm chức Thái thượng hoàng, tức ngồi buông rèm chấp chính. Ông Hữu Thỉnh được mời làm cố vấn cho hội, vẫn có phòng làm việc tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam mặc dù ông này đã làm Chủ tịch suốt hai mươi năm và từ chối làm tiếp trong nhiệm kỳ này.
Quan trọng như vậy thảo nào Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X diễn ra tại Hà Nội sáng 24-11 được kiểm soát an ninh chặt chẽ, tất cả phóng viên đều bị chặn lại trước cửa. Các đại biểu là các nhà văn dự đại hội có thẻ dán ảnh chân dung để kiểm soát.
Hãnh diện thật.